Các ekip sản xuất phim tài liệu khoa học thường xuyên lên rừng, xuống biển để có được những thước phim có giá trị phục vụ khán giả.
Những bộ phim chuyên sâu về thế giới tự nhiên, văn hóa , lịch sử... được thực hiện công phu bởi tài năng, tâm huyết của các đạo diễn, quay phim giỏi của Ban Khoa giáo suốt 20 năm qua đã trở thành thương hiệu của kênh sóng VTV2.
Từ chỗ khán giả chỉ được xem những thước phim về thế giới động vật của nước ngoài trên VTV2 thì từ năm 2003, những thước phim đầu tiên về động vật Việt Nam do chính đạo diễn của Ban Khoa giáo đã ra mắt khán giả. Cho đến nay, Ban Khoa giáo đã có một đội ngũ đạo diễn giỏi nghề, có tiếng trong làng phim tài liệu Việt Nam. Có thể khẳng định như vậy bởi vô số các giải thưởng tại các kì liên hoan của ngành Truyền hình, Điện ảnh của họ đã chứng minh. Chính họ là những người biến ước mơ ấp ủ đã lâu của các đồng nghiệp đi trước thành hiện thực.
Khi phòng Phim tài liệu khoa học (phim TLKH) chính thức ra đời năm 2005 thì cũng là lúc mảng phim này được định hình rõ nét trên sóng VTV2 trong chuyên mục Những mảnh ghép cuộc sống. Còn nhớ, nguyên Phó Tổng Giám đốc Đài THVN - Trưởng ban Khoa giáo Phạm Việt Tiến (lúc ấy) đã rất quyết tâm và khuyến khích đồng nghiệp của mình khi thực hiện bộ phim đầu tay Rùa xanh ở Côn Đảo. Đạo diễn Hoàng Lâm ( Hiện là NSND-Phó Giám đốc Trung tâm Phóng sự- Phim tài liệu Đài THVN) hăm hở lên đường mặc dù trong tay không có thiết bị chuyên dụng và hầu như mọi yêu cầu phục vụ làm phim đều thiếu thốn. Để thực hiện được những cảnh quay dưới nước, anh phải tự xoay sở đi thuê máy quay nhỏ, nghĩ cách "dìm" nó xuống nước, rồi học lặn và mày mò làm phim theo kiểu "con nhà nghèo". Mạnh dạn đem dự thi Cánh diều vàng không ngờ phim đoạt giải.
Đó là một khẳng định về sự đúng hướng và là cú hích cho cuộc bứt phá ngoạn mục sau đó của PTLKH mang thương hiệu của Ban Khoa giáo - VTV2 suốt những năm sau đó cho đến ngày hôm nay. Đơn cử như tại giải Cánh diều Vàng 2008, các đạo diễn của Ban Khoa giáo đã gây bất ngờ cho Ban giám khảo cũng như công chúng khi cả 3 tác phẩm dự thi đã giành trọn những giải thưởng quan trọng nhất của thể loại phim khoa học. Đó là cánh diều vàng cho Khu hệ bướm Việt Nam (đạo diễn Hồng Quảng), cánh diều bạc: 24 giờ ở Côn Đảo (đạo diễn Hoài Nam) và giải đạo diễn xuất sắc dành cho Hoàng Lâm với phim Những loài bay ở Côn Đảo.
Còn nhớ đạo diễn Trần Văn Thủy - thành viên BGK năm đó đã cho rằng đây là một trường hợp hi hữu với các LHP của quốc gia cũng như quốc tế, chưa bao giờ có đơn vị nào gửi ba phim mà cả ba đều đoạt giải cao.
Các ekip sản xuất phim tài liệu khoa học thường xuyên lên rừng, xuống biển, không ngại khó, ngại khổ để có được những thước phim có giá trị phục vụ khán giả.
Và, suốt những năm tiếp theo, phim TLKH của Ban Khoa giáo tiếp tục gặt hái những cơn mưa giải thưởng, thật khó có thể kể hết những huy chương vàng, bạc mà các đạo diễn đã được vinh danh trong các giải thưởng nghề nghiệp.
Sở dĩ có được những thành quả đó là bởi các đạo diễn phim tài liệu khoa học của Ban Khoa giáo thường bỏ phố phường Thủ đô đi ăn dầm nằm dề trong rừng sâu, ngoài hải đảo với thời gian tính hàng tháng để thực hiện những bộ phim công phu về thế giới sinh động và nguy cơ của các loài chim, bướm, khỉ, rùa, voọc, về hệ sinh thái biển… của Việt Nam. Rồi lặn lội tìm hiểu các cộng đồng dân tộc thiểu số, cùng ăn- cùng ở, theo bước chân bà con lên nương rẫy để ghi được những thước phim chân thực về cuộc sống của người Hà Nhì ở vùng cao Y Tý, người Tà- ôi ở Tây Nguyên…
Các ekip sản xuất phim tài liệu khoa học thường xuyên lên rừng, xuống biển, không ngại khó, ngại khổ để có được những thước phim có giá trị phục vụ khán giả.
Làm phim về động vật hoang dã phải biết chấp nhận khó khăn vì chúng thường sống ở những nơi hoang dã nhất, xa con người nhất. Hơn nữa, phải biết kiên trì bởi có thể đi bộ vác máy quay rã rời nhiều ngày trời mà tuyệt không tìm thấy dấu vết của chúng. Nói về những chuyến ghi hình voọc của mình, đạo diễn Hồng Quảng - Trưởng phòng Khoa học Môi trường, Ban Khoa Giáo cho biết, anh đã may mắn vì chưa có chuyến nào phải vác máy về không. Yếu tố may mắn là có thật nhưng chính niềm đam mê đã giúp anh có đủ kiên trì để có bằng được hình ảnh các con vật quý của Việt Nam
Thực hiện series phim tài liệu về Voọc đặc hữu Việt Nam (năm 2007), anh đã phải trải qua nhiều chuyến đi, ước chừng hơn 60 ngày tác nghiệp vất vả ở những cánh rừng sâu, dãy núi cao để ghi hình được 4 loài vọc gần như được liệt vào danh sách có nguy cơ tuyệt chủng cao của thế giới. Hết ăn dầm nằm dề ở rừng Khau Ca - Hà Giang, biển đảo Cát Bà, khu bảo tồn thiên nhiên ngập nước Vân Long - Ninh Bình cho đến rừng già Kon Ka Kinh - Gia Lai.
Đạo diễn Hồng Quảng trong một chuyến đi quay voọc.
Niềm say mê sáng tạo đã không ngừng giúp các đạo diễn phim TLKH Ban Khoa giáo nâng cao tay nghề, khắc phục khó khăn để cho ra lò những bộ phim kỳ thú, hấp dẫn. Điều đáng trân trọng hơn, họ có đầy nhiệt huyết của người làm phim tài liệu trước hiện thực cuộc sống. Sáng tác theo phong cách phim tài liệu hiện thực (một xu thế của các nhà làm phim tài liệu nước ngoài), họ làm phim để người xem dán mắt vào màn hình, hồi hộp khám phá bí ẩn của các loài động vật Việt Nam - đặc biệt là các loài đang có nguy cơ tuyệt chủng cao, rồi các đề tài về di sản thiên nhiên và khoa học về xã hội con người thực sự thú vị. Với cách làm này phim khoa học tránh được sự khô khan, mang lượng thông tin nhiều hơn, giải trí hơn, do đó hấp dẫn người xem hơn.
Theo nhận xét của nhiều chuyên gia thì phim TLKH của VTV2 chẳng hề thua kém Discovery hay National Geographic và phải có lòng đam mê lớn, nỗ lực phi thường thì những đạo diễn mới có thể làm được như vậy. Bởi phim của họ làm ra để phục vụ phát sóng, thời gian- kinh phí đều hạn hẹp, thiết bị máy móc chuyên dụng so với những gã khổng lồ làm phim khám phá thì kém xa.
Các ekip sản xuất phim tài liệu khoa học thường xuyên lên rừng, xuống biển, không ngại khó, ngại khổ để có được những thước phim có giá trị phục vụ khán giả
Thời gian gần đây phòng Khoa học Môi trường, Ban Khoa Giáo đã được trang bị một số thiết bị quay phim môi trường hiện đại và các thiết bị này đã được khai thác tối đa phục vụ cho việc làm phim khoa học nói riêng và làm các chương trình khoa giáo nói chung. "Mảng đề tài về thiên nhiên hoang dã và biến đổi khí hậu vẫn sẽ là thế mạnh của phòng Khoa học môi trường và VTV2 trong những năm tới. Đây cũng là những đề tài được người xem quan tâm và yêu thích. Để có những thước phim đẹp, những câu chuyện hấp dẫn về thế giới tự nhiên, đòi hỏi chúng tôi còn phải nỗ lực, phải sáng tạo hơn nữa) - đạo diễn Hồng Quảng chia sẻ.
Một đàn bò tót mà ekip làm phim tài liệu khoa học đã kì công đi rừng nhiều ngày mới ghi hình được.
Lãnh đạo Ban Khoa giáo luôn quan tâm đến việc bồi dưỡng những đội ngũ kế cận làm chương trình nói chung và làm phim tài liệu khoa học nói riêng. Tiếp bước các thế hệ đàn anh thì hiện nay có những đạo diễn trẻ triển vọng như Tài Văn, Xuân Hùng... Tin rằng, với nỗ lực và sáng tạo không ngừng, các đạo diễn phim tài liệu khoa học của VTV2 tiếp tục khẳng định tài năng, thương hiệu và nâng tầm mảng phim TLKH trên kênh VTV2.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!