Chiến tranh là mất mát, đau thương. Chiến tranh khiến những cuộc chia ly là tử biệt, khiến những lời ước hẹn đoàn viên mãi mãi dang dở. Dù chiến tranh đã qua đi, dù non sông hai miền đã nối liền một dải nhưng trên khắp đất nước Việt Nam, nỗi đau chiến tranh chưa bao giờ nguôi ngoai, đặc biệt là với những người ở lại.
Bộ phim tài liệu mang tên Kính gửi gia đình được lên sóng đúng dịp kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh, liệt sĩ (27/7), mang tới cho khán giả những câu chuyện chứa đựng nhiều ẩn ức, nỗi ám ảnh, đau đớn của những người ở lại khi phải đối diện với sự hy sinh của các chiến sĩ – người thân của mình ở cả thời chiến lẫn thời bình.
Nỗi đau bắt đầu từ dòng chữ "Kính gửi gia đình"...
Bộ phim mở đầu với câu chuyện của liệt sỹ Nguyễn Văn Chức, người đã hy sinh ở mặt trận Điện Biên Phủ. Khi hy sinh, ngoài thông tin về tên tuổi, liệt sỹ Nguyễn Văn Chức thậm chí không có thông tin về gia đình để đón nhận tin báo tử.
Mất mát của gia đình, của thân nhân các liệt sỹ được mở đầu ở dòng chữ "Kính gửi gia đình" trong giấy báo tử, nhưng với trường hợp liệt sỹ Nguyễn Văn Chức thuộc Lữ đoàn Pháo binh 45. thì gia đình chính là những đồng đội kề vai chiến đấu cùng với ông. Cho đến lúc này, ông Nguyễn Đức Tình là một trong 4 đồng đội ở Điện Biên Phủ của ông Chức còn sống. Ông mong muốn tên của người bạn mình được ghi đúng trong danh sách liệt sỹ một cách xứng đáng. Gia đình của ông Chức lúc này chính là Lữ đoàn Pháo binh 45.
67 năm sau khi hy sinh, ngày 27/7/2021, tên tuổi của liệt sỹ Nguyễn Văn Chức đã được đặt trang trọng tại phòng truyền thống Lữ đoàn Pháo binh 45 - một gia đình lớn của ông để chờ tìm được thân nhân ruột thịt.
Giá của hoà bình, độc lập là máu xương, là cuộc sống của biết bao con người không đi trong hàng ngũ những người trở về.
Với anh Nguyễn Trọng Hạnh ở Hà Nội, gia đình anh có đến hai anh trai - hai liệt sỹ trong thời kỳ kháng chiến chống đế quốc Mỹ. Năm 1973, tin liệt sỹ Nguyễn Mạnh Chất hy sinh được báo về chỉ sau tin em trai mình là Nguyễn Trọng Hiền tử trận có vài tháng, nhưng trên thực tế không ai hay rằng liệt sỹ Chất đã biết em ruột mình mất trước khi anh lên đường vào Quảng Trị, bởi anh muốn tìm đến tận nơi em mình ngã xuống.
Liệt sỹ Nguyễn Trọng Hiền ngã xuống tại mặt trận Thừa Thiên Huế. Sau đó, liệt sỹ Nguyễn Mạnh Chất cũng qua đời, ở phía Tây Hải Lăng. Cao diểm 235N nơi anh chiến đấu là toạ độ bom B52. Trong một trận bom như vậy, anh đã theo chân người em trai mình, vĩnh viễn không quay trở lại con ngõ nhỏ ở Yên Hoà. Nếu liệt sỹ Chức ra đi không thấy gia đình, thì liệt sỹ Chất mất đi để lại mất mát cho cả những người bên ngoài gia đình mình.
Chị Trần Thị Thuỷ có người bố là liệt sỹ Trần Văn Phương, một trong 64 chiến sỹ ngã xuống tại vùng biển Tổ quốc vào năm 1988. Lúc này, chị Trần Thị Thuỷ vẫn còn đang ở trong bụng mẹ. Khi tờ giấy báo tử đến với gia đình chị, chị chưa thể cảm nhận được nỗi đau mất mát to lớn như thế nào. Vào 7 năm trước, chị Trần Thị Thủy mới được sống trong cảm giác đối diện với đau thương ấy, trong buổi lễ tưởng niệm các chiến sỹ Hải quân hy sinh trên lãnh hải Tổ quốc. Liệt sỹ Trần Văn Phương ngã xuống, mất mát ghi dấu cả sự khắc khoải trong con gái ông.
Sự hy sinh trong cả thời bình...
Liệt sỹ Đinh Văn Trung, sinh năm 1984 đã nằm lại nơi nghĩa trang Liệt sỹ thành phố Vinh. Bên cạnh Đinh Văn Trung là 2 liệt sỹ nữa ra đi cùng anh trong thảm hoạ lở đất hồi tháng 10 năm 2020. Sự kiện đau thương ấy chưa phai, bởi nó mới đi qua ký ức của những người trong cuộc chưa đầy hai năm.
Đoàn công tác của Bộ tư lệnh Quân khu 4 do Thiếu tướng Nguyễn Văn Man dẫn đầu cùng 20 cán bộ, chiến sỹ đã cập bờ và cơ động đường bộ vào hiện trường Rào Trăng 3, nơi vụ sạt lở công trình vùi công nhân tại Thừa Thiên Huế. Khi thảm hoạ xảy ra, một phần trái núi đã sập xuống đè lên khu nhà nghỉ chân giữa rừng của trạm kiểm lâm, vĩnh viễn đem đi 13 con người, cũng là mang đến nỗi đau khôn nguôi cho biết bao người thân trong gia đình họ.
Sau sự kiện đau lòng này ít ngày, một vụ sạt lở nữa lại vùi lấp 22 cán bộ, chiến sỹ đoàn 337 của QK4 trong một nỗ lực tìm kiếm người dân trong lũ.
Ở thời điểm này, hẳn không một gia đình nào có thể nghĩ rằng thân nhân mình sẽ nằm xuống nghĩa trang liệt sỹ, bên cạnh những liệt sỹ đã gieo mình xuống đất mẹ trước đó hàng chục năm. Khi đứng trong hàng ngũ Quân đội nhân dân Việt Nam, hẳn những chiến sỹ này đều xác định mình là tấm khiên bảo vệ đồng bào trước mọi hiểm nguy, dù có phải lấy tính mạng ra để thực hiện nhiệm vụ.
Những dòng chữ Kính gửi gia đình đồng chí trên mỗi tờ Giấy báo tử ở mọi thời kỳ, không chỉ thông báo mất mát cho biết bao gia đình, mà cũng nhắc nhở chức phận và nghĩa vụ tri ân những hy sinh lớn lao ấy.
Bộ phim tài liệu Kính gửi gia đình được đạo diễn - NSND Nguyễn Hoàng Lâm cùng với hai cộng sự quay phim trong ê-kíp bắt đầu thực hiện từ tháng 6/2022. Đến giữa tháng 7, bộ phim hoàn thành phần ghi hình sau những chuyến đi trải dài từ Hà Nội đến TP.HCM, đi qua Cam Ranh, Quảng Trị, Quảng Bình, Nghệ An…
Với bộ phim tài liệu lần này của mình, đạo diễn Nguyễn Hoàng Lâm thông qua câu chuyện về những tờ giấy báo tử, những người đưa tin báo tử để nói đến những người ở lại, những người đã phải chịu nhiều đau thương và mất mát nhất. Phía sau một người mất đi, thì những người ở lại đã phải chịu những nỗi đau lớn và nỗi đau đấy chỉ đến lúc người ta không còn trên cuộc đời này nữa thì mới có thể hết nguôi ngoai.
Sự khác biệt của bộ phim theo đạo diễn Hoàng Lâm đó là việc anh khai thác tâm lý, trải nghiệm của những người tham gia vào công tác báo tử, khi họ đối mặt với một gia đình và đem đến một thông tin chết chóc, dù rất đau đớn nhưng lại không còn lựa chọn nào khác. Những người đưa giấy báo tử chính là người vừa được chứng kiến sự tang thương chết chóc của chiến trường vừa chứng kiến được nỗi đau của gia đình.
Đó cũng chính là điều khiến day dứt họ nhất. Một điểm khác biệt nữa là khi nói đến sự hy sinh, chúng ta hay đề cập đến các cuộc kháng chiến ở quá khứ, nhưng ở trong bộ phim này, đạo diễn Nguyễn Hoàng Lâm có đề cập đến cả những mất mát ngay trong thời bình.
Trên thực tế thì sự khắc khoải ấy còn đeo đuổi chính những người trực tiếp tham gia công tác báo tử trong quân đội.
Điều khó khăn nhất với đạo diễn Hoàng Lâm khi thực hiện bộ phim này là làm sao có thể truyền tải được những câu chuyện mà anh được nghe với một xúc cảm mạnh mẽ. Với những nhân vật khi đứng trước máy quay, họ sẽ dè, sẽ co mình lại nhiều hơn nên không phải lúc nào cũng thể hiện được hết nỗi đau, sự mất mát mà họ phải gánh chịu.
Với đạo diễn Hoàng Lâm, anh cũng được trải qua những xúc động và cả sự đồng cảm với nỗi đau của các nhân vật, khi chính trong gia đình anh cũng có những mất mát như vậy. Thông qua bộ phim, đạo diễn Hoàng Lâm mong muốn gửi tới thông điệp: "Dù bất kể con người đấy là ai, dù có là chiến sĩ dũng mãnh vào chiến trường đến mấy đi chăng nữa thì điểm tựa đầu tiên khi anh khởi đi là gia đình và cuối cùng khi anh quay về cũng là gia đình".
Bên cạnh đó, khi đã chọn một nghiệp là làm lính thì hy sinh là một trong những điều luôn luôn phải nghĩ đến. Sự hy sinh của người lính nó đến dễ dàng lắm, đến ngay cả trong thời bình, đến cả ở những cái ngữ cảnh mà không ai nghĩ đến.
Với lực lượng Quân đội nhân dân Việt Nam, khi đã chọn đứng trong hàng ngũ đó thì trong đời mình các anh chấp nhận trở thành tấm khiên, tấm lá chắn cho đồng bào của mình trước mọi hiểm nguy. Và khi anh trở thành lá chắn trước hiểm nguy thì anh cũng sẽ phải mang tính mạng của anh ra để anh bảo vệ đồng bào phía sau lưng mình.
Phim tài liệu: Kính gửi gia đình
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!