Hỗ trợ doanh nghiệp phát triển: Làm sao để trên "nóng", dưới không "lạnh"?

Ban Thời sự-Thứ ba, ngày 24/12/2019 07:46 GMT+7

VTV.vn - Chỉ trong chưa đầy 4 năm, người đứng đầu Chính phủ đã 3 lần đối thoại, lắng nghe ý kiến doanh nghiệp, chỉ đạo các bộ ngành nhanh chóng tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Sáng 23/12, Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp đã diễn ra với sự tham dự của khoảng 1.000 đại biểu, đại diện cho khoảng 760 nghìn doanh nghiệp trên cả nước. Đây là lần thứ 3 Thủ tướng và lãnh đạo nhiều bộ ngành đối thoại trực tiếp với doanh nghiệp.

Kể từ lần đối thoại đầu tiên (tháng 4/2016), đã có rất nhiều những bằng chứng rõ ràng cho thấy sự quyết liệt của Thủ tướng cũng như Chính phủ. Điển hình như loạt Nghị quyết 19 về cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Các văn kiện này đã thực sự trở thành nền tảng để hoàn thiện môi trường kinh doanh cho sự phát triển của doanh nghiệp Việt Nam.

Những tác động cũng ngay lập tức thấy rõ. Trong các năm từ 2016 - 2019, trung bình mỗi năm có 126.000 doanh nghiệp thành lập mới. Riêng năm 2019, dự kiến có khoảng 138.000 doanh nghiệp thành lập mới và khoảng 38.000 doanh nghiệp trở lại hoạt động. Cả nước đang có khoảng 760.000 doanh nghiệp, tiến sát mục tiêu 1 triệu doanh nghiệp vào năm 2020.

Ngoài ra, các tổ chức uy tín quốc tế cũng đánh giá cao sự cải thiện môi trường kinh doanh, xếp hạng năng lực cạnh tranh toàn cầu, triển vọng phát triển kinh tế của Việt Nam.

Trong lần thứ 3 đối thoại với cộng đồng doanh nghiệp, Thủ tướng và Chính phủ đang thể hiện quyết tâm mạnh mẽ đi đến đích trong việc đưa môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh của Việt Nam vào nhóm 4 nước đứng đầu ASEAN.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, doanh nghiệp là động lực quan trọng nhất để phát triển kinh tế nhưng sự lớn mạnh của doanh nghiệp không thể thiếu vai trò của Nhà nước. Ngược lại, sự yếu kém của doanh nghiệp chắc chắn có phần trách nhiệm của Nhà nước. Vì thế, Chính phủ thấm thía khi mỗi năm có hàng vạn doanh nghiệp giải thể, ngưng hoạt động, phá sản, nhiều doanh nghiệp, thương hiệu lớn của Việt Nam bị thị trường đào thải.

Sự quyết liệt của Thủ tướng và Chính phủ đã rõ ràng, cho thấy "sức nóng" của Chính phủ. Tuy nhiên, ở không ít bộ ngành và địa phương, cái "lạnh" vẫn còn khá phổ biến, khiến doanh nghiệp nhiều khi toát mồ hôi.

Tại hội nghị, nhiều ý kiến đã thẳng thắn nêu lên việc các sở, ngành địa phương còn bàng quan, vô cảm trước khó khăn của doanh nghiệp. Nhiều bộ, ngành vẫn còn tình trạng nhũng nhiễu, đá qua đá lại, gây phiền hà cho doanh nghiệp.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước