Lần đầu tiên Luật chống tin tức giả mạo đã được Singapore áp dụng khi yêu cầu một thành viên của Đảng đối lập phải lập tức chỉnh sửa dòng trạng thái trên Facebook.
Tại Việt Nam, tình trạng đăng thông tin giả mạo, bịa đặt trên mạng xã hội vẫn đang tràn lan, không có dấu hiệu thuyên giảm và gây ra những tác động tiêu cực tới dư luận xã hội. Tuy nhiên, các biện pháp ngăn chặn vẫn chưa thực sự rốt ráo.
Mạng xã hội dường như là nơi người dùng thích nói gì thì nói, thích viết gì thì viết. Chỉ trong một thời gian ngắn, rất nhiều thông tin khiến người dân lo lắng đã bị đăng lên Facebook.
Những ngày qua, một số tài khoản cá nhân trên Facebook đã đăng tải thông tin việc 200 ha đất trên núi Hải Vân "rơi vào tay" người nước ngoài. Thông tin thất thiệt này đã khiến dư luận xôn xao vì lo ngại ảnh hưởng lớn đến an ninh quốc phòng. Tuy nhiên, tỉnh Thừa Thiên Huế khẳng định đây là thông tin sai sự thật. Cơ quan chức năng đang điều tra, xử lý chủ tài khoản Facebook này.
Một thông tin không chính xác khác mà hàng nghìn người đã chia sẻ trên mạng xã hội là sau năm 2020 sẽ ngừng chi trả bảo hiểm xã hội 1 lần cho người lao động. Điều này hoàn toàn trái với luật hiện hành và là thông tin bịa đặt khiến hàng nghìn người lao động lo lắng. Thực tế là người lao động vẫn được nhận bảo hiểm xã hội 1 lần bình thường.
Vào cuối tháng 10, Bộ Y tế phải bác tin "virus lạ gây viêm cơ tim". Trước đó, mạng xã hội lan truyền tin virus lạ xuất hiện ở Hà Nội gây viêm cơ tim làm 2 người chết. Nhiều người lo lắng, hoang mang trước thông tin virus có thể lây lan thành dịch. Thực tế, chỉ có 2 ca viêm cơ tim phải nhập viện vì bệnh khác mà không phải dịch lây lan hay có virus viêm cơ tim như lời đồn.
Trong lĩnh vực nông nghiệp, rất nhiều tin đồn thất thiệt như hoa ly có độc, hoa giấy chứa chất ung thư, dừa có bơm chất tạo ngọt... đã gây ảnh hưởng rất lớn đến người nông dân cũng như người tiêu dùng. Trong khi tất cả đều là tin giả.
Theo đánh giá an ninh mạng của tập đoàn BKAV, 63% người dùng thường xuyên đọc được tin tức giả trên Facebook, trong đó 40% là nạn nhân hằng ngày.
Những thông giả mạo, bịa đặt, sai sự thật không chỉ khiến người đọc hoang mang, lo lắng mà nguy hiểm hơn còn tiềm ẩn nguy cơ gây mất ổn định an ninh chính trị, trật tự xã hội, gây chia rẽ đoàn kết, hủy hoại niềm tin, nhất là khi bị kẻ xấu lợi dụng. Chính vì vậy, trước khi có những giải pháp thực sự hiệu quả, mỗi người dùng mạng xã hội cần học cách để trở thành người dùng thông thái, đúng mực.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!