Shark Tank Việt Nam - Tập 11: Đi gọi vốn quá sớm, startup kem trái cây thất bại

Đinh Hương-Thứ năm, ngày 13/09/2018 12:54 GMT+7

VTV.vn - Sản phẩm kem trái cây học hỏi công nghệ New Zealand, nguyên liệu nhập Thái, bán tại Việt Nam đã không nhận được đầu tư trong tập 11 Shark Tank Việt Nam.

Trong tập 11 Shark Tank Việt Nam - Thương vụ bạc tỷ, màn thương thuyết thứ 3 đến từ ba nhà đồng sáng lập Đức Thành - Hùng Cường - Hồng Ngọc của thương hiệu kem Takitimu. Đến để kêu gọi 5 tỷ đồng cho 20% cổ phần, các nhà sáng lập Takitimu mong muốn được nhận đầu tư để mở rộng quy mô, độc lập tự chủ sản xuất các nguyên liệu.

Shark Tank Việt Nam - Tập 11: Đi gọi vốn quá sớm, startup kem trái cây thất bại - Ảnh 1.

Ý tưởng kem Takitimu ra đời xuất phát từ một trải nghiệm bán hàng tại thương hiệu kem độc nhất một vị của Newzealand, đến năm 2016, công nghệ bán kem này chính thức được đem về Việt Nam và có cửa hàng đầu tiên tại Hà Nội. Tại Takitimu, khách hàng sẽ được tự chọn các hương vị hoa quả yêu thích sau đó, nhân viên Takitimu sẽ lấy hoa quả và chế biến kem ngay tại chỗ. Khách hàng sẽ được lựa chọn cũng như chứng kiến quá trình làm ra chiếc kem của mình.

Shark Tank Việt Nam - Tập 11: Đi gọi vốn quá sớm, startup kem trái cây thất bại - Ảnh 2.

Theo các nhà sáng lập, mô hình này đã được người dân Newzealand áp dụng tại các trang trại để tiêu thụ hoa quả của họ. Kem nền của Takitimu hiện được nhập từ Thái Lan, còn thiết bị máy móc thì được nhập từ Australia. Tùy theo các loại hoa quả được khách hàng lựa chọn được nhập về từ trong nước hay nhập khẩu mà giá cốc kem sẽ dao động từ 29 – 34 nghìn đồng. Tuy nhiên, hoạt động hơn 2 năm nhưng doanh thu của Takitimu chỉ đạt được 1,4 tỷ đồng, lợi nhuận thu về 200 triệu đồng. Trình bày nguyên nhân, nhà sáng lập cho biết, sau 6 tháng đầu tiên, doanh thu 100 triệu/ tháng nhưng việc chuyển địa điểm bất đắc dĩ đã khiến doanh thu sụt giảm.

Shark Tank Việt Nam - Tập 11: Đi gọi vốn quá sớm, startup kem trái cây thất bại - Ảnh 3.

Cho rằng mức lợi nhuận thu về của Takitimu quá ít, hơn nữa, các nhà sáng lập cũng không nắm giữ được bí quyết riêng Shark Phú nhanh chóng từ chối đầu tư. Đồng quan điểm, lần lượt ba Shark Thủy, Linh và Hưng rút lui vì doanh thu thấp, mô hình này không thể nhân rộng.

"Để nhượng quyền em phải có thương hiệu, bí quyết công nghệ và cách thức vận hành, chuẩn hóa quản lý. Mô hình của em hiện chưa cần số tiền quá lớn như thế này. Tại thời điểm này, việc anh tham gia vào chưa hẳn có thể giúp được các em, thậm chí có khi còn hỏng" – Shark Hưng chia sẻ.

Shark Tank Việt Nam - Tập 11: Đi gọi vốn quá sớm, startup kem trái cây thất bại - Ảnh 4.

Nhận định, startup vẫn còn quá sớm để đi gọi vốn tại Shark Tank Việt Nam, Shark Dzung Nguyễn đưa ra lời khuyên: "Em bỏ ra 600 triệu cho một cửa hàng nhưng doanh thu hằng tháng chỉ đạt 30 - 70 triệu, nếu xét về hiệu quả đầu tư thì không hiệu quả. Tiêu chuẩn hóa để đẩy mạnh quy mô thì em cũng chưa làm được. Ngay cửa hàng đầu tiên, em còn chưa hoàn chỉnh nó thì làm sao bắt đầu được cửa hàng tiếp theo. Khi bắt đầu chuẩn chỉnh rồi thì mới quay lại trả lời câu hỏi của các Shark là em nhượng quyền cái gì và lúc đấy đi gọi vốn thì phù hợp hơn tại thời điểm này".

Shark Tank Việt Nam - Tập 11: Đi gọi vốn quá sớm, startup kem trái cây thất bại - Ảnh 5.

Dù không may mắn phải nhận đến 5 cái "lắc đầu" từ các nhà đầu tư nhưng những nhà sáng lập của Takitimu vẫn giữ được sự tự tin, bởi họ đã nhận được rất nhiều lời khuyên bổ ích từ Shark. Đây sẽ là bài học bổ ích dành cho các nhà sáng lập trẻ, giúp họ có thể thêm các kiến thức để nhìn nhận, đánh giá đúng giai đoạn phát triển của mô hình kinh doanh mà mình đang theo đuổi.

Mời quý vị theo dõi các tập tiếp theo của Shark Tank Việt Nam mùa 2 - Thương vụ bạc tỷ phát sóng vào lúc 20h30, tối thứ 4 hàng tuần trên kênh VTV3!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước