Trải qua bao nhiêu năm, khán giả vẫn sẽ nhớ như in những chương trình “made in VTV” này!

Lan Chi - Thùy Hương-Thứ năm, ngày 07/09/2017 14:46 GMT+7

VTV.vn - Dù trải qua nhiều năm nữa, khán giả vẫn sẽ bồi hồi khi được gợi lại kỷ niệm của một thời Những bông hoa nhỏ, Vườn cổ tích, Ở nhà chủ nhật hay Gặp nhau cuối tuần.

Gần 50 năm trôi qua, các chương trình của VTV đã có nhiều đổi thay để đáp ứng nhu cầu đa dạng của khán giả. Nhưng, tin chắc rằng, dù qua thêm nhiều năm nữa, chúng ta vẫn sẽ bồi hồi khi được gợi lại kỷ niệm của một thời Những bông hoa nhỏ, Vườn cổ tích, Ở nhà chủ nhật hay Gặp nhau cuối tuần.

Những năm trở lại đây, dễ dàng nhận thấy trên sóng truyền hình tràn ngập những chương trình truyền hình thực tế, những cuộc thi tìm kiếm tài năng. Từ các cuộc thi hot nhất như Thần tượng âm nhạc Việt Nam, Giọng hát Việt, Cuộc đua kỳ thú, Sasuke Việt Nam tới những chương trình dành cho thiếu nhi như Bố ơi! Mình đi đâu thế?, Cháu ơi, cháu à… tất cả đã đem đến cho khán giả những phút giây thư giãn và giải trí thú vị. Với format hấp dẫn được mua bản quyền từ nước ngoài, sự đầu tư công phu, kỹ lưỡng trong khâu sản xuất, những chương trình này ngay sau khi ra mắt đã được đón nhận nồng nhiệt và khẳng định được vị trí riêng trong lòng mỗi khán giả.

Bên cạnh những điểm cộng trên cũng có không ít điểm trừ mà các chương trình truyền hình thực tế đã bộc lộ trong thời gian qua. Giờ đây, mỗi khi bật TV, khán giả lại dễ dàng bắt gặp các cuộc thi tìm kiếm tài năng âm nhạc, sự cạnh tranh khốc liệt trong những cuộc thi người mẫu hay thậm chí là không ít chương trình hài nhảm bị dư luận lên án trong một thời gian dài. Việc hàng loạt cuộc thi tìm kiếm tài năng hot trên thế giới được "bê" về Việt Nam cũng tạo nên sự dập khuôn, nhàm chán đối với khán giả. Để rồi trong thời kỳ bùng nổ các chương trình truyền hình thực tế, người ta bỗng chốc nhớ lại cái ngày mà "sang chảnh" lắm mới có một chiếc TV trong nhà, cái thời mà cả gia đình, cả xóm cùng tụ tập tại một nhà để chúi đầu vào xem chiếc TV nhiễu sóng, cái thời của những chương trình truyền hình sống cùng năm tháng…

Những bông hoa nhỏ - Điều kỳ diệu nhất trên sóng truyền hình

Khoảng 20 năm về trước, cha mẹ tôi tằn tiện mãi cũng sắm được một chiếc TV màu 17inch. Khỏi phải nói, tôi cùng các anh chị em đã sung sướng và tự hào như thế nào khi được gia nhập hàng ngũ "gia đình có TV". Có lẽ rất khó để những 9x đời cuối hay những bé 10x hiểu cảm giác khi đó của tôi, mà hiểu sao được khi ngày ấy, một chiếc TV đáng giá bằng cả một chiếc xe máy bây giờ. Khoảnh khắc lần đầu tiên được bấm nút bật TV giống như một thế giới mới đầy màu sắc mở ra với cô bé học cấp 1 như tôi. Chiếc TV lúc đó chẳng khác nào một chiếc hộp thần kỳ đưa tôi đến với những miền đất mới, học hỏi những tri thức mới và gặp gỡ những con người mới. Mà thời đó trên sóng nào có nhiều kênh truyền hình và nhiều chương trình như bây giờ. Chiếc TV nhỏ xinh của tôi chỉ có VTV1, VTV2, VTV3, kênh Hà Nội và thêm kênh Hà Nội 2 (khi đó là kênh Hà Tây) hay nhiễu sóng. Vậy thôi cũng là quá đủ để tôi và cả gia đình chăm chú theo dõi mỗi buổi tối.

Nếu như bây giờ, nói đến khung giờ vàng 19h trên sóng VTV, ai cũng lập tức nghĩ ngay đến bản tin Thời sự 19h. Song ngày ấy, trong tâm trí tôi, nhắc đến 19h là nhắc đến Những bông hoa nhỏ. Với trẻ con chúng tôi, đó là điều kỳ diệu nhất trên sóng truyền hình. Thế nhưng với người lớn, Những bông hoa nhỏ thật… phiền phức bởi nó khiến giờ cơm thêm dài ra khi chẳng đứa trẻ nào chịu đụng đũa vì mắt vẫn đang "dán" chặt vào màn hình TV. Dù vậy, người lớn cũng phải bật cười khi nhìn thấy các thiên thần nhỏ chăm chú theo dõi chương trình rồi tự tin nhảy múa và hát theo các bạn trên TV.

Nhạc hiệu khó quên của Những bông hoa nhỏ

Điều luôn được chờ đợi trong suốt 30 phút của Những bông hoa nhỏ chính là phim hoạt hình ngắn. Sau một thời gian chiếu các phim hoạt hình của các quốc gia thuộc khối xã hội chủ nghĩa, Những bông hoa nhỏ đã mang những nhân vật nổi tiếng của Walt Disney, Warner Bros, MGM đến với khán giả nhỏ Việt Nam. Nhờ có Những bông hoa nhỏ, thế hệ 8x, 9x thời đó mới được biết đến Hãy đợi đấy và câu nói "Nupakachi" huyền thoại, biết đến Tom và Jerry, Mickey và Donald, chàng thủy thủ Popeye cùng cô bạn gái Olive "que sậy"… Nếu như giờ đây trẻ em "nghiện" Internet, nghiện mạng xã hội thì ngày ấy, chúng tôi "nghiện" Những bông hoa nhỏ với biết bao câu chuyện kỳ thú, những hành trình phiêu lưu mới mẻ và hài hước cùng các nhân vật hoạt hình quen thuộc.

Sau gần 3 thập kỷ đồng hành cùng các khán giả nhí, Những bông hoa nhỏ đã kết thúc sứ mệnh đem đến niềm vui, nụ cười cho thiếu nhi vào năm 1995. Cái kết của chương trình khiến những đứa trẻ thế hệ tôi - "thế hệ những bông hoa nhỏ" vô cùng tiếc nuối. Dù sau này trên sóng VTV có không ít những chương trình khác dành cho thiếu nhi vô cùng hấp dẫn nhưng ấn tượng sâu đậm về đoạn nhạc hiệu của Những bông hoa nhỏ, kỷ niệm những ngày cả đám trẻ ngồi trước màn hình TV để chăm chú theo dõi chương trình chắc chắn sẽ không bao giờ phai nhạt trong trái tim tôi. Có lẽ không chỉ tôi mà rất nhiều người khác cũng phải công nhận rằng Những bông hoa nhỏ là một phần đẹp đẽ và rực rỡ trong tuổi thơ khốn khó năm xưa.

Lạc vào "Vườn cổ tích" đầy màu sắc để rồi nhớ mãi không quên!

Sau Những bông hoa nhỏ, cuối năm 1997, thế hệ chúng tôi có thêm một chương trình để học mà chơi, chơi mà học với cái tên đầy mộng mơ: Vườn cổ tích. Với format mới lạ, Vườn cổ tích là chương trình dành cho thiếu nhi rất ăn khách trên sóng VTV. Xứ sở Vườn cổ tích mở ra với chúng tôi khi ấy là vô vàn những nhân vật trong các câu chuyện cổ tích được bà, được mẹ kể hàng đêm trước khi bước vào giấc ngủ.

Trải qua bao nhiêu năm, khán giả vẫn sẽ nhớ như in những chương trình “made in VTV” này! - Ảnh 2.

Có lẽ thế hệ thiếu nhi ngày đó gần như đều thuộc lòng và có thể hát vang ca khúc mở đầu chương trình: "Vườn xanh như đón mời/Ngàn hoa đang hé cười/Có tiếng chim líu lo trong khu vườn cổ tích/Kìa là nàng Bạch Tuyết cùng cô Tấm đang dạo chơi/Bên nhịp cầu cong cong bảy chú lùn đang câu cá/Cô Lọ Lem xinh quá ôi duyên dáng làm sao/Chú Thạch sanh xuống hang bắt trăn tinh phải đầu hàng/Vườn cổ tích giấc mơ của tuổi thơ/Vườn cổ tích mãi mãi tỏa hương sắc/Vườn cổ tích như bạn hiền thân thiết/Nào bạn ơi, ta cùng nhau đến chơi". Cùng với đó, những câu nói quen thuộc trong chương trình của BTV Bảo Vân: "Có đúng không các em?", "Có hay không các em?" để rồi các bạn nhỏ nhất loạt "Vâng ạ" cũng trở thành một phần ký ức khó phai mờ. Và cứ thế, mỗi chương trình Vườn cổ tích vào sáng Chủ nhật hàng tuần đã trở thành người bạn thân quen của các khán giả nhí, mở ra một thế giới đầy màu sắc với những câu chuyện cổ tích dễ thương, những trò chơi vận động giúp các bạn nhỏ thể hiện sự thông minh, khéo léo. 

Chương trình Vườn cổ tích của những ngày đầu

Tất nhiên, tôi cũng không quên những anh, chị dẫn chương trình hài hước của Vườn cổ tích khi ấy, trong đó để lại dấu ấn sâu đậm nhất vẫn là MC Lại Bắc Hải Đăng. Nụ cười tươi, cách nói chuyện hóm hỉnh của anh như thứ keo dán vô hình gắn kết lũ trẻ con chúng tôi với Vườn cổ tích hàng năm trời không biết chán.

Vườn cổ tích dừng phát sóng vào năm 2002 nhưng đến năm 2013, chương trình đã trở lại nhưng với một diện mạo mới và được gửi tới khán giả nhí trên sóng VTV6. Song, có lẽ Vườn cổ tích của những ngày đầu vẫn để lại dấu ấn khó phai mờ trong tâm trí chúng tôi và cũng là một phần ký ức đẹp không kém gì Những bông hoa nhỏ!

"Ở nhà chủ nhật" còn trong ký ức bao nhiêu buồn vui…

Nếu Những bông hoa nhỏ hay Vườn cổ tích chủ yếu hướng đến đối tượng khán giả thiếu nhi thì Ở nhà chủ nhật lại là gameshow dành cho các gia đình với những trò chơi hấp dẫn giúp tăng tính gắn kết của các thành viên. Khi Ở nhà chủ nhật ra đời vào năm 1999, cứ mỗi trưa Chủ nhật hàng tuần, mọi người trong gia đình tôi lại quây quần bên mâm cơm và theo dõi các gia đình so tài trên sóng truyền hình. Với những phần chơi đơn giản nhưng không kém phần hấp dẫn, Ở nhà chủ nhật không chỉ đem đến niềm vui cho các gia đình mà còn cung cấp nhiều kiến thức, kỹ năng thiết thực và bổ ích cho khán giả. Từ những mẹo vặt trong gia đình đến cách chăm sóc sức khỏe cho mỗi thành viên - những kiến thức ấy được truyền tải khéo léo qua mỗi phần thi cũng như lời tư vấn của người dẫn chương trình.

Trải qua bao nhiêu năm, khán giả vẫn sẽ nhớ như in những chương trình “made in VTV” này! - Ảnh 4.

Thời kỳ đầu, nhà báo Tạ Bích Loan là người đồng hành cùng Ở nhà chủ nhật. Sau này, thay thế chị là nhà báo Thu Thủy - gương mặt gắn liền với chương trình trong suốt 9 năm - và sau đó là nhà báo Thanh Hường. Nụ cười hiền hậu cùng cách dẫn dắt thông minh, gần gũi của nhà báo Thu Thủy đã đưa Ở nhà chủ nhật đến gần hơn với khán giả ở mọi lứa tuổi và cũng từ đó, "MC Ở nhà chủ nhật" là cụm từ quen thuộc mà khán giả chúng tôi ưu ái dành cho chị.

Cũng giống như Những bông hoa nhỏ hay Vườn cổ tích, nhạc hiệu Ở nhà chủ nhật đến bây giờ tôi vẫn nhớ như in. "Tổ ấm gia đình không gì sánh được/Còn trong ký ức bao nhiêu buồn vui/Tình thương của mẹ, cùng lời cha dặn/Một mai vững bước, cho con vào đời/Bên nhau vui ca hát, ca hát/Hoa đưa hương thơm ngát, thơm ngát/Mong ước cho tình thân gia đình/Qua tháng năm càng thêm mặn nồng/Hãy vững tin tình yêu gia đình/Trong trái tim và trong nụ cười" - những câu hát này đã sống cùng Ở nhà chủ nhật theo năm tháng và bất cứ khán giả nào cũng có thể hát tròn vành rõ chữ không sai một từ. Sau 1 thập kỷ đồng hành cùng khán giả, Ở nhà chủ nhật đã dừng lên sóng vào ngày 30/12/2009. Dù sân chơi lý thú dành cho các gia đình không còn nhưng những ký ức của những trưa Chủ nhật quây quần bên mâm cơm cùng bố mẹ theo dõi chương trình sẽ vẫn đi cùng tôi theo năm tháng.

Gặp nhau cuối tuần - Từ những năm tháng cười sảng khoái đến ngày chia tay ướt nhòe khóe mắt

Nhắc đến những chương trình đi cùng năm tháng của VTV chắc chắn các bạn cũng như tôi, không thể nào quên Gặp nhau cuối tuần. Thời điểm Gặp nhau cuối tuần bắt đầu lên sóng VTV3 - năm 2000, cứ hễ nghe thấy nhạc hiệu chương trình từ tivi nhà hàng xóm, tôi lại lao đi tìm điều khiển và chuyển kênh thật nhanh để được xem trọn vẹn chương trình. Và sau này, cứ đến 10h thứ Bảy hàng tuần, cả nhà tôi lập tức bật VTV3, chăm chú nhìn màn hình tivi, háo hức chờ chương trình phát sóng.

Nếu như giờ đây chỉ cần bật tivi hay đơn giản là lướt Internet là có thể xem hàng loạt các chương trình hài thì những năm 2000, Gặp nhau cuối tuần có thể xem như chương trình hài duy nhất mà khán giả biết đến và nhắc đến VTV, khán giả đều gọi tên Gặp nhau cuối tuần. Chương trình mang đến nhiều câu chuyện hài hước xoay quanh các vấn đề xã hội qua diễn xuất hài hước của các nghệ sĩ: Minh Vượng, Phạm Bằng, Văn Hiệp, Quốc Khánh, Xuân Bắc, Công Lý, Tự Long, Vân Dung, Giang Còi, Quang Tèo, Thu Hương, Hiệp Gà, Hồng Vân, Hoàng Sơn, Bảo Quốc… Từ Gặp nhau cuối tuần, họ cũng ngày càng được khán giả yêu mến hơn và ngày càng nổi tiếng. Ngay cả MC Thảo Vân - người gắn bó với Gặp nhau cuối tuần trong suốt thời gian chương trình phát sóng - cũng được khán giả mến mộ.

Đoạn nhạc mở đầu mỗi chương trình Gặp nhau cuối tuần

Từ những số đầu tiên khi ra mắt khán giả trên VTV3, Gặp nhau cuối tuần đã nhận được sự yêu mến nơi người hâm mộ. Ban đầu, chương trình được phát sóng 2 tuần một số. Song, trước sức hút quá lớn mà các diễn viên hài mang lại, Gặp nhau cuối tuần được phát sóng đều đặn vào 10h thứ Bảy hàng tuần và trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu của khán giả. Cùng với đó, cứ 6 tháng một lần, ê-kíp sản xuất thực hiện chương trình Gala cườiGặp nhau cuối năm (chương trình đầu tiên vào năm 2003, sau này là Táo quân) phát sóng dịp Tết Nguyên đán hàng năm.

Sau chặng đường 6 năm với biết bao tiếng cười, Gặp nhau cuối tuần bất ngờ nói lời chia tay khán giả khiến không ít người rơi nước mắt luyến tiếc. Tôi còn nhớ, khi ấy, tôi cũng đã rơi nước mắt khi các nghệ sĩ nói lời chào tạm biệt khán giả ở phần cuối chương trình và chính các nghệ sĩ cũng trào nước mắt trong giây phút xúc động ấy. Với hình ảnh con tàu Titanic hoàng tráng, chương trình chia tay khán giả của Gặp nhau cuối tuần quy tụ đông đảo danh hài hai miền Nam, Bắc, mang lại nhiều tiếng cười cho khán giả.

"Đến khi cảm thấy sức sáng tạo của mình không còn nữa, chúng tôi cho dừng lại Gặp nhau cuối tuần, mặc dù mọi người rất luyến tiếc. Tôi quan niệm, thà chia tay trong tiếc nuối, ngay cả khi nó đang ở thời kỳ rực rỡ nhất, còn hơn tiếp tục kéo dài mà không còn sức sáng tạo mới mẻ cho khán giả. Năm 2007, chúng tôi hy vọng sẽ tạo ra tiếng cười không chỉ trong một tuần mà trong mỗi ngày ở những serie mới" - đạo diễn Khải Hưng chia sẻ về quyết định ngừng sản xuất Gặp nhau cuối tuần với khán giả. Ở thời điểm hiện tại, các khán giả truyền hình và cả tôi luôn dồn sự quan tâm tới chương trình Táo quân phát sóng tối 30 Tết âm lịch để cùng cười với những màn báo cáo của các Táo là các nghệ sĩ gắn bó với Gặp nhau cuối tuần năm nào.

Hiện nay, trên sóng VTV đã có thêm rất nhiều gameshow, chương trình ấn tượng và tiếp tục tạo sức hút với khán giả nhưng có lẽ những cái tên kể trên vẫn khiến chúng ta bồi hồi khi nhớ về một thời đã qua!

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước