Bộ phim mới nhất của ông - Đồng tiền quỷ ám phát sóng trên kênh VTV1 được đánh giá là câu chuyện chặt chẽ, hấp dẫn và sống động. PV TCTH đã có cuộc phỏng vấn nhà biên kịch Nguyễn Như Phong xung quanh bộ phim này.
PV: Đồng tiền quỷ ám (ĐTQA) mới phát sóng 1/4 chặng đường đã gây cơn sốt, số người xem tăng nhanh từng ngày. Là tác giả, anh có thể lí giải vấn đề này theo góc độ khán giả? Sau 10 tập đầu, anh có nhận được nhiều phản hồi từ người xem?
Nhà văn Nguyễn Như Phong: Lí giải vấn đề này thì cực kì đơn giản. Phim ảnh cũng như các tác phẩm nghệ thuật khác là món ăn tinh thần. Mà đã là món ăn thì phải phù hợp với khẩu vị của từng người, và phải ngon thì người ta mới ăn. ĐTQA đang nhận được sự quan tâm, theo dõi của khán giả thì chắc chắn bộ phim cũng đã mang lại cho người xem một điều gì đấy mà họ thích thú. Có vậy thôi. Tôi cũng có nhận được số phản hồi chủ yếu từ bạn bè và anh em công an. Nói chung là chưa có chê trách gì lớn.
Trong ĐTQA, người xem bị lôi cuốn ngay từ những tập đầu bởi câu chuyện đang diễn ra ở vùng giáp ranh biên giới Việt Nam – Campuchia. Chắc chắn, để viết kịch bản này, anh đã có nhiều vốn sống và thực tế. Vậy ngoài đời, hiện thực có như phim hay khốc liệt hơn? Anh có thể nói về những trải nghiệm trong vấn đề này?
Tôi có may mắn là trong những năm làm báo Công an nhân dân và An ninh thế giới, tôi được tham gia rất nhiều chuyên án, phá nhiều sòng bạc trong nước. Tôi có cơ hội sang Campuchia xem các sòng bạc và tiếp xúc, đánh giá tình hình người Việt sang đây đánh bạc. Những tình tiết trong phim (mặc dù đã được hư cấu) nhưng so với thật ngoài đời còn thua xa. Gần đây, báo chí cũng đã nêu lên rất nhiều vụ trọng án, vợ giết chồng, con giết cha, anh em bè bạn giết nhau, mà nhiều vụ nguyên nhân là từ đánh bạc. Chính nhờ có vốn sống như vậy, tôi đã có thể viết kịch bản phim khá sinh động và tương đối sát thực tế.
Trong ĐTQA, mảng đời sống của thế giới ngầm, những tay trùm sòng bạc... được mô tả rất chân thực. Lời thoại của các nhân vật rất đời và ấn tượng. Từ kịch bản tới phim, anh có cảm nhận gì về diễn xuất của diễn viên? Được biết, anh đã nói sợ nhân vật Huỳnh Sơn Đồng, vì khi viết, anh không nghĩ diễn viên Đức Sơn lại nhập vai gớm đến thế?
Với tư cách là tác giả kịch bản, khi xem phim, tôi thành thật cảm ơn đạo diễn, quay phim và các diễn viên... Có lẽ, phim hay hơn kịch bản rất nhiều là nhờ tài năng diễn xuất của các diễn viên. Tôi cũng đã may mắn được gặp một số diễn viên và thật sự rất ấn tượng. Mỗi cảnh trong phim đều thể hiện sự lao động nghiêm túc, chuyên nghiệp và diễn viên đã nghiên cứu kịch bản khá cẩn thận. Chính vì vậy mà họ diễn rất có hồn. Với nhân vật Huỳnh Sơn Đồng, diễn xuất của Đức Sơn đã nâng nhân vật lên gấp cả chục lần. Đọc kịch bản thấy nhân vật bình thường, không ghê gớm lắm, nhưng khi xem phim đến tôi cũng hãi. Một lần nữa, tôi rất cảm ơn các diễn viên, đạo diễn và quay phim đã thể hiện sát kịch bản, nghiêm túc và cẩn trọng trong từng cảnh quay, lời thoại. Nói như thế không phải là mọi sự đã hoàn hảo hết, trong phim vẫn còn nhiều “sạn” nhưng tôi nghĩ, được như thế cũng đã là thành công rồi.
Anh đã từng cộng tác với nhiều đạo diễn gạo cội, có kinh nghiệm với thể loại phim phá án hình sự. Trần Chí Thành - đạo diễn của ĐTQA là một gương mặt mới, anh có hài lòng với những gì mà đạo diễn làm được không?
Như trên tôi đã nói, tôi rất hài lòng về đạo diễn, quay phim trong ĐTQA. Tôi chưa có điều kiện gặp gỡ, trao đổi kĩ với anh Thành, nhưng qua các tập phim đã phát, tôi thấy anh là một đạo diễn có rất nhiều sáng tạo so với kịch bản và thực sự là người rất cẩn trọng với từng cảnh quay, từng vai diễn, từng lời thoại. Kể cả những vai phụ xuất hiện thoáng qua nhưng cũng đều toát lên được cá tính của mình và có chi tiết ấn tượng. Tôi nghĩ rằng đó là thành công của đạo diễn.
Khi xem phim do anh viết kịch bản luôn có hình ảnh người cha đáng kính. Và người cha nào cũng có một đứa con bất trị, dù ông có về hưu nhưng vẫn phải chiến đấu để gọi con mình quay lại con đường chính nghĩa. Kịch bản sắp tới, người cha sẽ là hình tượng thế nào?
Trong tất cả các bộ phim đã làm, tôi luôn luôn chú ý đến gia đình, bởi đó là nguồn cội của sự tử tế hay không tử tế. Đó là nơi chứa đựng những mâu thuẫn giữa cha - con, vợ - chồng, anh - em. Hình ảnh người cha trong các bộ phim của tôi hầu hết là những người đáng kính, nhưng đời là thế: dao sắc có khi không gọt được chuôi. Những người cha bao giờ cũng mong muốn con mình là người tử tế, hữu dụng cho xã hội nhưng nhiều khi lực bất tòng tâm, muốn mà có được đâu... Trong bộ phim tới của tôi, cũng có những hình ảnh người cha rất đáng kính nhưng đã bị con cái lợi dụng hình ảnh, lợi dụng hoàn cảnh ốm đau bệnh tật để đánh bóng tên tuổi cho mình. Đấy mới thực sự là bi kịch.
Là một nhà báo kì cựu với hàng trăm bài báo về những chuyên án lớn - mảng đề tài không bao giờ cũ, anh có ấp ủ những kịch bản phim truyền hình mới sau ĐTQA?
Sau ĐTQA, tôi cùng ê kíp làm phim này sẽ tiếp tục sản xuất một bộ phim mới về tội phạm tài chính và hình sự, kịch bản cơ bản đã xong, hiện đang làm phân cảnh và xúc tiến các khâu để đi vào sản xuất sớm. Bộ phim ấy còn phức tạp, quyết liệt hơn rất nhiều so với ĐTQA. Phim dự tính khởi quay vào tháng 10 năm nay.
Cũng chẳng nói trước được điều gì, nhiều khi đạo diễn giỏi, quay phim tài, diễn viên gạo cội nhưng kịch bản không ra gì thì cũng khó thành công. Nhưng tôi hơi tự tin rằng, bộ phim tới đây cũng sẽ không làm người xem thất vọng.
Xin cảm ơn anh!