Nhà báo Lê Bình và chuyến tàu kinh tế đặc biệt

Lê Hoa - Ảnh: Hải Hưng-Thứ sáu, ngày 27/12/2013 11:25 GMT+7

Vốn là một người thẳng thắn và "nóng tính", các chương trình do nhà báo Lê Bình – Giám đốc Trung tâm Tin tức VTV24 đảm nhiệm dường như cũng mang chút “bản ngã” của chị. Tạp chí kinh tế năm Giáp Ngọ do chị “điều khiển” sẽ là chương trình khá gay cấn từ nội dung đến hình thức thể hiện.

* PV: Tạp chí kinh tế năm Giáp Ngọ sẽ diễn ra trong một không khí gay cấn. Chọn cách thể hiện khá gay gắt trong một chương trình đầu năm mới, chị có lo ngại khán giả cảm giác hơi nặng nề?

Nhà báo Lê Bình: Đúng là vào năm mới, người ta không nên nói cái gì đó quá nặng nề. Nhưng làm báo phải trung thực. Năm mới là lúc mọi người có chút thời gian nhìn lại quá khứ, nhìn lại những gì đã xảy ra trong suốt một năm qua, để rút kinh nghiệm đi tiếp trong năm mới. Chúng tôi đặt ra những vấn đề kinh tế khá gay gắt, những tồn tại trong điều hành, những lỗ hổng trong chính sách trong suốt năm qua… bởi lẽ Quý Tỵ là một năm khó khăn của nền kinh tế.

Bức tranh kinh tế năm qua nhiều gam màu tối, đó là thực tế. Chúng tôi muốn người xem cảm nhận được một cách khách quan, chân thực nhất những gì đã diễn ra với nền kinh tế trong một năm qua. Nhưng đồng thời, cũng cho họ niềm hi vọng rằng năm mới, sẽ có thêm nhiều điều tốt đẹp. Cũng chính vì vậy mà chúng tôi chọn ngày phát sóng chương trình này vào mùng 3 Tết.

‘ Vốn là một người thẳng thắn và nóng tính, các chương trình do nhà báo Lê Bình – Giám đốc Trung tâm Tin tức VTV24 đảm nhiệm dường như cũng mang chút “bản ngã” của chị

*Mục tiêu của những người thực hiện chương trình này ngoài phản ánh những vấn đề nóng trong năm qua, mà còn phải giúp những khán giả bình thường, không trong lĩnh vực kinh tế hiểu được. Tính đến thời điểm này, chị và đồng nghiệp đã đạt được bao nhiêu phần trăm mục tiêu đặt ra?

Nhà báo Lê Bình: Đây là mục tiêu vô cùng khó bởi vì kinh tế vốn là những con số rất khô khan. Nếu như người xem vốn không quan tâm đến kinh tế thì GDP, CPI sẽ là những khái niệm hoàn toàn xa lạ. Nếu như kinh tế là những bữa cơm của người nông dân, là tiêu dùng hàng ngày, là nỗi khổ của doanh nghiệp, khó khăn của ngân hàng, là những nỗi niềm của người làm trong ngành tài chính thì lúc đó, kinh tế mới chạm vào cảm xúc, trái tim và suy nghĩ của khán giả.

Khi xem chương trình, người ta có được thông tin, cảm nhận rõ ràng chương trình ấy đang nói đến mình, đề cập đến lợi ích và động đến túi tiền của mình thì tôi tin là họ sẽ xem. Nói về kinh tế vĩ mô nhưng phải khiến cho người xem cảm nhận đang nói về họ, tôi nghĩ như thế mới có thể thuyết phục khán giả ngồi trước màn hình được.

Nói về chương trình Tạp chí kinh tế của hai năm trước, mỗi khi làm xong, tôi cảm thấy rất thỏa mãn. Nhưng mỗi khi nhìn lại chương trình cũ thì chúng tôi lại không hài lòng với nó nữa và muốn hướng đến một đỉnh mới. Ở chương trình này, tôi hi vọng sẽ bước thêm một bước nữa về nghề nghiệp, về cách thể hiện.

Đến thời điểm này, tôi cũng có thể tạm hài lòng đến 70-80% vì chất liệu còn đang về. Chúng tôi chỉ thỏa mãn khi nào được “mục kích sở thị” sản phẩm. Thậm chí, ngay khi hoàn chỉnh rồi có cái chưa thỏa mãn, tôi vẫn tiếp tục hoàn thiện nữa. Bằng chứng là chiều 30 Tết năm ngoái, một đồng nghiệp đã đến nhà tôi và hai chị em còn "chuốt lại" lần cuối cho đến khi bố mẹ bạn ấy gọi về đón Giao thừa. Tất cả anh chị em và cả cá nhân tôi trong guồng máy này luôn nỗ lực đến phút cuối cùng để sản phẩm được hoàn chỉnh ở mức tương đối gần như 100%.

‘ * Tạp chí kinh tế cuối năm của hai năm trước đã tạo thành thương hiệu. Phải vượt qua cái bóng của chính mình có khiến các anh chị gặp áp lực?

Nhà báo Lê Bình: Thực ra là áp lực vô cùng. Năm đầu tiên chúng tôi đã cùng nhau xem lại 5-7 lần, ngồi say mê từ đầu đến cuối, xem đi xem lại vẫn thấy hay, vẫn cứ xúc cảm và muốn khóc. Chúng tôi đã nghĩ là sang năm thứ hai khó rồi. Nhưng đến năm thứ hai, chúng tôi lại tiếp tục có ý tưởng sáng tạo và được đánh giá thành công hơn năm trước. Chúng tôi lại nói với nhau chắc là không thể vượt qua được đâu. Bởi mọi ý tưởng đã vắt kiệt rồi. Tôi không nghĩ là năm nay chúng tôi lại hừng hực ý tưởng mới như thế. Chúng tôi lại có những niềm đam mê mới, lại cùng "phiêu" với nhau, tất cả anh chị em dù cảm thấy áp lực nhưng vẫn vô cùng phấn khích.

Tôi chắc chắn là mỗi người đứng trong đội ngũ này, làm sản phẩm đóng góp cho Tạp chí của năm thì các bạn rất tự hào. Mỗi chúng tôi đều cố gắng nỗ lực thể hiện, chỉn chu đến mức tốt nhất. Bởi vì chúng tôi biết rằng đây là chương trình thể hiện ý tưởng, năng lực, xúc cảm và sự yêu quý của mình đối với khán giả. Tôi tin rằng mỗi năm chúng tôi sẽ đi một bước cao hơn so với năm cũ và không bao giờ dừng lại nếu giữ mãi nhiệt huyết như thế này.

‘ *Khoảng 10 cuộc họp tương đương với hơn 50 giờ “khẩu chiến” mới cho ra đời một kịch bản 90 phút. Có thể thấy, chị và đồng nghiệp đều là những người rất kỹ tính trong công việc?

Nhà báo Lê Bình: Kỹ tính là một điều không thể thiếu đối với người làm truyền hình. Tôi từng nói với các đồng nghiệp trong phòng là chúng ta phải tôn trọng khán giả tới từng dấu chấm, dấu phẩy trong sản phẩm của mình. Khán giả là người vô cùng tinh, chỉ một ngắt câu sai, chỉ một hình ảnh dùng ẩu, họ biết ngay.

Nhìn vào một sản phẩm truyền hình, khán giả có thể thấy rõ cá tính của từng phóng viên, họ sẽ biết anh trung thực hay giả dối, anh vô cảm hay có sự rung động từ trái tim, anh là người rỗng tuếch hay có kiến thức. Nếu muốn khán giả yêu phóng sự của mình, trước tiên mình phải vô cùng yêu nó, muốn họ bị thuyết phục thì ta phải có niềm tin vào những cái ta đang làm, phải kỹ tính với chính ta.

Khán giả truyền hình là những người có đầu óc siêu việt, thông thái nhất đến những người bình thường nhất. Với nghề “làm dâu trăm họ”, chúng ta phải đáp ứng nhiều tiêu chí, tin tức mới, nóng nhưng phải sâu sắc và trí tuệ, kể câu chuyện mang tới cho người xem nhiều thông tin nhất nhưng phải đơn giản, dễ hiểu nhất. Nếu nghiêm khắc với bản thân, tôn trọng, yêu quý và đam mê sản phẩm của mình thì chúng ta mới có thể truyền tải một phần nào đó cho khán giả và lôi cuốn họ. Ngược lại, nếu dễ dãi với bản thân thì không bao giờ khán giả muốn xem chương trình mà chúng ta làm.

* Xin cảm ơn chị về cuộc trò chuyện!

Tạp chí kinh tế năm Giáp Ngọ được lấy ý tưởng từ một chuyến tàu kinh tế mang tên “Băng qua vùng tối”. Chuyến tàu kinh tế đặc biệt gồm 5 toa: Nông nghiệp, Doanh nghiệp, Người tiêu dùng, Quốc tế và Nhà quản lí. Mỗi toa do một nhóm phóng viên đảm nhiệm và có màu sắc phù hợp với thực trạng của từng lĩnh vực. Nhà báo Lê Bình là người đi suốt chuyến hành trình và đứng cân bằng ở tất cả các toa, giúp khán giả nhìn thấy bức tranh kinh tế của năm một cách chân thực nhưng cũng khách quan nhất.

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước