Quán thanh xuân - Thương lắm bữa cơm nhà: Gợi ký ức, nhớ giá trị tình thân gia đình

PV-Thứ hai, ngày 02/11/2020 09:34 GMT+7

VTV.vn - Chương trình Quán thanh xuân với chủ đề "Thương lắm bữa cơm nhà" đưa người xem trở lại với góc thân thuộc nhất trong tâm trí mỗi người, đó là căn bếp nhỏ với gia đình.

Quán thanh xuân tháng 11 đưa khán giả về với căn bếp thời bao cấp, lắng nghe những câu chuyện, kỷ niệm xung quanh mâm cơm và những món ăn một thời gian khó nhưng ấm áp tình thân. Thời bao cấp những gian bếp thanh bạch được thu xếp khéo léo dưới gầm cầu thang, ngoài hành lang, góc ban công của biết bao khu nhà tập thể, của những hộ dân cư chen chúc, ám mùi mắm muối, mùi đồ ăn quá lửa, mùi ẩm mốc lẫn mùi khói dầu, khói than tổ ong …Bếp dầu, bếp than hay bếp điện may xo... đều gắn với từng câu chuyện đặc trưng: xếp hàng đong dầu, khêu bấc, thay bấc cho đến nhóm, quạt bếp than, khều than, đun trộm điện..

Gian khó bữa cơm nhà

Trong chương trình, các khách mời của Quán thanh xuân chia sẻ về cái chạn bếp của mình. NSND Công Lý cho hay bếp nhà anh nằm cạnh chuồng lợn, hàng ngày đi xin nước gạo để nuôi lợn, lợn ốm thì cả nhà nhường mỳ chính cho vào cám lợn ăn nhanh khỏi ốm. Cái chạn bếp cũ, được buộc chằng chịt dây đồng, buộc đằng trước thì nó chui vào đằng sau, phải lấy gậy chọc, thế là mỡ, mắm lại sóng sánh hết ra...

Nhà báo Vũ Thị Tuyết Nhung không quên được ký ức về chiếc bếp dầu, gia đình bình thường đun bằng mùn cưa, quét lá rụng về đun, sau đó mới có than quả bàng. Vì gia đình không có tiêu chuẩn bếp dầu nên mẹ cô khéo léo "chê" là bếp dầu hôi…

Những gian khó của đời sống đã ảnh hưởng đến từng căn bếp, từng bữa cơm... Nhà báo Tuyết Nhung kể chuyện chỉ có bà đẻ hoặc đến Tết mới được ăn nước mắm loại tốt, còn thường sẽ là loại 2, mùi nồng nặc. Các mẹ phải cho lên đun nước mắm, hoà nước và muối vào để bớt mùi. Mỗi lần có nhà nào đun nước mắm thì cả khu khổ... Gạo mốc, phải vo 2- 3 giá, giá 1 để nhặt thóc, cỏ lồng vực, giá 2 để nhặt sạn. Bát cơm gạo trắng là mơ ước của cả một thời.

Vì gian khó mà đã nảy sinh vô vàn sáng kiến để xoay sở bữa cơm gia đình. Từ những việc đòi hỏi một sự can đảm nhất định như buôn tem phiếu đến những tiểu tiết như quấn vải sạch vào đầu đũa, nhúng một lớp mỡ bôi mỏng khắp chảo để xào rán, lấy lá chuối lót lên chảo để rán đậu không sát, không cháy trong điều kiện không có mỡ...

Bầu trời ký ức từ những món ăn thời bao cấp

Đại diện cho thời bao cấp với tem phiếu, gạo mậu dịch là các món cơm độn: cơm độn khoai, độn sắn, độn mì sợi, hạt bo bo. Rất nhiều người thuộc câu hát chế về thời bao cấp "bo bo độn mì, tiền lương mỗi tháng 5 hào".

Nhà báo Ngô Thiên Chương kể về món da heo kho nước mắm: "Thời đó mỗi lần cầm phiếu xếp hàng nhận thực phẩm ở hợp tác xã, xách về cục thịt toàn mỡ, ba tôi gọi đó là áo thun quần xà lỏn (bởi phần mỡ nhiều hơn phần thịt), hay mảnh da heo là chuyện rất thường. Mẹ tôi cắt da thành miếng nhỏ, ướp nước mắm mang đi kho. Vậy lúc nào tôi cũng tự hào khoe với hàng xóm, mẹ tôi kho da heo ngon nhất thế giới".

Cũng từ đó, hình thành những thói quen đến tận bây giờ dù đã đủ đầy như ăn cơm với nước dưa, phở ăn kèm với cơm nguội.

Xem chương trình Thương mãi bữa cơm nhà để gặp lại thanh xuân của mình

Điều gì khiến căn bếp là nơi giữ lửa cho gia đình, bữa cơm là hồn cốtriêng của mỗi nhà? Theo nhà báo Tuyết Nhung, đó là những lời dạy dỗ từ mẹ, chị đến con cháu trong nhà, khen - chê đều từ bữa cơm ra, khi có cỗ thì cả nhà xúm vào bếp...

Mỗi con người, hầu như ai cũng có ký ức về căn bếp, những bữa cơm gia đình như một phần kỷ niệm mãi khắc sâu và theo suốt những năm tháng trưởng thành. Bếp là nơi chốn ấm cúng của đời người, là mối bền chặt của sợi dây gia đình. Cùng nhau ôn lại những ký ức bếp xưa cũng chính là để một lần nữa nhắc nhớ về giá trị của tình thân, của gia đình.

"Ngày nay khi nhìn mâm tiệc nhiều thức ăn ngon, tôi nghĩ ngay đến ngày đó. Khúc lạp xưởng cắt nhỏ ăn mấy tô cơm. Khúc bầu non vừa kho vừa luộc. Thời ốm trơ xương vì thiếu ăn. Tôi nhớ mãi ba tôi khổ cực trên đồng án, trưa ăn cơm ngập đầy nước mưa, miếng đậu hũ nở phình. Tôi nhớ mẹ bầm trái dưa leo để cho buổi trưa thịnh soạn thay vì ăn cơm thì ăn bún với nước tương. Tôi nhớ em trai tôi nhớ đến ứa nước mắt cảnh giành nhau củ khoai, tô nước cơm. Tôi nhớ cả những đòn roi mà bây giờ nhắc lại mẹ vẫn khóc, khi tôi lỡ làm khét nồi cơm trong khi nhà thiếu gạo", nhà báo Ngô Thiên Chương tâm sự.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước