PTL "Thầy cô chúng ta đã thay đổi": Cô giáo lớp 1 nghiệm ra "Hình phạt là sự thất bại của phương pháp giáo dục"

Thùy Hương-Thứ ba, ngày 05/12/2017 06:36 GMT+7

VTV.vn - Từ một người thường xuyên sử dụng hình phạt với các học sinh, nhân vật chính của Thầy cô chúng ta đã thay đổi tập 5 đã nỗ lực để đến gần hơn với các học trò nhỏ.

Trong tập 5 Thầy cô chúng ta đã thay đổi, nhân vật dũng cảm "dấn thân" vào hành trình thay đổi chính là cô Lê Thị Nếp, giáo viên lớp 1 trường Tiểu học Bắc Sơn, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình. Cô cũng là giáo viên tiểu học duy nhất được lựa chọn tham gia vào chương trình. Cô Nếp cho rằng mỗi em nhỏ là một chồi non xanh mướt. Nếu được chăm chút, chúng sẽ trở thành những bông hoa xinh đẹp tô điểm cho cuộc đời. Với tâm niệm này, cô tham gia chương trình Thầy cô chúng ta đã thay đổi vì muốn tác động tích cực tới các em học sinh bằng những thay đổi của mình.

Tháng 10/2016, ê-kíp Thầy cô chúng ta đã thay đổi đã đến lắp đặt thiết bị ghi hình tại lớp học 1-A1 của cô giáo Lê Thị Nếp. Đây là thời điểm các em học sinh mới vào lớp 1 được hai tháng. Thoạt nhiên, các bé khá lạ lẫm và tò mò với những thiết bị tối tân được lắp đặt trong lớp học. Sau những ánh nhìn dò xét ban đầu, bước sang ngày thứ hai, các bé đã tự nhiên hơn trước ống kính và dường như quên luôn sự xuất hiện của các máy quay. Mọi hành động, biểu cảm của cô giáo cũng như thái độ của các em học sinh đều được ghi lại một cách rõ nét và chân thực nhất.

PTL Thầy cô chúng ta đã thay đổi: Cô giáo lớp 1 nghiệm ra Hình phạt là sự thất bại của phương pháp giáo dục - Ảnh 1.

Theo dõi lớp học của cô Nếp, dễ dàng nhận ra giọng nói của cô rất khỏe và truyền cảm. Đặc biệt, cô có khả năng quản lý lớp học tốt mà không phải tốn quá nhiều sức lực. Bởi các em học sinh rất ngoan và nghe lời cô giáo nên lớp học diễn ra suôn sẻ, tràn ngập niềm vui. Cách cô Nếp điều hành lớp học khiến ban cố vấn liên tưởng tới hình ảnh một người đạo diễn, một nhạc trưởng vỡi kỹ năng thuần thục. Cô Nếp cũng được đánh giá cao khi dành những lời khen ngợi, động viên cho học trò như: "Cô rất thích các con nói to", "Tuyệt vời".

PTL Thầy cô chúng ta đã thay đổi: Cô giáo lớp 1 nghiệm ra Hình phạt là sự thất bại của phương pháp giáo dục - Ảnh 2.

Giờ Tiếng Việt diễn ra vui vẻ là vậy nhưng đến giờ Toán, cô Nếp tỏ ra nôn nóng khi dạy các bé cách tính trong phạm vi 5. Cô yêu cầu các học sinh không được dùng tay để đếm nhưng ngược lại, khi lên bảng, một học sinh lại dùng cách tính bằng tay trong sự giấu giếm và lo sợ. Khi ban cố vấn cho rằng phương pháp này chưa biết hiệu quả đến đâu nhưng nó đã khiến các chồi non thơ ngây phải học cách giấu giếm, cô Nếp tỏ ra lúng túng.

Từ những căng thẳng nhỏ trong bài giảng, cô giáo càng thể hiện sự nôn nóng của mình ở cấp độ cao hơn. Thấy một học sinh đang làm việc riêng trong giờ, cô Nếp yêu cầu bé đứng dậy và hỏi liệu có biết lỗi sai của mình. Khi bé vẫn ấp úng chưa hiểu vì sao, cô đã nhanh chóng gọi một bạn khác chỉ ra lỗi sai của em học sinh kia. Một em học sinh khác gặp vấn đề khi bảng không ăn phấn, cô giáo liền buộc tội em đó đã vẽ sáp lên bảng mà không bận tâm đến lời giải thích của học trò nhỏ. Được tận mắt nhìn thấy biểu cảm của học trò, cô Nếp rơi nước mắt và nói: "Tôi có thể nhận thấy sự sợ sệt và lo lắng của em".

PTL Thầy cô chúng ta đã thay đổi: Cô giáo lớp 1 nghiệm ra Hình phạt là sự thất bại của phương pháp giáo dục - Ảnh 3.

Tuy nhiên, đó chưa phải là tất cả. Một tình huống bất ngờ đã xảy ra khi một em học sinh để quên sách ở nhà. Cô Nếp lập tức lấy điện thoại để gọi điện cho phụ huynh em học sinh đó. Khi phụ huynh không bắt máy, cô đã để điện thoại trên bàn học sinh và yêu cầu bé gọi đến khi nào được thì thôi. 15 phút sau, điện thoại đổ chuông, cô giáo lớn tiếng yêu cầu em học sinh nghe điện và nhấn mạnh đây đã là lần thứ 2 em mắc lỗi.

Tuy không nghĩ đó là lỗi của học sinh nhưng cách cô Nếp làm khiến đứa trẻ cảm thấy mọi tội lỗi đều thuộc về mình. Ban cố vấn cho rằng đây là một cách làm sai lầm của cô Lê Thị Nếp khi khiến không chỉ học sinh tủi thân mà khiến cả phụ huynh em nhỏ không vui. Ngoài ra, cô Nếp còn sử dụng nhiều hình phạt khác nhau như véo tai, bắt đứng góc lớp hay dọa nhốt học sinh khiến các bé rất sợ hãi. Khi được hỏi ai sợ cô Nếp, tất cả các em nhỏ đều giơ tay và khi được hỏi ai thích học lớp của cô Nếp, một lần nữa, các bé lại giơ tay. Ban cố vấn phân tích tình yêu của các học trò nhỏ dành cho cô Nếp là có điều kiện, chúng sẽ luôn yêu thương, kính trọng nếu cô có thể bỏ đi những hình phạt hà khắc. Khi xem đoạn video này, cô Nếp chia sẻ: "Hình phạt là sự thất bại của phương pháp giáo dục".

PTL Thầy cô chúng ta đã thay đổi: Cô giáo lớp 1 nghiệm ra Hình phạt là sự thất bại của phương pháp giáo dục - Ảnh 4.

Trở về ngôi trường thân yêu của mình, cô Nếp đã bắt tay vào nhiệm vụ đầu tiên nhận được từ chương trình, đó là tìm hiểu và lập hồ sơ về các học trò nhằm giúp đỡ các em trong quá trình học tập. Hiểu hơn về học trò cũng là cách để cô Nếp dần dần rũ bỏ hình ảnh một giáo viên nghiêm khắc để xích lại gần hơn với các em. Sự sợ hãi và không khí căng thẳng dường như đã biến mất trong lớp học của cô Nếp khi cô và các học sinh trong lớp lần lượt lắng nghe từng bạn trình bày về sở thích của riêng mình.

PTL Thầy cô chúng ta đã thay đổi: Cô giáo lớp 1 nghiệm ra Hình phạt là sự thất bại của phương pháp giáo dục - Ảnh 5.

Cô Nếp cũng được tham gia vào một khóa học về giá trị sống và kỹ năng sống tích cực trong 2 ngày cùng 7 thầy cô khác. Cô đã được học, rèn luyện một số kỹ năng mềm cùng cách quản lý cảm xúc và chia sẻ. Khi đã hoàn thiện mình hơn với những kỹ năng vừa được học, cô Nếp nhận nhiệm vụ thứ 2 là đến lớp sớm hơn để tương tác nhiều hơn với học sinh. Từ những hoạt động nhỏ như cùng nhau tập thể dục, ca hát, trò chuyện, cô Nếp đã giúp các em học sinh mở lòng và quên đi sự sợ hãi, lo lắng và căng thẳng trong lớp học. Giờ đây, lớp 1-A1 của cô và trò tràn ngập tiếng cười và sự hứng khởi của các bạn nhỏ.

PTL Thầy cô chúng ta đã thay đổi: Cô giáo lớp 1 nghiệm ra Hình phạt là sự thất bại của phương pháp giáo dục - Ảnh 6.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước