Động vật hoang dã - Báu vật của tự nhiên mang tới cho khán giả truyền hình những câu chuyện ít người biết về thực trạng bảo tồn đa dạng sinh học ở Việt Nam hiện. Trong đó, nội dung chính của các phóng sự này là những thách thức trong công tác bảo tồn động vật hoang dã như voi rừng, vọoc chà vá chân xám; thực trạng nạn săn bắt, giết thịt. Mặc khác, việc xử lý những người vi phạm trên lĩnh vực buôn bán, sử dụng thịt động vật hoang dã chưa nghiêm. Động vật hoang dã còn đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng do phá rừng, mở đường, ô nhiễm môi trường do đào đãi vàng trong rừng nguyên sinh…
Theo ê-kíp sản xuất cho biết, ý tưởng thực hiện loạt phóng sự này đã được ấp ủ từ trước đó. "Đầu tháng 4/2020, chúng tôi bắt đầu lên đề cương kịch bản, xây dựng phương án tác nghiệp. Thời điểm đó, miền Trung bắt đầu cho mùa nắng, việc đi rừng sẽ thuận lợi, tránh được những rủi ro bất ngờ, trong đó có lũ quét", nhà báo Đỗ Văn Vinh, Trung tâm Truyền hình Việt Nam tại Đà Nẵng cho hay.
"Thời gian thực hiện loạt phóng sự 13 kỳ là hơn một tháng, trong đó việc ghi hình ở trong rừng là gần 2 tuần. Trước đó, ê-kíp sản xuất đã chủ động ghi hình tư liệu cần thiết, nhất là tư liệu bẫy bắt, mua bán thịt động vật hoang dã. So với thời gian ghi hình, khâu hậu kỳ ít tốn thời gian và công sức hơn. Chỉ sau hơn một tháng, ngày 05/6 vừa qua - nhân ngày Môi trường thế giới, VTV8 phát phóng sự đầu tiên trong chuỗi 13 phóng sự Động vật hoang dã – Báu vật của tự nhiên trong bản tin Thời sự 18 giờ".
Nhà báo Đỗ Văn Vinh, Trung tâm Truyền hình Việt Nam tại Đà Nẵng
Vậy quá trình thực hiện vệt phóng sự Động vật hoang dã - Báu vật của tự nhiên có điều gì đặc biệt? Cùng VTV News lắng nghe những chia sẻ của nhà báo Đỗ Văn Vinh về vệt phóng sự đặc biệt này dưới đây:
Từ đâu mà anh đã ấp ủ để cho ra đời vệt phóng sự này?
Nhà báo Đỗ Văn Vinh: Là quốc gia có tính đa dạng sinh học cao, từ những năm 90 của thế kỷ trước, Chính phủ Việt Nam đã phối hợp với Qũy bảo vệ thiên nhiên của thế giới WWF để bảo tồn và phát triển bền vững nguồn tài nguyên thiên nhiên. Việt Nam cũng là quốc gia ký kết công ước bảo vệ động vật hoang dã của Liên hợp quốc. Năm 2019, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị định 06 về quản lý động vật rừng nguy cấp và thực thi công ước CITES về buôn bán các loại động vật hoang dã nguy cấp.
Quyết tâm là vậy trong trên thực tế, hằng ngày, rừng vẫn bị tàn phá để lấy đất canh tác hay lấy gỗ để buôn bán. Bên trong những khu rừng già, thú rừng vẫn chảy máu bởi nạn bẫy và săn bắt để lấy thịt. Thịt thú rừng vẫn được xem là đặc sản trên các bàn nhậu… Nhiều loại động vật quý hiếm nằm trong danh mục nguy cấp vẫn bị giết thịt mà không thể xử ký hình sự như quy định của pháp luật. Đó là những gì đang diễn ra trên cả nước, trong đó có địa bàn miền Trung và Tây Nguyên.
Từ thực tế trên, lãnh đạo kênh VTV8 và phóng viên chúng tôi có ý tưởng thực hiện loạt phóng sự dài kỳ phản ảnh thực trạng này. Qua mỗi phóng sự, chúng ta đưa ra những cảnh báo, những khuyến cáo, khuyến nghị của các chuyên gia về tính cấp thiết trong việc bảo tồn đa dạng sinh học, trong đó có động vật hoang dã quý hiếm.
Phóng viên Đỗ Hiệp ghi hình loài vọoc
Quá trình ghi hình cho vệt phóng sự này có phức tạp hơn bình thường?
Nhà báo Đỗ Văn Vinh: Với đặc thù của phóng sự thời sự nên chúng tôi đã có rất nhiều phỏng vấn, gặp gỡ rất nhiều người. Trong loạt phóng sự này, chúng tôi đã phỏng vấn không dưới 50 người. Họ là những người trực tiếp phá rừng, là những người từng săn bắt, bẫy bắt động vật hoang dã để lấy thịt, là những người tham gia bảo vệ rừng, lãnh đạo các địa phương và các chuyên gia.
Điều may mắn là những người tham gia trả lời phỏng vấn đều tin tưởng chúng tôi, đã nói ra những sự thật, thậm chí họ không né tránh. Ví dụ ngay như những hộ dân trồng rừng tại xã Tam Mỹ Tây, khi được hỏi, việc phá rừng tự nhiên để trồng rừng lấy gỗ, bà con đều nói rất thật, chính họ đã làm cho đàn vọoc chà vá mất không gian sinh tồn và đang bị dồn vào một quả đồi nhỏ chỉ còn vài héc ta.
Chúng tôi không không dùng camera giấu kín, không quay lén, chúng tôi muốn bà con chia sẻ một cách tự nhiên nhất, nói lên suy nghĩ của mình một cách chân thực nhất. Tuy nhiên, để có được kết quả này, chúng tôi phải tạo ra niềm tin cho những nhân vật của mình. Ngay cả lãnh đạo của Khu bảo tồn voi Quảng Nam, ban đầu rất e dè nhưng sau khi nhiều ngày đi rừng cùng với phóng viên, ông Mai Văn Dưỡng – Phó giám đốc Khu bảo tồn voi - đã chia sẻ những khó khăn, bất cập, thậm chí là những thách thức trong công tác bảo tồn voi. Chúng tôi nghĩ rằng, một khi người trong cuộc – nhân vật trong phóng sự nói thật, phóng sự đã thành công được một nửa.
Ê-kíp đã có những ngày tác nghiệp đáng nhớ trong rừng
Những chủ đề tương tự vệt phóng sự này cũng từng được khai thác nhiều, vậy điều tạo nên sự khác biệt cho nó là gì?
Nhà báo Đỗ Văn Vinh: Những năm qua, VTV8 cũng đã thường xuyên sản xuất nhiều trình bảo vệ rừng, động vật hoang dã trên địa bàn các tỉnh, thành miền Trung và Tây Nguyên. Nếu tính trung bình mỗi ngày một tin, bài trong các bản tin thời sự thì mỗi năm, VTV8 có thể sản xuất không dưới 300 tin bài có liên quan đến chủ đề này. Tuy nhiên, phần lớn tin bài, phóng sự đều rời rạc. Trong đợt này, VTV8 muốn thực hiện một vệt phóng sự dài kỳ về động vật hoang dã quý hiếm ở miền Trung và Bắc Tây Nguyên để tăng hiệu ứng xã hội, góp phần bảo vệ đa dạng sinh học. Mục tiêu hướng đến là sẽ ghi nhận sự xuất hiện của các loại động vật quý hiếm được xem là cuối cùng ở tự nhiên và đưa ra các biện pháp bảo vệ. Nêu lên những mâu thuẫn, khó khăn, xung đột trong việc bảo vệ động vật hoang dã. Nếu bảo vệ được động vật này, người dân được hưởng lợi gì? Cuối cùng, phải khẳng định, động vật hoang dã là báu vật của tự nhiên, là tài sản của quốc gia.
Khi phóng sự đầu tiên phát sóng trong bản tin thời sự VTV8 vào ngày 5/6 vừa qua, chúng tôi đã nhận được những hiệu ứng tích cực của người dân và đồng nghiệp. Có người còn gọi điện hỏi, liệu có thật là Quảng Nam còn voi rừng, có thật là voi rừng về đến làng phá vườn, phá nhà người dân xã Trà Đốc, xã Quế Lâm? Và xem lại những phóng sự trên mạng xã hội, nhiều khán giả còn gọi điện nhờ chúng tôi đưa họ đến khu bảo tồn voi để xem voi rừng.
Nhà báo Đỗ Văn Vinh, Trung tâm Truyền hình Việt Nam tại Đà Nẵng
Chúng tôi nghĩ rằng, những thông tin về động vật hoang dã trong đó có loạt phóng sự dài kỳ này đã thu hút được sự quan tâm của người dân và cả cơ quan hữu trách. Ngay như ông Lê Trí Thanh – chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam khi xem những phóng sự đầu tiên - đã nhắn tin với chúng tôi rằng, đây là phóng sự rất có ý nghĩa. Chủ tịch tỉnh Quảng Nam còn đã khẳng định, rừng tự nhiên, động vật hoang dã là báu vật trời cho của tỉnh Quảng Nam. Hiện nay, Quảng Nam đang ấp ủ tour du lịch bảo vệ rừng, thử nghiệm tại khu bảo tồn thiên nhiên sông Thanh. Còn TS Văn Ngọc Thịnh, giám đốc WWF Việt Nam thì nói rằng, đây là những phóng sự rất thực tế, phản ảnh đúng thực trạng bảo tồn đa dạng sinh học của Việt Nam.
Từ phỏng vấn, hình ảnh cán bộ bảo vệ rừng đi tuần tra, thú rừng mắc bẫy, thậm chí bị giết thịt là những hình ảnh trực quan nhất, sinh động nhất phản ảnh một sự thật đang diễn ra: Thú rừng vẫn chảy máu ngay trong khu bảo tồn. Và trong những khu bảo tồn được bảo vệ nghiêm ngặt, hàng ngàn chiếc bẫy thú được giăng mắc khắp nơi. Mặc khác, những loài động vật chỉ thị của khu bảo tồn như voi, sao la cũng đang đứng trước những thách thức, dù đã được đầu tư nhiều nguồn lực để bảo vệ. Những phóng sự đi vào thực tế này lâu nay ít người đề cập theo hệ thống. Và đây cũng là điều mà khác giả rất quan tâm.
Cảm ơn những chia sẻ của anh!
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!