Thù lao đầu tiên là từ Ở nhà chủ nhật
Chị có nhớ mình đã gắn bó với VTV được bao nhiêu năm?
- Tổng cộng tôi đã có 11 năm gắn bó với mái nhà VTV, trong đó có 4 năm tôi làm cộng tác viên khi còn là sinh viên và 7 năm kí hợp đồng chính thức với Đài.
Nhớ lại khoảng thời gian đầu, cơ duyên nào đã đưa chị đến với VTV?
- Chúng tôi là chiến sĩ là chương trình đầu tiên tôi chính thức đảm nhận vai trò của một người dẫn chương trình nhưng chạm ngõ truyền hình thì phải kể tới Ở nhà chủ nhật. Một người chị mà tôi quen biết trong trường Đại học sân khấu điện ảnh đã giới thiệu tôi tham gia Ở nhà chủ nhật. Tôi đã có gần 3 năm tham gia đóng tình huống cho chương trình. Máy quay là gì, quay phim là ai, tất cả những bỡ ngỡ và cả món thù lao đầu tiên tôi nhận được ở VTV cũng gắn liền với Ở nhà chủ nhật.
Sau đó, Chúng tôi là chiến sĩ ra đời, chương trình tuyển người dẫn, thật may mắn và cũng là cơ duyên khi tôi được người trực tiếp dìu dắt mình lúc đó và cũng là sếp của tôi bây giờ - nhà báo Vũ Thanh Hường động viên đi thi thử. Sau 3 vòng thi tuyển, tôi được chọn làm người dẫn đồng hành cùng với những người lính trong chương trình bên cạnh nhà báo Lại Văn Sâm.
Học trường Sân khâu điện ảnh nhưng lại rẽ ngang để trở thành một MC. Có bao giờ chị muốn thử sức với điện ảnh?
- Tôi nhận được khoảng 3-4 lời mời đóng phim cũng từ lâu lắm rồi, tôi nhớ là có Nhật ký vàng anh, Khách sạn vui vẻ và vài phim nhựa nữa. Toàn vai khách mời kiểu như đội nón chạy qua màn ảnh thôi. Nói vui vậy chứ tôi cũng thích phim ảnh và cũng muốn thử sức, muốn dạo chơi lắm, nhưng toàn nhằm trúng lịch “nhập ngũ” nên tôi không nhận lời tham gia được. Chắc do tôi "vô duyên" với phim ảnh đấy. (Cười)
MC Hoàng Linh cùng nhà báo Lại Văn Sâm và MC Quang Minh trong chương trình Chúng tôi là chiến sĩ.
Biến áp lực thành niềm vui
Nhiều người nói nhà báo, nhất là phụ nữ làm báo thì sẽ phải hi sinh một trong hai thứ là công việc và gia đình, chị nhận định như thế nào về vấn đề này?
- Điều này thì không sai. Nhưng theo tôi có hai cái nhìn khác nhau. Mức độ hi sinh thế nào và gia đình, những người thân của mình thông cảm, hi sinh ngược lại cho mình bao nhiêu mới là điều đáng nói. Bản thân những người làm truyền hình lúc đêm hôm, dịp lễ Tết cũng phải hi sinh khoảng thời gian sum vầy bên gia đình để hoàn thành công việc.
Trong khi đó, gia đình cùng những người thân biết chia sẻ, cảm thông, gánh vác những trách nhiệm gia đình nhiều hơn thì đấy cũng là một sự hi sinh vô cùng đáng quý mà những người làm truyền hình luôn biết ơn, trân trọng. Nói chung ở thời điểm này tôi có thể hi sinh gia đình vì công việc, nhưng ở thời điểm khác thì gia đình phải là số 1. Hai chữ cân bằng đối với tôi là vô cùng cần thiết và quan trọng.
Khó khăn nhất có lẽ là phải làm mới bản thân và trau dồi kiến thức hàng ngày. Nếu thật sự yêu nghề, đam mê nó, bạn ắt sẽ không chỉ thấy đó là áp lực mà sẽ còn thấy đó là niềm vui.
Những kỉ niệm nào khiến chị nhớ nhất trong suốt những năm làm nghề?
- Những kỉ niệm đẹp nhất, những tấm hình tác nghiệp quý giá nhất tôi có được trong những năm tháng tại VTV là ở những chuyến công tác đến với Trường Sa. Từ luống rau anh chiến sĩ trồng trên nhà giàn, đến những con cún họ nuôi trên đảo… tất cả có một cái gì đó rất thân thương, giản dị nhưng lại rất đặc biệt. Ra với Trường Sa, chứng kiến cuộc sống rèn luyện, sinh hoạt của những người lính, của những người dân, ngắm nhìn những nhà giàn bất khuất trên biển, ngắm nhìn lá cờ đỏ sao vàng tung bay trong gió… trái tim mỗi người Việt lại có những nhịp đập thật khác thường, nó quyết liệt hơn, mạnh mẽ hơn, tự hào hơn khi đứng trước biển trời của quê hương. Nó khiến ai trong chúng ta cũng yêu hơn bao giờ hết Tổ quốc mình. Nếu không làm báo, nếu không được trực tiếp đến Trường Sa thì tôi sẽ không thể có được những trải nghiệm quý giá như thế trong đời. Tôi luôn biết ơn nghề vô cùng!
Một ngày bận rộn nhất của chị sẽ diễn ra như thế nào?
- Nếu là một ngày lên sóng bản tin trực tiếp Cà phê sáng với VTV3 thì tôi sẽ dậy từ 5h sáng. Trang điểm, sửa soạn 6h30 có mặt ở trường quay. Đúng 7h lên sóng trực tiếp trong một tiếng và kết thúc lúc 8h. Sau đó đi ăn sáng và quay lại cơ quan với những công việc hậu kỳ của Chúng tôi là chiến sĩ. Kết thúc giờ làm việc buổi chiều, tôi trở về nhà và chăm sóc cho Gabon - 2 cậu con trai nhỏ của tôi. Những hôm không phải lên bản tin trực tiếp sớm thì tôi sẽ có thời gian chào bình minh cùng Gabon, lo cho 2 cậu nhóc trước khi tôi đến VTV bắt đầu một ngày làm việc bận rộn.
Lần đi công tác đến Trường Sa đã để lại trong Hoàng Linh một ấn tượng tuy giản dị nhưng rất đặc biệt
Với những bạn trẻ đam mê truyền hình đặc biệt là các bạn nữ, muốn được làm biên tập viên, dẫn chương trình chị có điều gì muốn nhắn nhủ?
- Điều đầu tiên là phải có sức khỏe. Làm truyền hình mà không có sức khỏe thì thật khó để theo nghề và làm tốt công việc của mình. Thử tưởng tượng chuyện thức đêm thức hôm, bữa sáng bữa trưa gộp làm một là hết sức bình thường. Chưa kể thường xuyên di chuyển bằng ô tô, máy bay… nếu bạn là người say xe thì thật là cực hình đấy.
Ngoài sức khỏe tốt, bạn chỉ cần một thứ duy nhất nữa thôi, đó là tình yêu với nghề, có tình yêu bạn sẽ làm được tất cả. Cũng giống như tình yêu đôi lứa vậy, khi bạn yêu hết lòng bạn sẽ biết cách làm thế nào để chinh phục đối phương. Có tình yêu, bạn sẽ rèn rũa bản thân, tìm cách ngày càng hoàn thiện mình trong công việc và chắc chắn bạn sẽ đạt được những kết quả tốt.
Còn một điểm nữa công việc làm truyền hình là một công việc đòi hỏi tính tập thể, tinh thần xây dựng, kết nối tốt bởi vì người dẫn chương trình chỉ là một mắt xích rất nhỏ trong cả một bộ máy. Một người hòa đồng, biết cách làm việc theo nhóm tốt, sáng tạo và cả cá tính nữa sẽ rất phù hợp với công việc truyền hình.
Cảm ơn chị về những chia sẻ thú vị!
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!