Quan hệ Mỹ - Iran: Nghi kị và đối đầu

Ban Thời sự-Thứ ba, ngày 19/01/2016 07:16 GMT+7

VTV.vn - Trong khi Mỹ muốn kiềm chế tham vọng hạt nhân của Iran thì chính quyền Tổng thống Hassan Rouhani lại tuyên bố tiếp tục chương trình tên lửa bất chấp lệnh trừng phạt.

Ngày 16/1, sự kiện Mỹ, EU và Liên hợp quốc dỡ bỏ lệnh trừng phạt nhằm vào Iran được coi là một điểm sáng trong bức tranh chính trị thế giới đầu năm 2016. Theo đó, Iran sẽ được bán dầu, xuất khẩu hàng hóa ra thế giới và tiếp cận trở lại với 100 tỷ USD bị đóng băng trong tài khoản ở các ngân nước ngoài. Đây có lẽ là một sự trở lại đầy hứa hẹn nhưng liệu đó có kết thúc 35 năm thù địch giữa phương Tây và Iran?.

Câu trả lời cho câu hỏi này có lẽ là không, bởi chưa đầy 24 giờ sau khi lệnh trừng phạt quốc tế nhằm hạn chế chương trình hạt nhân của Iran được dỡ bỏ, Mỹ đã lập tức áp đặt lệnh trừng phạt bổ sung với Iran, liên quan đến chương trình tên lửa đạn đạo của nước này.

Theo lệnh trừng phạt bổ sung, 5 công dân Iran cùng mạng lưới các công ty có trụ sở tại Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất và Trung Quốc sẽ bị cấm sử dụng hệ thống ngân hàng của Mỹ, do bị cáo buộc có liên quan tới việc Iran thử tên lửa đạn đạo vào tháng 10/2015. Theo lý giải từ chính quyền Tổng thống Barack Obama, chương trình thử tên lửa đạn đạo của Iran là một mối lo ngại lớn với an ninh khu vực và toàn cầu, sự trừng phạt này nhằm ngăn Iran không chạm tay vào bom hạt nhân.

Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Iran khẳng định chương trình tên lửa của Iran chưa bao giờ được thiết kế để có thể mang vũ khí hạt nhân và coi biện pháp của Mỹ là bất hợp pháp. Lệnh trừng phạt bổ sung vào ngày 17/1 đã được Mỹ chuẩn bị từ trước và chỉ được công bố sau khi chiếc máy bay chở các tù nhân Mỹ do Iran phóng thích cất cánh rời khỏi nước này.

Nhận định về những nguyên nhân khiến Mỹ đưa ra lệnh trừng phạt bổ sung dành cho Iran, phóng viên Trường Sơn - thường trú Đài THVN tại Mỹ cho biết: “Nguyên nhân trực tiếp của lệnh trừng phạt bổ sung là việc Iran thử tên lửa đạn đạo có khả năng mang đầu đạn hạt nhân vào tháng 10/2015. Mỹ coi đây là hành động vi phạm trực tiếp lệnh cấm vận của Liên hợp quốc.

Sâu xa hơn, Mỹ luôn giữ quan điểm Iran là yếu tố gây bất ổn đối với những tính toán của Mỹ ở khu vực Trung Đông. Trong đó, những ủng hộ của Iran với chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad ở Syria hay lực lượng Hezbollah - lực lượng vốn là thù địch của Isarel - đã đi ngược lại với lợi ích của Mỹ và đồng minh ở khu vực. Do đó, việc áp đặt lệnh trừng phạt bổ sung vừa để bảo vệ lợi ích của Mỹ vừa nhằm trấn an đồng minh và các đối tác về những cam kết của Mỹ tại khu vực”.

"Về mặt thời điểm, có thể Mỹ tính toán rằng áp đặt lệnh trừng phạt bổ sung về tên lửa đạn đạo ngay sau khi gỡ bỏ những trừng phạt về hạt nhân sẽ tạo ấn tượng tốt hơn về việc Mỹ thực hiện đúng cam kết đa phương, đồng thời cũng rành mạch hơn trong hành động. Hơn nữa, có thông tin cho rằng Mỹ không muốn thỏa thuận trao đổi tù nhân vốn được đàm phán bí mật hơn một năm qua lại bị đình trệ. Do đó, lệnh trừng phạt đã được lùi lại từ cuối tháng 12/2015 cho đến sau khi hai bên tiến hành trao đổi xong tù nhân", phóng viên Trường Sơn chia sẻ thêm.

"Hiện tại, ông Obama chỉ còn một năm nữa tại Nhà Trắng. Thỏa thuận với Iran là một trong những ưu tiên cao nhất trong những di sản đối ngoại mà ông muốn gói ghém lại sau hai nhiệm kỳ tổng thống. Còn đối với Tổng thống Iran Hassan Rouhani, việc phá vỡ tuyến cô lập, trừng phạt của Mỹ và phương Tây cùng với sự đi lên của kinh tế Iran có thể đem lại nhiều phiếu hơn cho phe của ông trong cuộc bầu cử quốc hội sắp tới" - phóng viên Trường Sơn cho biết thêm - "Có thể nói, về ngắn hạn, hai bên Iran và Mỹ đều có động lực để đàm phán và dàn xếp với nhau. Tuy nhiên, đó chỉ là dấu hiện tích cực ban đầu. Sắp tới, một vị tổng thống Mỹ mới xuất hiện vào năm sau và những chia rẽ xung đột ở Trung Đông vẫn có thể đẩy Mỹ và Iran, thậm chí cả thỏa thuận hạt nhân đi theo những hướng không mong đợi”.

Những diễn biến trái chiều hiện nay cho thấy mối quan hệ giữa Iran và phương Tây, cụ thể là Mỹ sẽ còn diễn biến phức tạp do lợi ích chi phối cả hai bên. Chính quyền Washington còn muốn sử dụng những biện pháp cứng rắn cũng như mềm mỏng để kiềm chế tham vọng hạt nhân của Iran. Còn Iran cũng không dễ dàng từ bỏ bất cứ cơ hội nào để tăng cường sức mạnh hạt nhân - thứ vốn là chiếc chìa khóa trên bàn đàm phán và giúp nước này thực hiện tham vọng củng cố địa vị, tầm ảnh hưởng của khu vực Trung Đông. Chính vì vậy, Iran đã tuyên bố sẽ tiếp tục chương trình tên lửa bất chấp lệnh trừng phạt của Mỹ. Điều đó cũng cho thấy sự mong manh trong cuộc trở về của Iran đối với phương Tây.

* Mời quý độc giả theo dõi Truyền hình trực tuyến các kênh của Đài Truyền hình Việt Nam.

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước