Ngày 26/4, Philippines sẽ đóng cửa đảo du lịch Boracay trong 6 tháng để cải thiện tình trạng ô nhiễm biển nghiêm trọng. Đóng cửa một địa điểm du lịch hút tiền là lựa chọn khó khắn của chính phủ Philippines. Nhưng đây là hành động cần thiết để cải thiện hạ tầng bị ô nhiễm quá tải do hoạt động du lịch. Câu chuyện của Boracay đang làm nóng các diễn đàn du lịch châu Á, nơi có nhiều hòn đảo đang gặp vấn đề phát triển quá nóng về du lịch.
Đánh giá về việc đóng cửa Boracay trong 6 tháng, TS. Nguyễn Thu Hạnh - Chủ tịch Liên hiệp Khoa học phát triển du lịch bền vững cho biết, quyết định này của chính phủ Philippines không phải là điều bất ngờ.
"Tài nguyên thiên nhiên là tiền đề cho du lịch biển, nên việc khai thác nguồn tài nguyên đó không hợp lý, không toàn diện thì sẽ đến một ngày nó không còn nữa. Chính vì vậy, việc Philippines sẵn sàng đóng cửa Boracay trong 6 tháng để phục hồi tài nguyên đó, phục vụ cho tương lai lâu dài là cần thiết", TS. Nguyễn Thu Hạnh nói.
Không chỉ Boracay, nhiều hòn đảo ở Đông Nam Á đang đối mặt với ô nhiễm môi trường. Theo bà Nguyễn Thu Hạnh, để giải quyết triệt để vấn đề ô nhiễm, các quốc gia cần thay đổi tư duy khai thác tài nguyên.
"Khoảng 20 năm trở lại đây, chúng ta thiên về khai thác tài nguyên thô, trên diện rộng và với tư duy mỳ ăn liền sẽ dẫn tới hậu quả như hiện tại. Để thay đổi điều này, chúng ta phải nhìn nhận tài nguyên theo góc nhìn toàn diện hơn và khai thác giá trị tiềm ẩn của tài nguyên, không nên tập trung vào bãi cát hay hải sản..." - TS. Nguyễn Thu Hạnh cho hay - "Hiện tại, chúng ta còn khai thác qua ít, chưa sử dụng chất xám để khai thác nguồn tài nguyên còn lại, tạo ra hoạt động du lịch đa dạng hơn và gắn liền với bảo vệ môi trường hơn".