Tâm điểm chú ý của cộng đồng quốc tế trong những ngày qua là phán quyết cuối cùng của Tòa Trọng tài trong vụ kiện Philippines - Trung Quốc liên quan đến “đường 9 đoạn” và việc thực thi, giải thích luật biển Liên Hợp Quốc. Một loạt khái niệm liên quan đến các điểm tranh chấp trên Biển Đông đã được rà soát kỹ lưỡng từ cơ sở luật pháp quốc tế. Kết luận được nhắc đến nhiều nhất kể từ lúc phán quyết được công bố là Tòa Trọng tài bác bỏ yêu sách của Trung Quốc về “đường 9 đoạn” bao trùm phần lớn Biển Đông.
Về các quyền lịch sử và “đường 9 đoạn”, Tòa Trọng tài khẳng định có thẩm quyền xem xét tranh chấp giữa các bên liên quan đến quyền lịch sử tại Biển Đông và kết luận rằng các quyền lịch sử của Trung Quốc đối với các nguồn tài nguyên trong các vùng biển ở Biển Đông bị xóa bỏ do không phù hợp với chế định vùng đặc quyền kinh tế trong công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982. Tòa cũng nhận thấy từ lịch sử, những người đi biển, ngư dân Trung Quốc và các nước khác đã sử dụng các đảo tại Biển Đông nhưng không có bất kỳ bằng chứng nào về mặt lịch sử cho thấy Trung Quốc đã một mình thực hiện kiểm soát vùng nước này và tài nguyên tại đây. Do đó, Tòa kết luận rằng không có cơ sở pháp lý để Trung Quốc yêu sách quyền lịch sử đối với tài nguyên tại các vùng biển phía bên trong vùng 9 đoạn.
Để phân tích sâu hơn về phán quyết cuối cùng của Tòa Trọng tài, chương trình Vấn đề hôm nay đã mời đến trường quay Tiến sĩ Trần Việt Thái - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược, Học viện Ngoại giao.
Mời quý độc giả theo dõi Truyền hình trực tuyến các kênh của Đài Truyền hình Việt Nam!