Mỗi năm, gần 1.000 người chết do tai nạn lao động. Nhưng con số này chưa phản ánh đúng thực trạng an toàn lao động ở Việt Nam. Nhiều tai nạn thương tâm xảy ra ở các khu mỏ hay công trường - khu vực có quan hệ lao động không chính thức, nơi không có tổ chức công đoàn.
Làm thế nào để tính mạng người lao động được coi trọng và bảo vệ? Đây cùng chính là một trong những câu hỏi được bàn luận trong chương trình Vấn đề hôm nay, với sự tham gia của ông Nguyễn Anh Thơ - Phó Cục trưởng Cục An toàn lao động, Bộ LĐ-TB&XH. Đây là cơ quan đầu mối quản lý vấn đề vệ sinh an toàn lao động trong cả nước.
Đánh giá thực trạng an toàn lao động ở Việt Nam, ông Nguyễn Anh Thơ cho biết, tình trạng một số chủ lao động khoán việc sau đó xảy ra tai nạn như trong lĩnh vực xây dựng, khai thác khá phổ biến. Tuy nhiên, nếu thân nhân của những người bị nạn được sự hỗ trợ của chính quyền, cơ quan quản lý và cơ quan tư vấn khác, luật sư... thì họ có quyền lợi đảm bảo hơn. Ngoài bồi thường lương, thân nhân gia đình cũng có các chế độ y tế, chăm sóc khác...
"Dĩ nhiên tai nạn là điều không ai muốn, nhưng khi xảy ra rồi thì chúng ta phải đảm bảo chính sách an sinh cho các đối tượng lao động", ông Nguyễn Anh Thơ nói.
Theo ông Nguyễn Anh Thơ, việc giải quyết thấu đáo những tai nạn nghiêm trọng là điều cần thiết để có cảnh tỉnh đối với chủ sử dụng lao động, nâng cao nhận thức của người lao động.