Một báo cáo của các nhà nghiên cứu thuộc trường Đại học Kinh tế quốc dân Hà Nội phối hợp với Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) đã chỉ ra những kẽ hở lớn dẫn đến tham nhũng trong lĩnh vực quản lý đất đai. Đây cũng là lĩnh vực mà tình trạng tham nhũng xảy ra phổ biến, công khai nhưng chưa có biện pháp hiệu quả để ngăn chặn.
Khác với nhiều nghiên cứu trước đây, báo cáo lần này tập trung nhận diện dấu hiệu tham nhũng ở các dự án đầu tư có hợp tác giữa nhà nước và tư nhân - hình thức đầu tư đang phát triển nhanh ở Việt Nam. Các dự án như vậy đã mang lại nhiều thay đổi tích cực về kinh tế - xã hội nhưng cũng có những mặt trái cần khắc phục.
TS Nguyễn Văn Thắng - Viện trưởng Viện Quản lý châu Á - Thái Bình Dương
TS Nguyễn Văn Thắng, Viện trưởng Viện Quản lý châu Á - Thái Bình Dương, cho biết: "Các dự án chúng tôi nghiên cứu vừa qua đều mang đặc điểm là khi có đầu tư từ tư nhân, ranh giới quản lý công và tư bị mờ đi. Từ đó làm nảy sinh các hình thức tham nhũng như tham nhũng chính sách, tham nhũng thông thầu... Điều nguy hiểm ở chỗ đây đều là các hình thức tham nhũng lớn, gây ảnh hưởng trực tiếp tới hiệu lực quản lý của nhà nước vì có thể làm vô hiệu hóa chính sách của nhà nước hay thông đồng để tạo nên những chính sách có lợi cho cá nhân họ. Những điều này dẫn đến xói mòn niềm tin của công chúng với sự quản lý của nhà nước".
"Việc trao quyền quản lý, tự quyết cho cơ sở là một xu hướng của sự phát triển trong lĩnh vực này. Nhưng chúng ta trao quyền như thế nào lại là vấn đề đáng quan tâm vì là kẽ hở làm nảy sinh tham nhũng. Theo kết quả mà chúng tôi nghiên cứu, khi có sự cấu kết đặc biệt trong các dự án công - tư thì việc kiểm soát quyền lực từ hệ thống nhà nước là chưa đủ. Có lẽ chúng ta cần có thêm sự quản lý, giám sát từ các lực lượng tổ chức bên ngoài", TS Nguyễn Văn Thắng nhấn mạnh.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!