Sự trong trẻo, nhẹ nhàng, dễ thương, dễ cảm từ Bỗng dưng muốn khóc đã được tiếp nối một cách khá tự nhiên trong Vừa đi vừa khóc. Đôi lúc có cảm giác trùng lặp trong cách thể hiện nhưng về cơ bản một câu chuyện đáng xem, đáng yêu đang được hứa hẹn mở ra.
Nhưng cũng ngay từ những tập đầu tiên, điều gợn lên nhất, khiến khán giả dễ nhăn mặt nhất chính là cách đạo diễn Vũ Ngọc Đãng thể hiện về thế giới của những người giàu có. Những cuộc trò chuyện của Hải Minh và bố thiếu chất đời thường thay vào đó lại tràn ngập những câu thoại chừng mực, nghiêm túc. Đặt bên cạnh không khí thoải mái, tự nhiên của các nhân vật nhà nghèo như Đông Dương, bà nội, Thêu, Lụa, Lố… càng cảm nhận rõ sự lệch tông, khiến mạch phim đang suôn sẻ lại va phải các hạt sạn không dễ nuốt.
Là do Vũ Ngọc Đãng thực sự không có sở trường trong việc cảm nhận, thể hiện thế giới người giàu đó? Hay vì quá đầu tư cho người nghèo nên chuyển qua những nhân vật khác anh… hết vốn và tỏ ra hơi vội, hơi ẩu?... Khán giả, báo giới cứ suy đoán và tranh luận. Đó chẳng phải cũng là một cách gây chú ý về phim đó sao. Tuy nhiên, nếu nghĩ một cách cởi mở hơn, biết đâu đó cũng là dụng ý của Vũ Ngọc Đãng?
Vừa đi vừa khóc không có kẻ tốt, người xấu, không có mưu toan thủ đoạn… Mọi thứ cứ phải trong trẻo, đáng yêu. Vậy biết đâu sự khác biệt, lệch tông giữa người nghèo và người giàu lại chẳng phải là một chủ ý để tạo nên sự đối lập. Ở xóm lao động, ở những nhân vật nghèo người ta thấy sự thoải mái, tự nhiên hết mình. Các diễn viên cũng vào vai một cách rất đời thường. Cứ nhìn cách Minh Hằng ngồi xổm vừa đánh răng vừa nói chuyện đến mức bong bóng, nước văng tùm lum hay cách diễn viên Thanh Thủy vào vai một người phụ nữ bán ve chai phải nói là rất chân thực từ đôi bao tay thủng, cái khăn bịt mặt quàng lệch, mái tóc rối đẫm mồ hôi… Ngay cả Phương Thanh – một người luôn xuất hiện với đôi mắt kẻ viền đen nhưng ở Vừa đi vừa khóc chị “mộc” đến mức không thể “mộc” hơn.
‘ Thanh Thủy
‘ Minh Hằng
‘ Phương Thanh
Các diễn viên chấp nhận sự hi sinh nhưng ở họ khán giả dễ dàng nhận thấy sự hòa nhập vào nhân vật, sống với nhân vật. Còn bước sang thế giới nhà giàu, sự chỉn chu, chậm rãi, rành rọt đến khó tin trong lời ăn tiếng nói kể cả giữa những người thân nhất trong gia đình, kể cả khi đối diện với những tình huống kịch tính nhất… rõ ràng là thiếu tự nhiên. Trong ngôi nhà sang trọng ấy, trong những cái vỏ giám đốc, thiếu gia ấy phải chăng là sự kiềm nén cảm xúc, không bộc lộ thật suy nghĩ, con người của mình? Đó là bi kịch của họ, là cái họ thiếu so với những người dân nghèo và họ sẽ chỉ thay đổi khi bước ra khỏi thế giới bóng bẩy, kiểu cách đó.
Vũ Ngọc Đãng không phải là đạo diễn quá tài năng để không phạm sai lầm, không có điểm yếu trong sản phẩm của mình. Điểm yếu đó ở Vừa đi vừa khóc nằm ở sự giàu có mà Đãng có vẻ bộc lộ sự thiếu kinh nghiệm, thiếu chăm chút. Anh cho thấy mình thích làm về cái nghèo hơn, yêu người lao động hơn và không mặn mà lắm với người giàu nên anh tỏ ra hơi hời hợt khi tìm hiểu, thể hiện về họ. Hoặc có thể anh cố tình lệch tông như thế để khán giả càng thêm hứng thú với sở trường của Đãng.
Dù thế nào vẫn chỉ là phán đoán khi phim mới đi được những tập đầu tiên. Nếu đã nhìn thấy nụ cười rất nhẹ, rất thoáng qua nhưng đầy ẩn ý của diễn viên Văn Thanh Tùng khi thử thách cô con dâu tương lai khó mà tin rằng đó sẽ chỉ là một nhân vật phụ huynh suốt ngày nói những câu rất kịch, rất chỉn chu. Những bất ngờ có lẽ vẫn ở phía trước với Vừa đi vừa khóc.