Anh tới Tacloban ngay sau khi đường bay tới thành phố này mở cửa trở lại. Cảm nhận đầu tiên khi anh tới đó ra sao? Có giống với những gì anh đã hình dung khi bắt đầu chuyến hành trình?
Ngỡ ngàng là cảm giác đầu tiên khi chúng tôi bước ra khỏi cửa máy bay. Sân bay thì chỉ còn mỗi đường băng là nguyên vẹn, còn nhà ga, trạm không lưu chỉ còn là đống đổ nát.
Đi thêm một chút ra phía ngoài thì chúng tôi thấy quang cảnh như vừa bị bom dội vậy. Ô tô lật ngửa, cây cối tốc rễ, nhà cửa đổ rạp... Trước đó thì chúng tôi đã xem những hình ảnh trên truyền hình, nhưng khi đến tận hiện trường thì mới cảm thấy hết được sự kinh hoàng mà cơn bão để lại.
‘ Sân bay Tacloban chỉ còn là đống đổ nát và sẽ không thể phân biệt nổi đâu là ga đến nếu không có dòng chữ viết vội như thế này (Ảnh: VTV Singapore)
Những hình ảnh anh ghi nhận như xác người chết nằm la liệt, nhiều xác chết vẫn nằm bên lề đường hơn một tuần sau bão, qua màn ảnh cũng khiến người xem rùng mình. Là người chứng kiến tận mắt, rồi ghi nhận lại, anh thấy thực tế như thế nào và những hình ảnh đã ghi lại đã diễn tả hết những gì ở Tacloban hay chưa?
Nếu qua màn ảnh mà người xem đã rùng mình thì khi tại hiện trường, cảm giác còn ớn lạnh hơn nữa khi mà đến hiện trường còn cả mùi xác chết bốc lên ở mọi nơi. Những gì mà chúng tôi ghi nhận được chỉ là một phần chết chóc của thành phố Tacloban bởi chúng tôi tranh thủ vừa đi vừa quay, ưu tiên việc đi tìm kiếm người Việt còn mắc kẹt là chính.
Hình ảnh gây ấn tượng nhất với chúng tôi là một xác người được đặt trên ghế chờ của bến xe buýt, trên mái che của bến ghi dòng chữ “I love Tacloban”, một sự tương phản vô cùng đau xót.
‘ Xác người chết ở bến xe buýt với dòng chữ I love Tacloban (Tôi yêu Tacloban) là hình ảnh tương phản vô cùng đau xót (Ảnh: VTV Singapore)
Tôi hỏi thật, anh có thấy sợ với những gì diễn ra ở Tacloban không vì tôi đọc một số bài viết của các phóng viên sau khi tác nghiệp đó nói rằng đêm họ nằm mơ thấy ác mộng vì những gì chứng kiến vào ban ngày.
Thực sự là lúc tác nghiệp thì không thấy sợ. Nhưng khi từ Tacloban trở về thì thì tôi bị ám ảnh bởi mùi xác chết. Sau cả ngày lăn lộn thì mùi đó ám vào quần áo, đồ đạc mà chúng tôi mang theo. Rồi những ngày sau đó, tôi vẫn cảm nhận được mùi đó khi gặp gỡ phỏng vấn với những người dân từ Tacloban chạy nạn về, hay bất chợt đi qua một đống rác, một góc phố tôi lại có cảm giác đó. Tôi có thể nói đó là sự ám ảnh.
Trong khi người dân ở đó muốn tháo chạy khỏi thành phố vì thiếu thức ăn, nước uống và những điều kiện vệ sinh tối thiểu, các anh lại tới đó tác nghiệp. Các anh đã chuẩn bị những gì cho chuyến đi này? Khi tới đó việc ăn, ở của các anh ra sao?
Không chỉ có chúng tôi mà còn có rất nhiều phóng viên Việt Nam và quốc tế đều muốn lao đến thành phố Tacloban. Quả thực trên chuyến bay đầu tiên tới thành phố Tacloban thì gần như toàn bộ là các phóng viên quốc tế, những người muốn biết thực sự những gì đã và đang xảy ra, gây nên thảm họa cho thành phố này.
Với chúng tôi thì còn một lý do lớn khác để đến Tacloban là mong muốn được tiếp cận tìm ra những người Việt Nam còn mắc kẹt tại thành phố này.
Chào anh Hữu Hưng,
Nhờ sự giúp đỡ của anh Hữu Hưng, sự trợ giúp kịp thời của ĐSQ và bà con người Việt, ba mẹ em là gia đình bà Mai Thanh Hương đã thoát khỏi nơi nguy hiểm một cách an toàn. Vì vẫn còn giấy tờ tùy thân nên ông bà đã trở về Việt Nam thuận lợi. Ba mẹ em hết sức vui mừng và cũng qua email này gửi lời cảm ơn chân thành đến anh Hữu Hưng. Cảm ơn anh nhiều!
(Trích thư của một người Việt ở tâm bão gửi anh Hữu Hưng, Trưởng Cơ quan thường trú THVN tại Singapore (kiêm nhiệm địa bàn ASEAN).
Chúng tôi cũng đã chuẩn bị đồ dùng thiết bị trong điều kiện tác nghiệp vùng thảm họa, chiến tranh, gồm các loại thuốc thiết yếu, thực phẩm khô, nước uống.
Về thiết bị thì chúng tôi mang 2 máy quay và rất nhiều pin sạc. Chúng tôi dự trù cho 2 tình huống: Nếu bị kẹt lại thành phố Tacloban thì có đồ đủ dùng 1, 2 ngày.
Thứ hai nếu gặp được những người Việt mắc kẹt thì chúng tôi sẽ để lại toàn bộ đồ dùng đó.
Và phương án 2 đã xảy ra, chúng tôi may mắn đã tiếp cận được những người Việt còn mắc kẹt ở đó, và thoát ra kịp giờ chuyến bay cuối cùng về thành phố Cebu để vào tối cùng ngày, có thể gửi lên sóng những hình ảnh về hoàn cảnh những người Việt tại thành phố Tacloban.
Nếu bị kẹt ở lại, chúng tôi cũng xác định là ra sân bay ăn ngủ, nơi tập trung khá nhiều người, có an ninh cảnh sát chứ không biết gì hơn.
‘ PV Hữu Hưng và hành trình đi tìm người Việt mắc kẹt ở thành phố chết Tacloban (Ảnh: VTV Singapore)
‘ Quay phim Mạnh Hà đang ghi lại những hình ảnh hoang tàn ở nơi tâm bão Haiyan đi qua (Ảnh: VTV Singapore)
Có vẻ đây là chuyến đi đặc biệt nhất của anh cũng như các đồng nghiệp tại cơ quan thường trú Singapore?
Đúng vậy, một chuyến đi đặc biệt, rất đặc biệt. Môi trường tác nghiệp không phải là các thành phố yên bình, các hội nghị quan chức cấp cao mà một chiến trường nơi không có điện, không nước, không liên lạc viễn thông và nhiều nguy cơ về an ninh, dịch bệnh. Trong chuyến đi, chúng tôi đã phải sử dụng hết các kinh nghiệm, kỹ năng, tận dụng từng giây từng phút để ghi hình, phỏng vấn, bắt xe, hỏi đường đi tìm kiếm những người Việt mặc kẹt trong thành phố và hoàn thành công việc đúng theo kế hoạch.
Với cá nhân anh, có câu chuyện nào đặc biệt anh muốn chia sẻ với khán giả về chuyến đi này?
Tôi nghĩ đến ánh mắt của những đứa trẻ ở vùng tâm bão. Các em đã mất nhà cửa, không còn đồ ăn thức uống nên phải ra đường, giơ những tấm biển viết vội vàng “Help me” để xin bất kỳ thứ gì mà những khách qua đường cho các em.
‘ Trẻ em với những dòng chữ Help me (cứu tôi) ở bên vệ đường (Ảnh: VTV Singapore)
Tôi được biết, loạt phóng sự của anh đã nhận được bằng khen của TGĐ Đài THVN, cá nhân anh đã hài lòng với những gì câu chuyện bằng hình ảnh anh ghi nhận được tại Philippines hay chưa?
Chúng tôi rất vinh dự khi nhận được bằng khen của Tổng giám đốc. Đó là sự động viên lớn đối với chúng tôi trong nghề nghiệp của mình.
Trong chuyến đi này, tôi nghĩ chúng tôi đã bước đầu đã hoàn thành nhiệm vụ thời sự đặt ra: tiếp cận nhanh hiện trường, tìm ra được nhân vật, chuyển tải nhanh, kịp thời những hình ảnh từ vùng tâm bão tới khán giả. Còn rất nhiều câu chuyện cảm động khác từ vùng tâm bão mà chúng tôi vẫn chưa ghi nhận hết được.
Bao giờ sau mỗi chuyến đi, chúng tôi cũng rút kinh nghiệm để lần tới có thể tác nghiệp hiệu quả hơn. Chúng tôi biết mình có thể làm tốt hơn nữa.
Sắp tới, anh có ý định sẽ trở lại Phillipines để tiếp tục với đề tài này nữa hay không?
Có lẽ chúng tôi sẽ trở lại với câu chuyện người dân Philippines phục hồi và tái thiết như thế nào sau cơn siêu bão này.
Cảm ơn anh!
Mời quý vị và các bạn xem những hình ảnh từ hành trình ở vùng đất chết Tacloban qua video dưới đây