Chương trình Việc tử tế tháng 12 chủ đề Ngày mai cho em mang đến 3 câu chuyện khác nhau nhưng đều cùng chung một điểm chung đó là hình ảnh những tấm lòng nhân ái, sống hết mình vì cộng đồng và gieo mầm yêu thương đến những người gặp hoàn cảnh khó khăn, thiệt thòi.
Lớp học tình thương của cô giáo về hưu
Một đứa trẻ sinh ra đều trải qua quá trình 2 tuổi có thể đến nhà trẻ, 6 tuổi bắt đầu vào lớp 1, 12 năm đèn sách để trưởng thành và lựa chọn cho mình một cánh cổng đại học. Đó là quá trình trưởng thành của một đứa trẻ bình thường nhưng có những đứa trẻ hoàn cảnh khó khăn thì khác. Các em sinh ra trong sự thiếu thốn, là những ngày mưu sinh bên cha mẹ hoặc nỗi dày vò của bệnh tật.
Cảm thương cho cuộc sống thiếu thốn của các em, lớp học linh hoạt đã ra đời. "Lớp học linh hoạt" cũng chính là nơi cô giáo Phạm Thị Huyền đang cùng các em học sinh nghèo viết nên những hy vọng cho ngày mai.
Lớp học có tuổi đời 23 năm và vẫn hàng ngày mang đến tri thức, niềm vui nho nhỏ cho các em học sinh. Tuy nhiên, trong quãng thời gian dịch bệnh diễn ra phức tạp, lớp học của cô Huyền đã phải tạm nghỉ. Theo chia sẻ của cô Huyền chưa bao giờ lớp học bị trì hoãn một thời gian dài như vậy.
Khi Hà Nội quay trở lại nhịp sống bình thường mới, cũng là lúc lớp học linh hoạt tiếp tục vang lên những âm thanh rộn ràng của cô trò.
"Lớp học của tôi giờ chỉ có 10 người thôi. Các em đều đeo khẩu trang trong quá trình học và tuân thủ quy tắc 5K phòng dịch", cô Huyền chia sẻ.
"Lớp học của tôi hầu như các em đều rất đặc biệt, hoàn cảnh vô cùng khó khăn. Có bạn không có mẹ, có bạn không có bố, sinh ra không có hộ khẩu, không có giấy khai sinh cho nên các bạn không được đến trường".
Nếu như mỗi một cô giáo khi giảng dạy trên lớp sẽ chung một chương trình thì tại lớp học linh hoạt, 10 bạn sẽ có 10 chương trình học khác nhau tùy theo độ tuổi, trình độ.
Ngoài dạy viết chữ, đánh vần thì cô Huyền còn dạy các em cắm hoa, dạy hát và các hoạt động để phát triển các kĩ năng cho các em.
Không quản nắng mưa, đến nay 23 năm là hành trình cô Huyền đã gieo chữ ở lớp học của tình người, tình yêu nghề này. Cô luôn mong muốn dù các em có thiệt thòi, sinh ra ở hoàn cảnh nào cũng sẽ được đi học và tiếp cận với những điều tốt đẹp của cuộc sống.
Cảm động với tấm lòng nhân hậu của cô Huyền, ê-kíp chương trình Việc tử tế đã mang đến một món quà bất ngờ dành tặng người giáo viên nhân dân. Ngay tại sân khấu của chương trình, cô Huyền đã rất xúc động khi gặp lại người học trò cũ của mình. Nhờ có sự giáo dục, dạy bảo của cô Huyền, chị Giang từ một cô gái dân tộc không biết tiếng kinh, bị gia đình ép phải lấy chồng năm 14 tuổi nay đã trưởng thành, có cuộc sống hạnh phúc như mình mong muốn.
Sự thành công của những học trò chính là niềm hạnh phúc lớn lao nhất mà cô Huyền đã dành cả cuộc đời tâm huyết bên những lớp học tình thương.
Nhóm Nghe bằng mắt đồng hành cùng người khiếm thính
Người điếc có thể làm phim, người điếc có thể hát rap .. đó là những điều bất ngờ mà khán giả có thể nhìn thấy ở nhóm Nghe bằng mắt.
Nhóm Nghe bằng mắt gồm 7 người trẻ, 1 người nghe duy nhất, 6 người điếc. Họ cùng nhau tập hợp lại, chung lý tưởng, hướng về cộng đồng người điếc. Sứ mệnh của họ là mang người điếc và người nghe đến gần nhau hơn thông qua nghệ thuật.
Không chỉ làm phim, nhóm Nghe bằng mắt còn có những hoạt động ý nghĩa khác dành cho cộng đồng, tạo nên sự lan tỏa tích cực để mỗi người trong cộng đồng khiếm thính họ sẽ tự tin để hòa nhập với mọi người.
Tuy sinh ra với cơ thể bị khiếm khuyết nhưng họ vẫn luôn lạc quan, yêu đời, không ngừng vươn lên trong cuộc sống, yêu thương nhau bằng ngôn ngữ của trái tim. Họ là những người trẻ tuổi đã đảo ngược sắp xếp của tạo hóa để sống như cách mình muốn sống.
Những đứa trẻ thành công từ làng trẻ SOS
Câu chuyện về ngôi nhà tràn đầy yêu thương của nữ sinh đạt học bổng 1 tỷ đồng cũng sẽ mang đến cho khán giả nhiều cung bậc cảm xúc. Không ai có thể tin cô gái Phương Anh - quán quân học bổng Trái tim Sư tử của Đại học Anh Quốc Việt Nam lại được lớn lên từ làng trẻ SOS Hải Phòng.
Phương Anh bị bỏ rơi từ nhỏ, chính mẹ Thắng là người đã chăm sóc em từ lúc còn chưa rụng rốn. Nhờ tình yêu thương chân thành, sự chăm lo từng bữa cơm, manh áo cho các con đã giúp Phương Anh nhận ra mình phải quyết tâm học tập, trưởng thành để đền đáp công ơn nuôi dưỡng của mẹ, của cộng đồng.
Không chỉ có Phương Anh, rất nhiều đứa trẻ sinh ra tại làng trẻ SOS cũng đã có một tương lai mới, sáng lạng với một công việc yêu thích và có một gia đình nhỏ đầy hạnh phúc. Chị Vũ Thị Thúy là một ví dụ. Bố mẹ mất vì bệnh tật, chị Thúy đã được đưa vào làng trẻ SOS nuôi dưỡng. Ở đây, chị Thúy không chỉ được yêu thương, chăm sóc mà còn được chắp cánh cho ước mơ làm bác sĩ của mình.
Mỗi lần nhắc đến mẹ của mình ở SOS, chị Thúy không kìm được xúc động. Dù mẹ rất nghiêm khắc nhưng sau này khi trưởng thành, thành công và có một gia đình nhỏ hạnh phúc, chị mới nhận ra những điều mẹ làm tất cả vì muốn các con có thể đứng vững trong cuộc đời.
Được lớn lên bởi tình yêu thương và được trao tri thức, những đứa trẻ nơi đây biết ước mơ và biến ước mơ trở thành sự thật. Tại làng SOS Hải Phòng, 14 ngôi nhà mang tên 14 loài hoa vẫn đang âm thầm chắp cánh cho những ước mơ của con trẻ từng ngày.
Dù những mảnh đời sinh ra với hoàn cảnh khác nhau nhưng bằng sự nỗ lực, cố gắng không ngừng nghỉ họ có quyền ước mơ và tin tưởng vào ngày mai cuộc sống sẽ tốt đẹp.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!