Giai điệu tự hào tháng 9 với chủ đề "Mồ hôi đá" đưa khán giả đến với cuộc hành trình âm nhạc về những ký ức và những câu chuyện khó quên gắn liền với mảnh đất Quảng Trị. Mở đầu chương trình, nghệ sĩ Lương Nguyệt Anh để lại dấu ấn với ca khúc Quân reo quê mẹ Quảng Trị anh hùng - một sáng tác của nhạc sĩ Trọng Loan.
Nghệ sĩ Lương Nguyệt Anh với ca khúc "Quân reo quê mẹ Quảng Trị anh hùng"
Ca khúc được sáng tác trên nền điệu hò giã gạo, một làn điệu dân ca Quảng Trị nhưng lại được làm mới nhờ một đoạn vocal và nét nhạc có âm hưởng thính phòng ở cuối bài. Nhạc phẩm này khiến nhà báo Phùng Huy Thịnh - cựu chiến binh Sư đoàn 325 - bồi hồi nhớ lại những ngày đỏ lửa yểm trợ cho bộ binh gìn giữ thành cổ: "Ở đó, tôi đã tự tay mình chôn vội những người đồng đội thân thiết, những người anh em ngã xuống".
Ở Quảng Trị, đường 9 có lẽ là một trong những địa danh nổi tiếng nhất, đi vào thơ ca, âm nhạc, những tác phẩm văn học nghệ thuật nhiều hơn cả khi nói về Quảng Trị. Con đường ấy đã trở thành đề tài trong tác phẩm của nhà thơ Xuân Sách. Sau đó, bài thơ được nhạc sĩ Huy Du phổ nhạc, mang tên Bài ca về đường 9. Ca khúc đã được Minh Trí và ban nhạc Nulvoltage thể hiện trong chương trình.
Minh Trí (áo trắng) trong màn trình diễn ca khúc "Bài ca về đường 9"
Bên cạnh đó, chương trình có cả sự góp mặt của ca sĩ Lan Anh. Cô cùng nhóm Bel Canto thể hiện ca khúc Tiếng hát trên đường quê hương - một sáng tác của nhạc sĩ Huy Thục. Đây vốn là một ca khúc được viết cho giọng nữ nhưng trong Giai điệu tự hào tháng 9, giám đốc âm nhạc Thanh Phương đã thử nghiệm để tạo nên một bản phối vừa mềm mại lại vừa hào sảng, mạnh mẽ.
Ca sĩ Lan Anh và nhóm Bel Canto thể hiện ca khúc "Tiếng hát trên đường quê hương"
Nhạc sĩ Phú Quang cũng có sáng tác về những người lính đã chiến đấu, hy sinh ở thành cổ, mang tên Kỷ niệm của tôi. Ca khúc được NSƯT Tấn Minh thể hiện. Lời ca bộc lộ nỗi day dứt của những người còn sống bởi họ đều nghĩ rằng, họ phải sống thay cho cả những người mãi mãi nằm lại ở tuổi 20.
NSƯT Tấn Minh và ca khúc "Kỷ niệm của tôi"
Còn Ngôi sao ban chiều lại là một bài tình ca rất riêng tư, được nhạc sĩ Đinh Tiến Hậu viết tặng một người con gái và đã trở thành câu chuyện tình yêu đẹp mang tính biểu tượng xuất hiện trong nỗi nhớ mong, khát khao của những người lính sinh viên chiến đấu ở Quảng Trị. Qua giọng ca của Hồ Trung Dũng, ca khúc càng trở nên xúc động hơn và để lại ấn tượng trong lòng người nghe.
Hồ Trung Dũng thể hiện ca khúc "Ngôi sao ban chiều"
Nhắc đến những ca khúc hay về Quảng Trị, nhiều người không thể không nhắc tới Mồ hôi đá - ca khúc được chọn làm chủ đề của chương trình. Sáng tác này của nhạc sĩ Xuân Vũ được trình bày qua giọng ca của nghệ sĩ Lê Xuân Hảo. Đây có lẽ cũng là một trong những bài hát trẻ nhất đến từ nhạc sĩ trẻ nhất từng xuất hiện trong Giai điệu tự hào. Bài hát ra đời đã 20 năm, nhưng vẫn được xem là một trong những khúc ca nổi tiếng nhất của một người Quảng Trị thế hệ 7x viết về quê hương.
Lê Xuân Hảo trình diễn ca khúc chủ đề của chương trình - "Mồ hôi đá"
Ngoài ra, chương trình còn có sự tham gia của nghệ sĩ Bạch Trà với ca khúc Quảng Trị yêu thương. Nhạc sĩ Trần Hoàn đã sáng tác ca khúc vào năm 1989 khi tỉnh Quảng Trị được tách ra từ Bình Trị Thiên trước đó. Đây được coi là món quà ông dành tặng cho chính mảnh đất quê hương đã sinh ra mình. Ca khúc chính là niềm tự hào về mảnh đất anh hùng trong quá khứ, đồng thời là khát vọng gửi đến tương lai.
Nghệ sĩ Bạch Trà với "Quảng Trị yêu thương"
*Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TVOnline!