NB Vũ Quang: Điều gì đã dẫn dắt chị đến với công việc làm báo?
NB Trần Hà: Ngày bé, tôi thường đến nhà bà ngoại chơi. Nhà bà ở quê và tường nhà được làm bằng đất bùn, không trát vôi. Vì thế, khi xin được tờ báo cũ nào, bà đều dán lên những chỗ quan trọng nhất trong nhà. Báo ngày đó hiếm, mà người ở quê có được tờ báo giấy là quý lắm.
Không biết từ lúc nào, tôi cũng trở nên yêu quý và ngưỡng mộ những tờ báo đó. Nhiều bức ảnh và tin tức tuy mờ mịt nhưng tôi xem tất cả những gì trên đó dù chưa hiểu hết. Tôi đã mơ ước được giống như những người tạo ra những trang báo đó.
Lớn lên một chút, tôi tập tành viết cho các tờ báo như Thiếu Niên Tiền Phong hay Hoa Học Trò. Nhưng tôi chỉ viết ra chứ sợ, không dám gửi. Tôi ước mình còn giữ được những tác phẩm đầu tay ấy…
NB Vũ Quang: Ngôi trường chị từng theo học giúp ích ra sao cho công việc hiện tại?
NB Trần Hà: Tôi học Đại học Ngoại ngữ ở quận Thanh Xuân, nay là Đại học Hà Nội. Hồi đó, những trường tôi thích lại không thi khối D (môn Toán, Văn, Ngoại ngữ) nên tôi đã đăng ký thi vào khoa Tiếng Anh của trường Đại học Ngoại ngữ. Điều đó giống như là cơ duyên vậy.
Tới khi bắt đầu công việc ở Đài Truyền hình Việt Nam, tôi làm cộng tác viên ở vị trí Biên tập tin quốc tế của phòng Kinh tế, Ban Thời sự (nay là Trung tâm Tin tức VTV24). Tôi nghĩ việc làm tin quốc tế thực sự đã mang đến nền tảng khá vững chắc cho mình. Sau đó, tôi mới có thể làm các phóng sự trong nước. Văn phong hay cách làm của tôi ít nhiều ảnh hưởng từ những tin tức quốc tế tôi từng làm trước đó.
NB Vũ Quang: Theo chị, sự thật đối với báo chí là gì?
NB Trần Hà: Tôi chỉ nghĩ đúng một điều, đó là viết ra những thứ thấy đúng với lòng mình. Nghe thì có vẻ giáo điều nhưng từ những trải nghiệm của mình, tôi tâm đắc với điều đó và cố gắng làm theo.
NB Vũ Quang: Một ngày làm việc của nhà báo Trần Hà ở Mỹ diễn ra như thế nào?
NB Trần Hà: Một ngày của tôi đều bắt đầu từ 8h tối hôm trước, tức vào khoảng 8h sáng ở Việt Nam. Đó cũng là lúc tôi và các đồng nghiệp tại đây sẵn sàng cho các bản tin. Ban ngày, tôi tham gia đi quay, tối lại về viết tin, viết phóng sự hay chuẩn bị lên sóng trực tiếp. Nhiều hôm, tôi thức đến 2-3h sáng. Do múi giờ bị lệch nên tôi cứ tự ví mình như con cú vậy.
Có những ngày, chúng tôi có thể làm xuyên đêm và ngủ bù vào ban ngày. Nhưng cũng có ngày khi tôi về nhà đã là 4h sáng sau một chuyến bay đêm 6 tiếng. Sau đó, đến 9h sáng, tôi tiếp tục đi làm sự kiện tại Liên Hợp Quốc. Những lúc như vậy, tôi chỉ còn biết ngủ bù vào… ngày nào rảnh.
Nhà báo Trần Hà và bà Nguyễn Phương Nga - Đại sứ Việt Nam tại Liên Hợp Quốc
NB Vũ Quang: Vậy chị có thể bật mí quá trình làm thế nào để có được tin hay?
NB Trần Hà: Tôi thấy mình đã quá may mắn khi được làm báo trong một thời đại đầy ắp thông tin đến từ mọi nguồn như hiện nay. Tôi càng may mắn hơn khi tác nghiệp tại một nơi được gọi là trung tâm của mọi trung tâm báo chí, đó là thành phố New York. Vì thế, việc tìm tin và có được tin với tôi không phải điều quá khó. Tuy nhiên, dùng tin ra sao mới là điều quan trọng, tức phải khai thác, nhìn nhận tin tức đó như thế nào để có góc nhìn, câu chuyện riêng.
Trong thời đại này, tôi nghĩ tiêu chí về báo chí đã thay đổi. Tin nhanh, nóng không phải tiêu chí đầu tiên nữa bởi mạng xã hội như Facebook, Twitter… đang chiếm ưu thế vượt trội về tốc độ. Báo chí chính thống không thể đuổi kịp về độ nhanh. Nhưng như thế không có nghĩa mạng xã hội thay thế được báo chính thống. Chúng ta áp đảo hơn so với nguồn tin từ mạng xã hội ở cách khai thác câu chuyện. Chúng ta lật đi lật lại câu chuyện và theo đuổi nó đến cùng.
Vấn đề quan trọng nhất vẫn là góc nhìn của mỗi nhà báo. Tôi vẫn thích cách mà báo chí Mỹ khai thác câu chuyện. Cùng một thông tin nhưng mỗi báo khai thác ở góc độ khác nhau. Họ hoàn toàn "không mặc đồng phục" cho tin tức. Họ không làm thế được nếu muốn tồn tại ở môi trường báo quá cạnh tranh như Mỹ.
Chẳng hạn, New York Post không bao giờ đặt mục tiêu phải ra những bài điều tra dạng "bom tấn" như loạt bài về nghi vấn trốn thuế của ông Donald Trump giống tờ New York Times. Còn nếu độc giả muốn tìm những thông tin như bà Hillary Clinton mặc đồ hãng nào trong lần tranh luận vừa qua thì phải tìm đến New York Post.
NB Vũ Quang: Trong quá trình tác nghiệp, cuộc phỏng vấn nào làm chị thích thú nhất?
NB Trần Hà: Tôi thích phỏng vấn người dân vì họ chia sẻ một cách rất đời và rất thật. Từ khi làm thường trú tại Mỹ, có lẽ lượng người dân tôi phỏng vấn được đã có thể tính đến con số hàng trăm.
Tôi thường không thích những cuộc phỏng vấn đã được lên lịch, thậm chí lên câu hỏi trước. Tuy nhiên, cuộc phỏng vấn với tỷ phú Mỹ Willbur Ross làm tôi nhớ mãi. Ấn tượng không phải vì ông ấy là tỷ phú, mà là cách ông ấy nói chuyện. Đầu tiên, tôi nghĩ với những người nổi tiếng như vậy, chỉ cần phỏng vấn một cách an toàn theo những điều đã trao đổi qua thư điện tử. Nhưng chỉ trong 20 phút gặp gỡ ông, tôi hoàn toàn bỏ hết kịch bản câu hỏi đã chuẩn bị để hỏi những thứ tôi cần và muốn hỏi. Ông trả lời phỏng vấn đầy sôi nổi, bao gồm cả những câu hỏi hơi "nhạy cảm".
Ông còn bất ngờ khen chiếc áo tôi đang mặc. Sau đó, chúng tôi chuyển qua chủ đề về khoản đầu tư vào ngành may mặc của ông ấy, trong đó có Việt Nam. Tôi nhận ra, mình luôn thích những cuộc phỏng vấn mang tính ngẫu hứng, tự nhiên.
NB Vũ Quang: Có nhân vật nào chị mong muốn phỏng vấn mà chưa thực hiện được không?
NB Trần Hà: Đó là ông Ban Ki-moon - Tổng thư ký Liên Hợp Quốc. Tôi đã đọc rất nhiều về ông ấy, từ cả trước và sau khi sang Mỹ nhận công tác. Thấy ông ấy là người thật đặc biệt. Nhưng có lẽ, tôi sẽ không còn dịp được phỏng vấn ông ấy với tư cách là Tổng thư ký Liên Hợp Quốc bởi sang năm, ông sẽ hết nhiệm kỳ. Hoặc biết đâu lúc đó, tôi sẽ có thể phỏng vấn ông dễ dàng hơn.
NB Vũ Quang: Đối với chị, chuyến đi tác nghiệp nào đã làm thay đổi chị nhiều nhất?
NB Trần Hà: Cách đây 5 năm, chuyến đi Hy Lạp để làm về khủng hoảng kinh tế cho chương trình Tạp chí Kinh tế cuối năm đã để lại cho tôi nhiều ấn tượng. Hy Lạp là một đất nước đẹp với những câu chuyện thần thoại nhưng khi tôi đến, thủ đô Athens trở nên trống trải, hoang tàn do những người chủ ở đó đã bị phá sản. Tôi nhận ra rằng, con người làm ra nhiều và cũng phá đi nhiều thứ. Đó vốn là một đất nước của các vị thần, nhưng thực tế chẳng vị thần nào cứu được họ.
Chuyến đi đã đánh thức nhiều cảm xúc trong tôi. Tôi gọi đó là chuyến hành trình tìm về cảm xúc của chính mình… Hiện tại, tôi vẫn mong trở lại Hy Lạp để xem sau đỉnh điểm khủng hoảng, họ đứng dậy bằng cách nào.
NB Vũ Quang: Đâu
là sự khác biệt giữa nhà báo Trần Hà với các đồng nghiệp Mỹ?
NB Trần Hà: Có lẽ khác biệt nhất giữa tôi với các đồng
nghiệp Mỹ, là họ rất cao lớn, tôi
thì thấp bé (cười).
Nói
vui vậy thôi, làm việc ở Mỹ, tôi học được một điều mà tôi khá tâm đắc: Đó là nên
so sánh mình với chính mình, mà không đem mình đi so sánh với người khác. Theo
cái cách ấy, tôi tự thấy mình tiến bộ hơn hẳn so với trước đây. Tôi phải cảm ơn
các đồng nghiệp Mỹ, hay chính xác là môi trường báo chí Mỹ về điều đó. New York
chính xác là một trường dạy nghề và đào tạo nghề báo "đỉnh" nhất tôi
từng biết. Mỗi khi có sự kiện gì lớn diễn ra, tôi đều tận dụng để
"xem" các bạn Mỹ làm việc. Ví dụ lễ đón năm mới ở Quảng trường Thời đại, CNN luôn là Đài làm tôi
cho là chuyên nghiệp nhất. Họ có một trường quay di động rất lớn cho 2 MC.
Từ đó kết nối với các phóng viên quanh khu quảng trường đó. 2 người dẫn chính
là Anderson Cooper và Kathy Griffin nói liền 3, 4 tiếng ở ngoài trời, trong cái
lạnh suýt soát âm độ. Thế mà, họ vẫn dẫn mà như nói chuyện vui, cảm giác như ngẫu hứng ngoài kịch
bản vậy. Nhưng tôi biết, họ làm chi tiết, tỉ mỉ từng tí một. Mọi cái tưởng như
là ngẫu hứng, nhưng thực ra đều là có trong kịch bản hết. Tính kế hoạch, chi tiết
là thứ tôi khâm phục và muốn học hỏi các đồng nghiệp Mỹ.
Rồi
cách dẫn hiện trường của các phóng viên vệ tinh cũng đáng xem. Ví dụ: dẫn hiện
trường, thường là chúng ta hay đứng một chỗ. Hoặc tự nhiên hơn là có thêm một
vài động tác tay, hoặc là di chuyển, nhưng là di chuyển thẳng, đi lại về phía ống
kính máy quay. Nhưng ở Quảng trường Thời đại, nếu chỉ dẫn như thế, sẽ không thể diễn tả
không khí sôi động quanh
chúng ta. Và tôi thấy các bạn Mỹ dẫn bằng cách xoay tròn. Quay phim cũng xoay tròn theo phóng viên. Cảnh dẫn lột tả được hết những gì cần nói. Tôi quan sát
và thích học những thứ như thế. Nó nhỏ nhỏ, nhưng rất có ích cho tôi.
Hay
tôi nhớ năm trước New York phải đón trận bão lớn. Tôi cứ đón xem xem các Đài Mỹ,
mà cụ thể là CNN sẽ triển khai như thế nào. Và tôi đã rất bất ngờ khi trường
quay của họ là chiếc ô tô. Người dẫn trong chương trình bão hôm ấy đã không ngồi
trong những trường quay "hoành tráng" của CNN như thường lệ. Mà họ chọn
chiếc ô tô nhỏ, di chuyển khắp New York làm trường quay. Từ ô tô, người dẫn
chính kết nối khắp nơi trong New York để kể câu chuyện về bão. Những khuôn hình ghi trong chiếc ô tô trường
quay có thể giật, có thể rung lắc, mờ mịt vì mưa, nhưng người xem thấy rất thật,
rất sống. Tôi hiểu vì sao khẩu hiệu và tôn chỉ hoạt động của CNN luôn là
"đến tận hiện trường".
NB Vũ Quang: Ngoài công việc làm truyền hình, còn công việc nào mà chị có thể làm hàng ngày nhưng không biết chán?
NB Trần Hà: Đó là là xem kênh Disney với con gái lớn và đẩy nôi đi dạo với con gái nhỏ (cười).
NB Vũ Quang: Tôi đang tự hỏi, còn câu nào quên chưa dành cho chị?
NB Trần Hà: Tôi nghĩ đó là câu hỏi: "Cuộc phỏng vấn dài nhất của chị Trần Hà là như thế nào?". Tôi sẽ trả lời rằng, chính là cuộc phỏng vấn đến từ anh Vũ Quang. Nhưng khác với mọi khi, tôi lại là người "bị" hỏi.
NB Vũ Quang: Cảm ơn những chia sẻ rất chân thành của chị!
Quý vị độc giả có thể xem thêm các thông tin và tương tác với các chương trình giải trí của VTV qua Fanpage VTV Giải trí của Đài Truyền hình Việt Nam.
* Mời quý độc giả theo dõi Truyền hình trực tuyến các kênh của Đài Truyền hình Việt Nam!