Phóng sự - Thể loại có sự cạnh tranh gay gắt nhất
Liên hoan Truyền hình toàn quốc (LHTHTQ) lần thứ 37 sẽ diễn ra từ ngày 13/12 đến 16/12/2017 tại thành phố Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa. Sự kiện do Đài THVN chủ trì và Đài PT-TH Thanh Hóa đăng cai tổ chức.
Liên hoan truyền hình toàn quốc năm nay tiếp tục tìm kiếm và tôn vinh những tác phẩm xuất sắc nhất đã phát sóng trong năm trên hệ thống các kênh truyền hình Việt Nam ở 9 thể loại: Chương trình dành cho thiếu nhi, Phim tài liệu, Phóng sự, Chương trình Chuyên đề - Khoa giáo, Chương trình Giao lưu - Đối thoại - Tọa đàm, Chương trình truyền hình tiếng dân tộc thiểu số, Chương trình Ca múa nhạc, Chương trình Sân khấu và Phim truyện truyền hình.
Ông Nguyễn Hà Nam, Trưởng Ban Thư ký biên tập Đài Truyền hình Việt Nam, Phó Trưởng Ban thường trực Ban tổ chức Liên hoan truyền hình toàn quốc lần thứ 37
Ông Nguyễn Hà Nam, Trưởng Ban Thư ký biên tập Đài Truyền hình Việt Nam, Phó Trưởng Ban thường trực Ban tổ chức Liên hoan truyền hình toàn quốc lần thứ 37 chia sẻ: "LHTHTQ là hoạt động lớn nhất của những người làm truyền hình trong cả nước. Đây là lần đầu tiên LHTHTQ được tổ chức tại Thanh Hoá. Với sức hút của thành phố Sầm Sơn, những hoạt động của LHTHTQ hứa hẹn sẽ tạo được ấn tượng tốt đối với những đại biểu về tham dự".
Tính đến thời điểm này, gần 500 tác phẩm dự thi đã được gửi về tham gia tranh giải. Về tiêu chí chấm các tác phẩm dự thi, ông Nguyễn Hà Nam cho biết nội dung chiếm tỷ lệ quan trọng tuy nhiên, các giám khảo cũng quan tâm đến hình thức thể hiện. Trong đó, những tác phẩm có cách thể hiện hiện đại, nhanh và sáng tạo sẽ được chú ý và tạo ấn tượng tốt.
Bức ảnh Rừng tự nhiên bị tàn phá do PV Giang Nam, Đài PT-TH Bắc Giang gửi dự thi cuộc thi ảnh "Những người làm truyền hình"
Đặc biệt, phóng sự tiếp tục là thể loại thế mạnh và truyền thống của các đài PT-TH, thu hút nhiều tác phẩm tham gia nhất (gần 150 tác phẩm). Đây cũng là thể loại có sự cạnh tranh gay gắt nhất giữa các đơn vị dự thi với rất nhiều đề tài phong phú, phản ánh bức tranh thời sự của nhiều địa phương trong năm qua. Đề tài về môi trường là đề tài nổi bật được nhiều đơn vị tâm đắc và gửi dự thi tại LHTHTQ lần thứ 37.
Ngoài những người làm truyền hình có uy tín trong cả nước, so với kỳ liên hoan trước, thành phần ban giám khảo của LHTHTQ 37 tiếp tục được đổi mới 50%. Tại LHTHTQ năm nay, nhiều nghệ sĩ nổi tiếng tham gia "cầm cân, nảy mực" như: NSND Hoàng Dũng, NSƯT Đặng Thụy Mỹ Uyên (BGK thể loại Sân khấu), NSND Như Quỳnh, NSND Lý Thái Dũng, NSƯT Đỗ Thanh Hải (BGK thể loại Phim truyện truyền hình), NSƯT Huỳnh Tấn Minh (BGK thể loại chương trình Ca múa nhạc)...
Người phán xử và Sống chung với mẹ chồng: Phim hot nhưng không được tham dự
Phim truyện truyền hình tại LHTHTQ lần thứ 37 được phân loại thành 3 nhóm gồm: phim 1 tập (không quá 105 phút), phim ngắn tập (mỗi phim từ 2 đến 5 tập, mỗi tập 45 phút) và phim dài tập (mỗi phim từ 6 đến 60 tập, mỗi tập 45 phút).
5 bộ phim truyền hình dài tập dự thi năm nay là Lẩn khuất một tên người (Hãng phim Truyền hình thành phố Hồ Chí Minh - TFS, 37 tập), Mật danh Rocker (Đài Truyền hình thành phố Hồ Chí Minh, 44 tập), Mẹ hổ dạy con dâu (Công ty TNHH Truyền hình cáp SaigonTourist - SCTV, 40 tập), Sống trong bóng đêm (Đài PT-TH Vĩnh Long, 40 tập) và Chiều ngang qua phố cũ (Trung tâm Sản xuất Phim Truyền hình - VFC, Đài Truyền hình Việt Nam, 26 tập).
Trong đó, nhóm phim truyền hình dài tập được tổ chức chấm thi sớm từ đầu tháng 11. Theo ông Nguyễn Hà Nam, số lượng phim truyện truyền hình năm nay ít hơn phản ánh phần nào thực tế sản xuất phim truyền hình của các đài PT-TH hay hãng phim tư nhân đang giảm sút nhiều. Tuy nhiên số lượng không phải là tiêu chí đầu tiên để đánh giá và các bộ phim năm nay có đề tài cũng như chất lượng phim được Ban giám khảo đánh giá cao.
Bên cạnh đó, lý giải về việc trong năm qua có nhiều bộ phim truyền hình đặc sắc lại không tham dự, ông Nguyễn Hà Nam cho biết các tác phẩm có yếu tố nước ngoài thì sẽ không được tham gia LHTHTQ. Ví dụ như phim Người phán xử và Sống chung với mẹ chồng đều có yếu tố nước ngoài trong kịch bản nên không dự thi.
Cập nhật xu hướng phát triển mới của ngành truyền hình
Thông qua nhiều hoạt động bên lề ý nghĩa được tổ chức, LHTHTQ cũng là dịp hiếm hoi để những người làm truyền hình trong và ngoài nước gặp gỡ trao đổi chương trình, hợp tác sản xuất, cập nhật xu hướng phát triển của ngành truyền hình và cùng chia sẻ về những vấn đề đáng quan tâm nhằm phục vụ khán giả tốt hơn.
Xuất phát từ mối quan tâm của những người làm truyền hình, từ sự thôi thúc của quá trình phát triển ngành truyền hình, hai hội thảo "Sản xuất chương trình thiếu nhi: Giáo dục kết hợp giải trí", "Tuyên truyền về du lịch trên truyền hình" và một buổi thuyết trình từ chuyên gia nước ngoài về "Xu hướng phát triển của truyền hình và Internet trên thế giới" sẽ được tổ chức theo hướng gắn kết đối tượng, thôi thúc sáng tạo và sẵn sàng cho sự phát triển nhanh chóng của truyền hình.
Tại hội thảo "Sản xuất chương trình thiếu nhi: Giáo dục kết hợp giải trí", đại diện của kênh truyền hình AnakTV đến từ Philipines sẽ mang đến nhiều kinh nghiệm quý giá và thiết thực. Anak TV là một đơn vị truyền hình ủng hộ thúc đẩy sự hiểu biết về truyền hình và thúc đẩy chương trình thân thiện với trẻ em tại Philippines. Đây là đơn vị tổ chức Prix Jeunesse Đông Nam Á - phiên bản Đông Nam Á của giải thưởng quốc tế Munich Prix Jeunesse – giải thưởng danh tiếng nhất thế giới tôn vinh các sản phẩm truyền hình sáng tạo dành cho trẻ em.
Trong khi đó, hội thảo "Tuyên truyền về du lịch trên truyền hình" sẽ chỉ ra những khó khăn mà các Đài Phát thanh - Truyền hình phải đối mặt trong công tác tuyên truyền du lịch trên truyền hình. Hội thảo cũng sẽ đề cập đến nhiều vấn đề khác như vai trò của MC trong chương trình; giải pháp để phá bỏ tính mùa vụ trong tuyên truyền về du lịch; những khó khăn, thuận lợi của các đài địa phương khi truyền thông về du lịch.
Với sự tham gia của 2 đại diện đến từ hãng Ooyala, Mỹ và Soccer Sport, Indonesia cùng sự đồng hành của đại diện VTV Digital, cuộc thuyết trình và thảo luận "Xu hướng phát triển của truyền hình và Internet trên thế giới hứa hẹn" sẽ không chỉ nói về xu hướng mà còn mang đến những ý tưởng, giải pháp tối ưu cho các Đài truyền hình trong quá trình nắm bắt công nghệ, đón đầu xu hướng, hoạch định phát triển.
Triển lãm ảnh của các tác giả là những người làm truyền hình cả nước tiếp tục được tổ chức trong khuôn khổ LHTHTQ 37.
Bên cạnh đó, trong hai ngày 12 và 13/12/2017, Quỹ Tấm lòng Việt - Đài Truyền hình Việt Nam sẽ tổ chức chương trình "Áo ấm đến trường", trao tặng hơn 3.000 chiếc áo ấm đồng phục và hơn 1.000 suất quà cho học sinh tại 8 trường thuộc huyện Thạch Thành - một huyện miền núi khó khăn thuộc tỉnh Thanh Hóa; đồng thời, Quỹ cũng tổ chức trao tặng 100 suất học bổng cho học sinh nghèo vượt khó tại 5 điểm trường khó khăn, chịu hậu quả nặng nề sau bão lũ.
LỄ KHAI MẠC: 20h10 ngày 13/12/2017 tại Trung tâm Hội nghị FLC Sầm Sơn, Thanh Hóa (Truyền hình trực tiếp trên kênh VTV1)
LỄ BẾ MẠC VÀ TRAO GIẢI: diễn ra vào 20h ngày 16/12/2017 tại Trung tâm Hội nghị FLC Sầm Sơn, Thanh Hóa (Ghi hình phát sóng trên kênh VTV1 vào 14h15 ngày 17/12)
Chương trình Khai mạc và Bế mạc Liên hoan Truyền hình toàn quốc lần thứ 37 do Ban Văn nghệ, Đài Truyền hình Việt Nam thực hiện.