Tuyên truyền về biển đảo trên truyền hình cần tranh thủ dư luận quốc tế

Chi Nguyễn, Ảnh: Đức Long-Thứ sáu, ngày 18/12/2015 09:32 GMT+7

Ông Đỗ Quốc Khánh - Trưởng ban Khoa giáo, Đài THVN - chủ trì diễn đàn "Tuyên truyền biển - đảo Việt Nam"

VTV.vn - Đây là nhận định của GS.TSKH Vũ Minh Giang tại diễn đàn "Tuyên truyền biển - đảo Việt Nam" của Liên hoan Truyền hình toàn quốc lần thứ 35.

Diễn đàn "Tuyên truyền biển - đảo Việt Nam" - một hoạt động bên lề của Liên hoan Truyền hình toàn quốc lần thứ 35 - thu hút rất đông đại biểu tham dự, trong đó có cả các chiến sĩ bộ đội biên phòng. Diễn đàn do Ban Khoa giáo, Đài THVN tổ chức và có sự tham gia trao đổi của GS.TSKH Vũ Minh Giang - nguyên Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội; ông Trần Công Trục - nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ; các phóng viên, nhà báo trực tiếp tham gia tác nghiệp trong vụ Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 tại thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam cùng những ngư dân bám biển.

Mở đầu diễn đàn, ông Đỗ Quốc Khánh - Trưởng ban Khoa giáo, Đài THVN - nhấn mạnh: "Tuyên truyền biển, đảo được xác định là một trong những nhiệm vụ quan trọng của đất nước trong giai đoạn hiện nay. Khoảng 2 năm gần đây, vấn đề tuyên truyền biển đảo đã "nóng" hơn trên tất cả hệ thống báo chí Việt Nam và đặc biệt là trên truyền hình. Trong vụ Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 tại thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, khán giả và nhân dân cả nước đã rất yên tâm khi có sự hiện diện của lực lượng cảnh sát biển, của ngư dân trên vùng biển Trường Sa, Hoàng sa vì điều đó được phản ánh trên sóng VTV và các kênh truyền hình khác. Phóng viên của truyền hình cả nước đã bám biển đưa tin về trực tiếp. Mặc dù rất nguy hiểm và khó khăn nhưng điều đó có ý nghĩa và tác động rất lớn tới nhân dân cả nước.

Qua thực tiễn truyên truyền chúng ta thấy được nội dung và cách thức tổ chức tuyên truyền về biển đảo mặc dù đạt được hiệu quả nhất định nhưng vẫn còn nhiều hạn chế. Điều đó đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền biển đảo trên truyền hình quốc gia và ở một số đài địa phương trong thời gian qua".


Giáo sư - Tiến sĩ khoa học Vũ Minh Giang

Giáo sư - Tiến sĩ khoa học Vũ Minh Giang

Theo đó, diễn đàn lần này sẽ đề cập tới những điều cần lưu ý về sự cân đối giữa sử liệu và cơ sở pháp lý trong tuyên truyền chủ quyền biển đảo; việc tuyên truyền phù hợp từng giai đoạn đối ngoại và những chia sẻ kinh nghiệm từ thực tế của các phóng viên, ngư dân bám biển. Trong đó, GS.TSKH đã có những chia sẻ sâu sắc về sự cân đối giữa sử liệu và cơ sở pháp lý trong tuyên truyền chủ quyền biển đảo cũng như chỉ ra những điểm mạnh, hạn chế và hướng đi mới trong công tác tuyên truyền biển đảo trên truyền hình.

"Thời gian qua, các Đài Truyền hình làm rất tốt công tác tuyên truyền về biển đảo nhưng đôi khi hơi xa rời lịch sử. Theo tôi, việc tuyên truyền về biển đảo trên truyền hình cần lưu ý khai thác các tư liệu pháp lý từ lịch sử. Các cơ quan truyền thông cũng cần nói rõ hơn cơ sở pháp lý quốc tế khi tuyên truyền về biển đảo trên các chương trình truyền hình; cần tuyên truyền về những tấm gương bà con ngư dân bám biển, về văn hóa ứng xử của những ngư dân vào các chương trình truyền hình.

Ngoài việc tuyên truyền trên truyền hình, cần chú ý đến việc giáo dục truyền thống ra khơi bám biển, những cuộc hải chiến trong lịch sử; cần tranh thủ dư luận quốc tế; cần đưa vấn đề khẳng định đấu tranh về chủ quyền biển đảo vào chương trình sách giáo khoa ở các cấp học..." - GS.TSKH Vũ Minh Giang chia sẻ.


Diễn đàn thu hút sự quan tâm của đông đảo đại biểu dự LHTHTQ 35

Diễn đàn thu hút sự quan tâm của đông đảo đại biểu dự LHTHTQ 35


Các chiến sĩ chăm chú theo dõi những chia sẻ tại diễn đàn

Các chiến sĩ chăm chú theo dõi những chia sẻ tại diễn đàn

Ngay sau phần trao đổi của GS.TSKH Vũ Minh Giang, các đại biểu tiếp tục được lắng nghe những chia sẻ của phóng viên Hoàng Thuyên (Đài PT-TH Quãng Ngãi) về những khó khăn trong quá trình tác nghiệp khi thực hiện các chương trình tuyên truyền về biển đảo, đặc biệt là trong vụ Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 tại thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.

Phóng viên Hoàng Thuyên chia sẻ: "Đề tài chủ quyền biển, đảo luôn thuộc “vùng nhạy cảm”. Phóng viên đài địa phương chúng tôi ít nhận được hoặc nhận được rất chậm thông tin chỉ đạo, định hướng tuyên truyền. Đứng trước những sự kiện nóng bỏng về biển, đảo, chúng tôi không thể làm ngơ, nên đôi khi phải tự “bơi” trước những thông tin được xem là “nhạy cảm”. Và như vậy chúng tôi phải đối mặt với nhiều rủi ro trong nghề nghiệp.

Sự kiện gần đây nhất có thể nhắc lại, đó là vào tháng 5/2014, Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương 981 hoạt động trái phép trong vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam, chỉ cách đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi hơn 100 hải lý. Việc này đã ảnh hưởng trực tiếp đến ngư dân Quảng Ngãi vì tại vị trí đặt giàn khoan của Trung Quốc là con đường tiến ra ngư trường truyền thống Hoàng Sa để mưu sinh từ bao đời nay của ngư dân Quảng Ngãi. Trong khi báo chí trong nước, quốc tế đưa tin rất nhiều về sự kiện này thì chúng tôi vẫn chưa nhận được sự chỉ đạo về tuyên truyền".


PV Hoàng Thuyên - Đài PT-TH Quảng Ngãi

PV Hoàng Thuyên - Đài PT-TH Quảng Ngãi

Lắng nghe những chia sẻ của phóng viên Hoàng Thuyên, ông Trần Công Trục - nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ - cũng có những giải đáp liên quan đến vấn đề chủ quyền biển đảo để các phóng viên có thêm những kiến thức cần thiết trong quá trình thực hiện các chương trình truyền hình trong lĩnh vực này. Ông Trần Công Trục cho rằng khi tuyên truyền về biển đảo nhất thiết phải gắn liền với hai chữ "chủ quyền" và cần đề cập đậm nét trong các chương trình truyền hình.

Ngoài câu chuyện tác nghiệp của các phóng viên, nhà báo, câu chuyện về hành trình bám biển của ngư dân cũng được đưa ra chia sẻ trong diễn đàn lần này. Đó là câu chuyện của ngư dân Nguyễn Hữu Ngọt (tỉnh Quảng Ngãi) - người đã có hơn 40 năm bám biển và từng bị tàu Trung Quốc tấn công.

Tiếp nối cuộc trao đổi tại diễn đàn, nhà báo Đỗ Đức Hoàng - Ban Truyền hình đối ngoại, Đài THVN đã có những chia sẻ về quá trình tác nghiệp của đội ngũ phóng viên Ban Truyền hình đối ngoại trong sự kiện Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 tại thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Nhà báo Đỗ Đức Hoàng cho biết, ở thời điểm đó, các phóng viên, biên tập viên của VTV4 luôn theo dõi sát sao các tin tức trên các trang báo quốc tế, đặc biệt là báo chí Trung Quốc để có những định hướng đúng đắn trong quá trình truyền thông về sự việc có sức ảnh hưởng lớn và nhạy cảm này.

Bên cạnh đó, nhà báo Đức Hoàng cũng chỉ ra rằng, việc tác nghiệp hiện trường vẫn còn những hạn chế khi hình ảnh không thể gửi về một cách liên tục, chưa tận dụng triệt để ý kiến của các chuyên gia quốc tế và quá trình tác nghiệp đòi hỏi phóng viên phải có bản lĩnh chính trị cao.

Kết lại diễn đàn, ông Phạm Việt Tiến - Phó Tổng Giám đốc Đài THVN, Chủ tịch LHTHTQ lần thứ 35 hy vọng, với những trao đổi cởi mở về vấn đề lịch sử và tính pháp lý liên quan đến chủ quyền biển đảo, thời gian tới sẽ có những tin tức, phóng sự đầy đủ chất liệu, chứng cứ có độ chính xác cao, góp phần làm cho công tác tuyên truyền về biển đảo trên truyền hình giữa Đài THVN và các đài truyền hình địa phương có được tiếng nói chung.

Với hình thức trao đổi cởi mở, diễn đàn "Tuyên truyền biển - đảo Việt Nam" được các đại biểu đánh giá cao và hy vọng Đài THVN sẽ tổ chức nhiều hơn các hội thảo, diễn đàn về chủ đề này trong những kỳ Liên hoan Truyền hình toàn quốc tiếp theo.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước