Mỗi chuyến đi biển, ngư dân phải bỏ ra chi phí ít nhất từ 150 - 250 triệu đồng cho 1 tàu cá, tuy nhiên, ít người có được số tiền này, đặc biệt là khi nhiều gia đình đã dồn hết vốn vào việc đóng tàu mới. Trong khi đó, việc người dân đi vay vốn lưu động theo Nghị định 67 lại không hề dễ dàng.
Một nội dung trong Nghị định 67 quy định ngư dân vay vốn lưu động tối đa 70% chi phí chuyến khai thác với lãi suất 6,5%/năm. Tuy nhiên, điều kiện vay là những đối tượng hoạt động nghề cá có hiệu quả, có khả năng tài chính và có phương án sản xuất kinh doanh cụ thể trong khi hầu như không có ngư dân nào có thể chứng minh được khả năng tài chính và tính hiệu quả của phương án kinh doanh. Điều này dẫn đến việc nhiều người đã tìm đến tín dụng đen - những nơi cho vay nặng lãi.
Mặc dù phải trả từ 60.000 - 90.000 đồng/1 triệu đồng tiền vay mỗi tháng, tuy nhiên, không phải chuyến biển nào cũng khai thác được nhiều cá và cá bán được giá. Chính vì vậy, lãi tiền vay nóng ở mức cao đã dẫn tới nhiều hệ lụy.
Không khó để nhận diện bản chất tín dụng đen kéo dài nhiều năm qua ở vùng biển nhưng cũng không dễ để ngăn chặn tình trạng người dân tìm đến những nguồn vay nặng lãi này. Để bàn luận sâu hơn về vấn đề tín dụng đen, chương trình Vấn đề hôm nay đã mời tới trường quay ông Trương Thanh Đức - Chủ nhiệm CLB pháp chế Ngân hàng.
Mời quý độc giả theo dõi Truyền hình trực tuyến các kênh của Đài Truyền hình Việt Nam.