Chúng ta lên án mạnh mẽ hành vi xấu của một cá nhân. Chúng ta cũng sẵn sàng tẩy chay ngay lập tức một sản phẩm nào đó khi có thông tin không an toàn vệ sinh thực phẩm. Nhưng chúng ta dường như đang quên mất tác nhân rất quan trọng, đó là môi trường dung túng cho các hình ảnh xấu và hành vi xấu. Có người đã lợi dụng môi trường đó để kiếm tiền và làm giàu. Như vậy, Youtube và một số trang mạng xã hội cần có trách nhiệm với những hình ảnh và nội dung được đăng tải trên hạ tầng của mình.
Nếu coi những hình ảnh xấu trên các trang mạng là chất độc đối với xã hội thì những trang mạng dung túng cho những hình ảnh đó là chất độc của chất độc. Tệ hơn, các ông chủ của các trang mạng này lại kiếm được rất nhiều tiền với nguồn thu một phần ở những hình xấu độc đó. Vậy những hình xấu nào thường xuất hiện trên mạng?
Đó là Những hình ảnh khoe của đầy rẫy trên mạng xã hội. Cùng với khoe của, mạng xã hội còn xuất hiện những hình ảnh bạo lực. Các em học sinh đánh nhau, tung clip lên mạng xã hội. Những bình luận khiếm nhã, miệt thị vùng miền, giới tính ...rồi hẹn nhau ngoài đời để thanh toán. Đánh ghen, lột đồ hay giang hồ.. cũng có thể đưa ngay lên mạng xã hội và trở thành kênh kiếm tiền. Các trào lưu thử thách như "Thử thách Momo", "Thử thách cá voi xanh" với các nhân vật kinh dị, hướng dẫn người chơi cách tự làm hại bản thân, xúi giục tự sát.,
Thậm chí, kẻ xả súng đẫm máu ở New Zealand đã livestream toàn bộ hành động lên Facebook. Người ta không chỉ rùng mình phẫn nộ vì tính tàn bạo của hành động này mà còn dấy lên lo ngại về một khuôn mẫu mới cho những vụ khủng bố máu lạnh nhằm vào người vô tội sẽ còn diễn ra trong tương lai.
Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, mỗi ngày có hơn 1 tỷ nội dung được đẩy lên mạng xã hội, trong đó, chỉ tính riêng Youtube có tới hơn 5000 video được đẩy lên. Nhiều quảng cáo của doanh nghiệp đã bị gắn với video, clip phản cảm. Việc các quảng cáo xuất hiện trong những video có nội dung không phù hợp sẽ ảnh hưởng lớn đến thương hiệu đó.
Mới đây, Ngân hàng Hàng hải Việt Nam đã tuyên bố tạm dừng tất cả quảng cáo trên YouTube để tiến hành rà soát do quảng cáo của ngân hàng xuất hiện trong các video có nội dung phản cảm của Ngô Bá Khá (tức Khá Bảnh). Theo ngân hàng này, quảng cáo của họ chỉ gắn với nội dung phù hợp quy định của pháp luật và sẽ phối hợp cùng đơn vị quảng cáo để rà soát nội dung định kỳ hàng tuần.
Nhiều doanh nghiệp khác của Việt Nam cũng đã lựa chọn phương án cắt quảng cáo trên Youtube nhằm yêu cầu Youtube phải có kiểm duyệt kỹ càng về nội dung.
Do phản ứng dữ dội từ dư luận, cách đây ít ngày, kênh YouTube của Khá Bảnh đã bị Youtube chính thức xóa hoàn toàn. Các cơ quan chức năng cũng đang tìm giải pháp ngăn chặn kênh thanh toán tiền quảng cáo cho những nội dung xấu trên mạng xã hội.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!