Hai năm trước, Thông tư 30 của ngành giáo dục quy định về việc đánh giá học sinh tiểu học bằng nhận xét thay vì chấm điểm đã làm dư luận xôn xao. Mặc dù là thay đổi nhỏ nhưng đây được đánh giá là bước đầu của sự thay đổi tư duy trong giáo dục, không nặng về điểm số, giảm áp lực cho bậc tiểu học và khẳng định mọi em nhỏ đều có năng lực riêng, cần được khuyến khích để phát triển.
Tuy nhiên, sau 2 năm, không ít vấn đề đã nảy sinh khiến Bộ Giáo dục và Đào tạo phải bàn luận, đưa ra quyết định sửa đổi Thông tư này. Trong đó, nhiều ý kiến cho rằng Thông tư đã góp phần khiến các học sinh trở nên lười biếng hơn, không thực sự nỗ lực và có ý chí phấn đấu để đạt được kết quả cao trong học tập.
Chuyên gia về giáo dục - Tiến sĩ Chu Cẩm Thơ cho rằng: "Nếu chúng ta nhụt chí với mô hình đánh giá này tức là đang tự làm mất đi cơ hội để phát triển giáo dục theo cách chúng ta muốn tiệm cận, đó là giúp mỗi con người được phát triển toàn diện, có sự tự tin, làm chủ được xã hội. Chúng ta nên nhìn nhận điểm số chỉ là kết quả tham khảo rất nhỏ trong quá trình đánh giá thường xuyên. Học sinh lười không phải do lỗi của Thông tư 30 mà do chính giáo viên, phụ huynh chưa nhìn ra rằng việc học toán, học văn để lấy điểm 10 cần phải được thay thế bằng rất nhiều điều khác với học sinh tiểu học như rèn luyện sức khỏe, kỹ năng sống, năng lực tự phục vụ bản thân".
Tiến sĩ Chu Cẩm Thơ bàn về những tranh cãi xoay quanh Thông tư 30 của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Theo Tiến sĩ Chu Cẩm Thơ, đây cũng chính là điểm có lợi nhất của Thông tư 30, thể hiện bước chuyển mình về việc nhìn nhận quá trình phát triển toàn diện của học sinh, giúp các em tự tin với triết lý mỗi đứa trẻ đều có thể thành công.
Mặc dù vậy, Tiến sĩ Chu Cẩm Thơ cũng không phủ nhận khó khăn để thực hiện thành công Thông tư này: "Thông tư 30 vẫn đang vấp phải rào cản của xã hội. Đấy là thói quen chưa tiếp cận với những đánh giá thường xuyên, quen bám vào điểm số và chủ yếu dựa vào mặt kiến thức làm thước đo duy nhất đối với học sinh. Bên cạnh đó, điều kiện kỹ thuật để thực hiện những đánh giá theo cách mới mẻ và tiến bộ này chưa được chuẩn bị kỹ càng. Đồng thời, vấn đề cũng nằm ở chính những chủ thể tham gia như giáo viên, nhà quản lý, phụ huynh học sinh".
Để lắng nghe toàn bộ cuộc trao đổi với Tiến sĩ Chu Cẩm Thơ, mời quý vị theo dõi video dưới đây:
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!