Là chương trình đặc biệt nhân dịp kỷ niệm lần thứ 125 ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh của Đài Truyền hình Việt Nam, Cầu truyền hình Hoài bão Hồ Chí Minh sẽ được THTT trên kênh VTV1 vào tối 18/5 từ 2 điểm cầu: Lăng chủ tịch Hồ Chí Minh (Hà Nội) và Khu di tích quê hương Chủ tịch Hồ Chí Minh (Nam Đàn, Nghệ An).
Trước khi chương trình lên sóng, VTV News đã có cuộc trò chuyện cùng nhà báo Đặng Diễm Quỳnh - Phó trưởng Ban Thanh thiếu niên, Đài THVN về chương trình đặc biệt này. Nhà báo Đặng Diễm Quỳnh cũng là MC của Cầu truyền hình Hoài bão Hồ Chí Minh.
Chủ tịch Hồ Chí Minh là đề tài quen thuộc của nhiều chương trình truyền hình, điều này có phải là một khó khăn cho ê-kíp sản xuất khi thực hiện Cầu truyền hình Hoài bão Hồ Chí Minh?
NB Diễm Quỳnh: Thách thức lớn nhất của chúng tôi khi thực hiện chương trình này là làm thế nào để được nhiều người đón nhận, đặc biệt là các khán giả trẻ. Có thể nói, những thế hệ trước đã có sẵn lòng yêu kính dành cho Bác Hồ, họ là những người đã quen và sẵn sàng tiếp nhận thông tin về Bác Hồ. Còn với khán giả trẻ, sẽ khó khăn hơn để họ cảm thấy thú vị với chủ đề này. Đó cũng là lý do ê-kíp sản xuất chọn cách kể chuyện về Hồ Chí Minh theo hướng gần với các bạn trẻ bây giờ hơn.
Nhà báo Đặng Diễm Quỳnh thực hiện phóng sự tại TP.HCM
HỨA HẸN SẼ KHIẾN KHÁN GIẢ MÃN NHÃN
Vậy chương trình năm nay sẽ có điểm gì đặc biệt hơn so với các chương trình trước đây?
NB Diễm Quỳnh: Cầu truyền hình Hoài bão Hồ Chí Minh nhân dịp kỷ niệm 125 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh là một trong những chương trình lớn nhất do Ban Thanh thiếu niên thực hiện trong năm 2015.
Sau khi lên kịch bản, ê-kíp sản xuất đã đưa ra nhiều cụm từ để đặt tên cho chương trình như Ước mơ, Hy sinh, Khát vọng... Tuy nhiên, cuối cùng chúng tôi quyết định chọn “Hoài bão” làm từ khóa cho chương trình. Mong muốn thì nhỏ, ước mơ lớn hơn một chút nhưng hoài bão thì vô cùng lớn. Nếu Bác Hồ không ôm ấp một hoài bão lớn thì đã không thể vượt qua những khó khăn trở ngại trên con đường dài 30 năm tìm đường cứu nước. Đó cũng là lý do chúng tôi đặt tên cho cầu truyền hình này là Hoài bão Hồ Chí Minh.
Đặc biệt, chúng tôi đã sử dụng nhiều cách làm truyền hình mới trong quá trình sản xuất cầu truyền hình năm nay. Chương trình năm nay sẽ khiến khán giả mãn nhãn với hình ảnh trong các phóng sự được ghi hình tại nhiều địa phương như TP. Hồ Chí Minh, Cao Bằng, Huế, Phan Thiết, Trường Sa, Lũng Cú - Hà Giang, Nghệ An, Tuyên Quang....
Bên cạnh đó, chương trình vẫn có phần giao lưu cùng các nhân vật lịch sử từng gặp gỡ Bác Hồ. Ngoài ra, chương trình còn có phần hoạt cảnh tái hiện lại những ngày tháng khó khăn của Bác Hồ trong thời gian bôn ba nước ngoài.
Chị vừa nhắc tới cách làm truyền hình mới, chị có thể nói cụ thể hơn?
NB Diễm Quỳnh: Cách đây 5 năm, Đài THVN từng thực hiện một cầu truyền hình hoành tráng nhân dịp kỷ niệm 120 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, sau 5 năm, các kỹ thuật và thủ pháp làm truyền hình đã có nhiều thay đổi. Do vậy, dù nói về một chủ đề đã quen nhưng khi được đưa vào sản xuất bằng cách vận dụng tối đa những kỹ thuật tiên tiến hiện nay như quay flycam, chất lượng hình ảnh HD... Cầu truyền hình Hoài bão Hồ Chí Minh hứa hẹn sẽ thỏa mãn thị giác của khán giả với những hình ảnh vô cùng đẹp.
Nhà báo Đặng Diễm Quỳnh thực hiện phóng sự tại Anh
ĐỀ TÀI CÀNG QUEN CÀNG KHÓ LÀM
Là người đã tham gia nhiều chương trình về Bác Hồ, chị có cảm xúc đặc biệt nào khi thực hiện Cầu truyền hình Hoài bão Hồ Chí Minh?
NB Diễm Quỳnh: Đề tài càng quen càng khó làm. Tất nhiên, khi làm Cầu truyền hình Hoài bão Hồ Chí Minh, chúng tôi phải nhặt lại những gì đã có nhưng cách xử lý như thế nào lại là việc khác. Chương trình này đã cho tôi và các cộng sự cơ hội tìm ra cách nói khác về một đề tài quen thuộc.
Bản thân tôi là người dễ xúc động trước những câu chuyện có bài học sâu sắc hay giúp người ta khám phá ra một vấn đề mới. Vì vậy, những lần tiếp xúc với các học giả quốc tế hay xem những bộ phim nước ngoài làm về Bác Hồ cũng giúp tôi có thêm nhiều cách tiếp cận khác với đề tài này. Họ làm về Bác Hồ rất hay và lay động. Tôi nghĩ đôi khi cũng cần làm chương trình về một lãnh tụ để người xem cảm thấy yêu hơn và cảm thấy thú vị hơn trong tình yêu của mình. Đó là những gì tôi muốn làm với chương trình cầu truyền hình này.
Điều chị ấn tượng nhất khi thực hiện chương trình này là gì?
NB Diễm Quỳnh: Cầu truyền hình này có sự tham gia thường xuyên của một ê-kíp khoảng 10 người theo sát từng nội dung trong kịch bản chương trình. Họ là những người cực kỳ yêu thích chương trình này. Có những hành trình dài ngày đi qua nhiều địa phương trên cả nước, thậm chí là đi đến mức “chân không chạm đất”, nhưng họ vẫn hăng hái, nhiệt tình làm việc. Điều đó khiến tôi thực sự ấn tượng với sự nhiệt tình của họ dành cho chương trình Hoài bão Hồ Chí Minh.
Nhà báo Đặng Diễm Quỳnh cùng ê-kíp sản xuất chương trình tại TP.HCM
Hiện tại, công tác chuẩn bị cho cầu truyền hình đã hoàn tất?
Các phần trong nội dung chương trình đã được hoàn tất. Chúng tôi sẽ tổng duyệt chương trình vào chiều tối ngày 17/5. Tuy nhiên, điều tôi lo lắng nhất hiện nay là yếu tố thời tiết vì chương trình được thực hiện ngoài trời.
Xin cảm ơn những chia sẻ của chị!
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam TV Online.