Hàng chục năm đã trôi qua, nhưng ký ức của các lưu học sinh, công nhân lao động Việt Nam từng làm việc, học tập, nghiên cứu tại Đông Âu chưa bao giờ phai nhạt. Với họ, xứ tuyết trắng là nơi lưu giữ những kỷ niệm thanh xuân và ghi dấu ấn trong suốt cuộc đời còn lại.
Trong chương trình Quán thanh xuân tháng 12 với chủ đề "Đường xa tuyết trắng", khán giả đã được sống lại với những kỷ niệm về Đông Âu của thế hệ những người Việt Nam đi học đi làm trong 3 thập kỷ vừa qua.
Người Việt ở Đông Âu từ bao giờ?
Với lưu học sinh, đó là những viện trợ giáo dục của những nước khối XHCN Đông Âu dành cho Việt Nam từ trong chiến tranh cho tới năm 1990, với các bậc đào tạo từ công nhân kỹ thuật cho tới tiến sỹ khoa học.
Với người xuất khẩu lao động, làn sóng lớn nhất vào đầu thập niên 80. Họ tạo nên một hình ảnh mới mẻ so với các du học sinh mà cư dân Đông Âu đã quen thuộc. Dù thế hệ trước tới Đông Âu bằng tàu liên vận hay thế hệ sau đi bằng máy bay Aeroflot thì đều quá cảnh tại Moscow, như là một điểm trung chuyển, là cửa ngõ đến Đông Âu của người Việt. Hầu như ai đã từng đi Đông Âu đều có một tấm ảnh kỷ niệm ở Quảng trường Đỏ.
Đông Âu - Khung trời mơ ước và hành trình vạn dặm
Người Việt đi Đông Âu thời điểm đó đa phần đều không biết cụ thể về vị trí địa lý, khí hậu, điều kiện sống ở nơi mà họ sẽ đến và trải nghiệm một phần cuộc đời. Nhưng hình dung tươi đẹp về nơi đó là có thật. Phim ảnh, bưu thiếp, các tác phẩm văn học… đã cho người ta "biết" một Đông Âu lộng lẫy và tiện nghi, nhất là trong hoàn cảnh Việt Nam còn thiếu thốn trong chiến tranh và trước thời điểm đổi mới. Những đồ vật gợi nhớ ký ức thời "nhà có người đi Tây" nhiều người biết như Xe đạp Mifa (Đức), xe đạp Eska (Tiệp)...
Những bông tuyết đầu mùa tuyệt đẹp, càng đẹp hơn khi lần đầu người ta được tận thấy. Nhưng đính kèm là mùa đông lạnh đến khắc nghiệt với những người sinh ra ở xứ sở nhiệt đới. Đặt chân đến khung trời mơ ước cũng là bắt đầu hành trình vạn dặm. Đó không chỉ là khoảng cách địa lý mà còn là hành trình gian khổ đi học, đi làm mang theo rất nhiều kỳ vọng của bản thân gia đình và cả xã hội; là hành trình thay đổi nếp sống, nếp suy nghĩ do va chạm với những thực tế lần đầu tiên trải qua trong đời. Những du học sinh và công nhân lao động Việt Nam đã có những biến chuyển mà có khi người trong cuộc cũng không ý thức được.
Tiến sĩ Thụy Anh đã chia sẻ cảm xúc về mùa đông đầu tiên lạnh không tưởng ở châu Âu. Với nhà văn Nguyễn Văn Thọ, đó là lần đầu tiên mở tủ lạnh đầy ắp thức ăn, thấy thương người thân ở quê nhà. NSƯT Ngọc Khang kể về cảm giác được rơi vào một "chốn thiên đường nơi hạ giới". Mỗi lưu học sinh được phát áo ấm, ủng. Các công nhân được ổn định nơi ăn chốn ở rất khang trang. Hầu hết mọi người đều thấy mình thật may mắn, xen lẫn những lo lắng cho người ở nhà, cảm giác nhớ nhà luôn thường trực. Anh đồng thời cũng chia sẻ về những năm tháng vật lộn mưu sinh vừa đi học vừa đi làm.
Trong khi đó, họa sỹ Đỗ Hương chia sẻ câu chuyện thích nghi cuộc sống để học tập và phấn đấu trong môi trường khác biệt. Những thói quen mới được hình thành, người Việt Nam quen dần với kỷ luật sống, nếp sinh hoạt châu Âu. Kỷ luật hơn, tự do hơn, niềm vui, nỗi buồn cũng thay đổi.
Theo nhà báo Duy Nghĩa, mỗi người Việt Nam khi đi Đông Âu đều gánh trên vai một trách nhiệm nặng nề. Với các du học sinh là áp lực học hành, thành đạt. Họ mang niềm tự hào của gia đình dòng họ. Họ phải đạt được bằng đỏ. Nếu có thể, họ phải tìm cách ở lại học cao hơn (phó tiến sỹ, tiến sỹ). Còn với những người lao động là áp lực kiếm sống cho gia đình. Học tập, buôn bán, lao động để tồn tại và vươn lên. Vật lộn để mưu sinh, có lẽ ít ai từng trải một cách thấm thía như nhà văn Nguyễn Văn Thọ: Phải bằng mọi cách kiếm thêm chút nào hay chút đó. Tiết kiệm chi tiêu, tranh thủ kiếm thêm ngoài chợ đen, tranh thủ mua các nhu yếu phẩm đóng thùng hàng gửi về cho gia đình..., đó là trải nghiệm xương máu của bản thân Nguyễn Văn Thọ ở Đức.
Vượt qua bão tuyết hay là câu chuyện dấu ấn Đông Âu
Ký ức Đông Âu không chỉ là những tháng ngày tươi xanh mà xen cả buồn đau, lo âu. Người Việt phải thực sự can đảm để vượt qua khí hậu khắc nghiệt ở Đông Âu, đặc biệt là những trận bão tuyết để tồn tại và thích nghi. Họ cũng phải vượt qua những trận "bão tuyết" là những thay đổi về thể chế chính trị ở nước sở tại, là những khó khăn để tiếp tục học tập hay tìm được việc làm, khẳng định được chỗ đứng và giữ vững cuộc sống của mình tại đó. Họ cũng phải vượt qua bao trận "bão tuyết" trong lòng để quyết định trở về hay ở lại định cư khi khối XHCN Đông Âu sụp đổ. Đó thực sự là những quyết định khó khăn.
Tham tán công sứ Lại Ngọc Đoàn đi làm ở Ba Lan trong những năm tháng biến động của lịch sử đã chia sẻ với khán giả của Quán thanh xuân những khó khăn phải vượt qua của người Việt nói chung và sự vươn lên để có được thành công, qua đó thể hiện tính cộng đồng, tính thích nghi của người Việt trước thời cuộc. Còn thế hệ du học sinh trở về đã tạo nên một lớp trí thức Đông Âu cấp tiến, mang một màu sắc mới cho xã hội. Họ cũng là lớp người bắt kịp những thay đổi của xã hội Việt Nam.
Tiến sĩ Thụy Anh đã mang tới câu chuyện những người chọn ở lại Đông Âu sinh sống như một đất nước thứ hai, họ tạo lập nên một cộng đồng Việt Nam vừa mang tính hòa nhập với văn hóa sở tại nhưng vẫn luôn giữ nét văn hóa Việt và hướng về quê nhà.
Nhà văn Nguyễn Văn Thọ trở thành nhà văn thực sự từ những năm tháng lăn lộn ở Đức. Tất cả những thân phận, những câu chuyện có thật đã trở thành chất liệu cho công việc sáng tác của ông. Các tác phẩm viết về người Việt ở Đông Âu của ông khắc họa rõ nét điều này.
Bên cạnh chia sẻ của các vị khách mời, những ca khúc không chỉ làm rưng rưng những ai đã từng sống ở nơi xứ tuyết, chương trình Quán thanh xuân tháng 12 - Đường xa tuyết trắng còn có những clip phóng sự công phu và gợi mở mang đến cho người xem trực tiếp và khán giả truyền hình một buổi tối tràn đầy cảm xúc.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!