Được phát triển từ format chương trình 2Mbox, Người làm nhạc 2014 là phiên bản chương trình mới của VTV6 khai thác yếu tố sáng tạo âm nhạc của giới trẻ Việt Nam hiện nay.
Chính vì vậy, nếu như ở format 2MBox, chương trình thường mang hình hài một “mini liveshow” dành cho những nghệ sĩ đã khá thành danh trên thị trường âm nhạc Việt, thì ở phiên bản mới này, chương trình sẽ khai thác những gương mặt hoàn toàn mới, chưa được nhiều người biết đến.
Những khách mời này có thể là một nhóm các bạn trẻ khai thác âm nhạc qua các thiết bị điện tử cầm tay, hay một ca nương thể hiện ca trù trên nền nhạc world music… song, điểm chung giữa họ đó là đều có sự tìm tòi và sáng tạo rất nổi bật trong âm nhạc.
Bên cạnh đó, một số yếu tố của format cũ vẫn được e-kip thực hiện giữ lại khi sản xuất chương trình như yêu cầu các ca khúc trên sân khấu của Người làm nhạc đều được thể hiện live, không sử dụng các kĩ thuật hậu kỳ và thực hiện tương tác với khán giả tại trường quay.
Tuy nhiên, một thực tế hiện nay là những chương trình truyền hình khai thác các gương mặt mới trong âm nhạc có rất nhiều, vậy điều gì làm nên sự hấp dẫn khác biệt dành cho khán giả của Người làm nhạc?
Trả lời cho câu hỏi này, BTV Minh Hẳng – phụ trách sản xuất chương trình cho biết: “Có thể những chương trình về âm nhạc hiện nay có rất nhiều nhưng việc chúng tôi chú trọng đó là tìm ra những người có các sáng tạo thực sự trong nghệ thuật”.
"Chúng tôi không dừng lại ở việc giới thiệu một sáng tác mới hay một album mới, một cây viết mới mà chúng tôi quan tâm đến cách họ chơi nhạc, thể hiện niềm đam mê của mình. Đây là điều mà không phải chương trình về âm nhạc nào hiện nay cũng có".
"Họ có thể là không phải nghệ sĩ chuyên nghiệp hay được đào tạo bài bản về âm nhạc, nhưng cách họ chơi nhạc và theo đuổi niềm đam mê này thì lại rất mới mẻ. Do đó, bất kì ai, chỉ cần đam mê, thích tìm tòi trong âm nhạc thì hoàn toàn có thể trở thành một người làm nhạc. Đó cũng là một phần ý nghĩa tên của chương trình này", cô nói thêm.
Một điều đặc biệt khiến Người làm nhạc trở nên gần gũi hơn với khán giả đó là chương trình không chỉ dừng lại ở việc xem và tiếp nhận thông tin mà còn giúp khán giả theo dõi có thể tìm thấy cho chính mình một cách thức thể nghiệm âm nhạc mới ngay tại cuộc sống. Đây cũng là mục đích cuối cùng của chương trình mong muốn gửi tới khán giả.
‘ Vậy điều quan trọng nhất khi thực hiện sản xuất chương trình Người làm nhạc là…?
“Khi thực hiện một chương trình về người mới, thì những người thực hiện cần có sự mạo hiểm đánh cược một chút” - BTV Minh Hằng chia sẻ, “Cái khó nhất của Người làm nhạc là phải tìm dược nhân vật. Để làm điều này, những thành viên trong e-kip sản xuất đã phải tìm tới những tụ điểm thuộc thế giới underground của các bạn trẻ hiện nay. Ngoài ra, nếu khai thác một nhân vật nổi tiếng, bạn chỉ cần tìm thông tin của họ trên Internet nhưng với những nhân vật của Người làm nhạc, chúng tôi hoàn toàn phải khai thác và lập một proflie mới cho các nhân vật”.
Mặc dù vậy, theo BTV Minh Hằng cho biết, do chương trình có đặc thù là nhân vật khách mời đều ở độ tuổi khá trẻ, thích được thể hiện và khám phá bản thân nên cũng có nhiều yếu tố thuận lợi. "Với 30 phút trong mỗi tập phát sóng, Người làm nhạc sẽ đưa tới cho khán giả những thông tin cụ thể nhất về khách mời để trả lời cho các câu hỏi - Tôi làm gì? Tôi làm như thế nào? Tôi sẽ làm gì trong tương lai", cô nói.
Ngoài ra, nhận định tính tương tác với khán giả là một nhu cầu thiết yếu hiện nay đối với các chương trình dành cho khán giả trẻ, chương trình cũng tăng cường hơn việc giao lưu với khán giả không chỉ qua hình thức “offline” mà còn tại chính sân khấu trong các buổi ghi hình.
Với mong muốn ngày càng thu hút được nhiều khán giả trẻ hơn nữa đến với chương trình, trong tương lai, những người thực hiện hy vọng có thể xây dựng Người làm nhạc trở thành một thư viện thông tin về những khách mời trên cộng đồng lớn, đưa những sự sáng tạo âm nhạc này đến với ngày càng nhiều khán giả hơn.