Từ đầu năm tới nay, nhiều lần Chính phủ thúc đẩy các các bộ ngành, địa phương đẩy nhanh tốc độ đầu tư công, nhưng kết quả vẫn rất ì ạch. Đến hết tháng 8 , giải ngân vốn đầu tư công mới chỉ đạt gần 38% kế hoạch; đến giữa tháng 10đã tăng lên hơn 50%. 2 tháng còn lại của năm áp lực giải ngân rất nặng nề. Chưa bao giờ giải ngân đầu tư công chậm như năm nay.
Với việc ban hành Nghị quyết số 94 ngày 30/10/2019, Chính phủ cho thấy những giải pháp quyết liệt và mạnh tay chưa từng có để đẩy nhanh tiến độ phân bổ và giải ngân vốn 2 tháng cuối năm 2019 và năm 2020.
Lần đầu tiên một Nghị quyết của Chính phủ về đầu tư công được nhiều đại biểu Quốc hội đánh giá là mạnh mẽ, vì buộc cả hệ thống từ cấp địa phương tới cấp Trung ương không thể tiếp tục "ì ạch", vì gắn với mốc thời hạn cụ thể và trách nhiệm của người đứng đầu.
Nghị quyết với 6 giải pháp đã yêu cầu rõ từ Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, các cơ quan khác ở Trung ương, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương coi việc thúc đẩy giải ngân vốn là nhiệm vụ chính trị trọng tâm của năm 2019.
Đỗ Văn Sinh, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, trong chương trình Vấn đề hôm nay.
Ông Đỗ Văn Sinh, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, đánh giá: "Chỉ còn 2 tháng nữa sẽ hết năm 2019 nhưng Chính phủ vẫn ban hành Nghị quyết đưa ra các giải pháp rất quyết liệt, cụ thể để đẩy nhanh tiến độ đầu tư công. Qua theo dõi hoạt động giải ngân vốn đầu tư công trong những năm qua, tôi thấy tiến độ giải ngân chậm dần đều. Nếu như Chính phủ ban hành Nghị quyết này sớm hơn và với cách tổ chức thực hiện thật quyết liệt thì chắc chắn chúng ta sẽ thu được kết quả tốt hơn".
Ông Sinh đánh giá rất cao Nghị quyết này ở điểm đã xác định rõ vai trò trách nhiệm của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, các cơ quan khác ở Trung ương, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải chịu trách nhiệm chính đối với Thủ tướng Chính phủ về việc đôn đốc, đẩy nhanh tiến độ đầu tư công; chịu trách nhiệm trước Chính phủ nếu để xảy ra sai sót, hậu quả .
"Đầu tàu chạy thì các toa tàu sẽ chạy theo. Nếu các toa tàu hỏng hay chạy chậm thì phải loại bỏ" - ông Sinh nói.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!