Phóng viên Hồng Tuyến nhận bằng khen tại ABU Prizes từ Tổng thư ký ABU Javad Mottaghi.
Từng đảm nhận vị trí giám khảo trong các kỳ LHTHTQ trước, chị có nhận xét chung gì về các tác phẩm dự thi ở thể loại này?
Trong hai năm chấm thi vừa rồi, tôi không thấy nhiều các tác phẩm thực sự xuất sắc. Các đơn vị vẫn làm theo lối mòn cũ và thiếu tính sáng tạo.
Khi chấm các chương trình thiếu nhi, liệu chị có đưa ra tiêu chí nào?
Rất khó để nói có thể dựa trên những tiêu chí nào vì chính bản thân BGK cũng không cập nhật xu hướng do trẻ con bây giờ xem những thứ khác. Tuy nhiên theo tôi, tác phẩm phải đi theo với thị hiếu của khán giả - trẻ em thời nay, phải cập nhật những gì trẻ con yêu thích. Tôi thấy những tác phẩm dự thi nếu được chiếu rộng rãi thì cũng khó có thể thu hút và hấp dẫn được các bé.
Để thành công ở thể loại này, theo chị yếu tố nào quan trọng nhất?
Tôi nghĩ những người làm phim cần thấu hiểu trẻ con nhiều hơn, phải quan tâm xem trẻ con đang muốn làm gì, muốn xem gì và cần gì. Nếu chỉ làm theo lối cũ như các tác phẩm đã tham gia dự thi thì quá lạc hậu, đặc biệt là thời lượng. Năm ngoái BGK đã yêu cầu thời lượng các tác phẩm tham dự dưới 20 phút tuy nhiên nhiều người làm phim vẫn giữ lối mòn cũ, không hề thay đổi.
Đúng là hiện nay, trẻ em bị thu hút bởi nhiều thứ khác, đặc biệt trong đó là các trò chơi trên mạng và máy tính bảng. Vậy, với vị trí là một người sản xuất các chương trình thiếu nhi, thì chị nghĩ nên cần thay đổi điều gì?
Hiện nay, chương trình truyền hình nói chung cần phải song hành với mạng xã hội và website chứ không thể tách rời, không chỉ là những chương trình truyền thống như ngày xưa. Chương trình Thiếu nhi cũng thế, cần có những website hay mạng xã hội dành cho trẻ em bởi trẻ em bây giờ đã làm quen nhiều với máy tính, các thiết bị điện tử và mạng xã hội, đó cũng là xu hướng trên thế giới hiện nay. Các chương trình Thiếu nhi cũng cần chú trọng và tăng tính tương tác với khán giả nhằm thu hút người xem hơn.
Theo chị, việc sản xuất các chương trình thiếu nhi đang gặp khó khăn và thử thách gì?
Tôi thấy điều bất cập nhất là sự đầu tư dành cho chương trình Thiếu nhi chưa được chú trọng. Kinh phí cho chương trình Thiếu nhi vẫn không có gì thay đổi từ nhiều năm nay. Thực ra, làm chương trình cho trẻ em phức tạp hơn nhiều so với người lớn, đáng để ưu tiên đầu tư hơn thì hiện nay kinh phí đầu tư chỉ bằng một phần của các chương trình người lớn. Có nhiều chương trình đích thực, mang tính giáo dục dành cho trẻ em thì chưa được quan tâm đúng mức.
Xem các chương trình thiếu nhi từ nước ngoài, theo chị chúng ta cần học hỏi điều gì từ họ?
Ở nước ngoài, họ làm chương trình trẻ con rất kỹ, có sự đầu tư, chứ không phải làm hời hợt như những nhà sản xuất Việt Nam. Họ có sự quan tâm, tìm hiểu, nghiên cứu kỹ càng về tâm lý trẻ con. Bên cạnh đó, việc sản xuất các chương trình thiếu nhi tại Việt Nam còn thiếu nhiều điều kiện, yếu tố như trang thiết bị, kinh phí…
Vậy, trong LHTHTQ lần này, chị mong đợi điều gì nhất từ các tác phẩm dự thi?
Tôi hy vọng sẽ có nhiều tác phẩm đến được với trẻ em, phản ánh đúng nhu cầu, những điều trẻ em đang quan tâm hiện nay.
Xin cảm ơn chị về cuộc phỏng vấn!
Liên hoan truyền hình toàn quốc lần thứ 34 diễn ra tại Huế từ ngày 17 - 20/12/2014.