Thổ Nhĩ Kỳ "mặc cả" hàng tỷ USD để giúp EU ngăn người tị nạn

Ban Thời sự-Thứ bảy, ngày 17/10/2015 07:09 GMT+7

VTV.vn - Thổ Nhĩ Kỳ sẽ giúp châu Âu giữ dòng người tị nạn ở lại nước này, nhưng đổi lại sẽ là những khoản tiền bạc tỉ và một vị thế mới trong Liên minh châu Âu (EU).

Cuộc khủng hoảng di cư tại châu Âu bắt đầu đã có lối thoát, mà công cụ chính giải quyết vấn đề này là… tiền. Tại Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu diễn ra đêm 15/10 tại Brussels, Bỉ, các nước EU và Thổ Nhĩ Kỳ đã nhất trí về một kế hoạch hành động chung nhằm ngăn chặn làn sóng người tị nạn đang ồ ạt đổ về châu Âu. Kế hoạch này có thể được coi là bước đi lớn trong hướng giải quyết cuộc khủng hoảng người di cư tại châu Âu. Tuy nhiên, đằng sau đó là một cuộc mặc cả giữa EU và Thổ Nhĩ Kỳ.

Thổ Nhĩ Kỳ hiện đang đưa ra khá nhiều yêu sách với châu Âu để đổi lại việc giúp đỡ EU ngăn chặn dòng người tị nạn. Theo nhiều nhà quan sát, chưa bao giờ châu Âu hướng sự quan tâm đến Thổ Nhĩ Kỳ nhiều như hiện nay. Hầu hết các lãnh đạo EU hiện đã sẵn sàng đưa Thổ Nhĩ Kỹ vào danh sách "các nước an toàn". Thậm chí, EU còn vừa hoãn công bố một bản bản báo cáo được cho là mang nội dung chỉ trích vấn đề dân chủ tại Thổ Nhĩ Kỳ.

Để tìm hiểu thêm những động thái hiện nay của hai bên, trong phần bình luận quốc tế của chương trình Vấn đề hôm nay, nhà báo Quang Minh có cuộc trao đổi với phóng viên Lê Hồng Quang (từ Brussels, Bỉ) - người đã theo dõi Hội nghị thượng đỉnh EU đêm 15/10.

Vì sao ý tưởng rót tiền cho Thổ Nhĩ Kỳ để ngăn chặn dòng người tị nạn vào châu Âu lại được nhất trí vào thời điểm này mà không phải là trước đây, thưa anh Hồng Quang?

Theo thống kê, trong số những người tị nạn đã lọt được vào lãnh thổ châu Âu có 600.000 người đi xuyên qua Thổ Nhĩ Kỳ. Hiện nay, có tới 2,2 triệu người tị nạn nữa đang tạm trú trên đất Thổ Nhĩ Kỳ tìm cơ hội trốn vào châu Âu qua đường Hy Lạp hoặc Bulgaria. Dòng người tị nạn từ Syria, Iraq và Afghanistan đi qua Thổ Nhĩ Kỳ lớn hơn nhiều so với dòng người tị nạn từ các nước Bắc Phi đi qua Libya. Do vậy, Ủy ban châu Âu mới ưu tiên ngăn dòng người đi qua Thổ Nhĩ Kỳ trước. Một lý do nữa là Liên minh châu Âu đàm phán với Thổ Nhĩ Kỳ cũng dễ hơn là đàm phán với Libya - nơi mà tình hình chính trị vẫn rất hỗn loạn.

3 tỷ Euro rót cho Thổ Nhĩ Kỳ để giữ không cho người tị nạn đi tiếp, cùng những yêu sách khác từ Thổ Nhĩ Kỳ mà nếu trong bối cảnh bình thường là "không tưởng". Cái giá phải trả như vậy là cao hay thấp đối với châu Âu?

Theo Tổng thống Pháp, hỗ trợ Thổ Nhĩ Kỳ còn rẻ hơn tái lập biên giới quốc gia. Theo câu chữ trong thỏa thuận ngày 15/10, tiền sẽ dành để tạo lập các trại tị nạn trên đất Thổ Nhĩ Kỳ và hỗ trợ trẻ em của các gia đình di cư được đi học và chữa bệnh. Tổng thống Pháp cũng như các lãnh đạo châu Âu đều tránh dùng nói đến cụm từ “rót tiền”, nhưng thực chất là như vậy.

1 tỷ Euro đã được chuyển cho Thổ Nhĩ Kỳ từ tháng trước, nhưng nước này cho là như vậy vẫn là quá ít. Thổ Nhĩ Kỳ còn đòi hỏi nhiều điều kiện khác. Về tiền, EU có thể quyết sớm, nhưng với các điều kiện khác, lãnh đạo châu Âu mới chỉ hứa sẽ xem xét.

Tiền có thể quyết sớm để "rót" cho Thổ Nhĩ Kỳ. Vậy châu Âu sẽ huy động khoản tiền này như thế nào?

Từ ngân sách của Liên minh châu Âu mới chỉ có 500 triệu Euro. Số tiền còn lại, Ủy ban châu Âu hối thúc các nước khác đóng góp, theo cam kết trong Hội nghị thượng đỉnh bất thường tháng trước. Đến lúc này, hiện chỉ có Anh, Tây Ban Nha và Luxembourg đóng góp và mỗi nước mới góp 3 triệu Euro.

Với riêng Thổ Nhĩ Kỳ, con số 3 tỷ Euro đang được đưa ra mặc cả. Nếu châu Âu cũng áp dụng cách này với các nước Bắc Phi thì cần thêm 1,8 tỷ Euro nữa. Cách dùng tiền để chặn dòng tị nạn có phải là giải pháp lâu bền hay không? Ngân sách châu Âu có thể chịu nổi cách làm này được bao lâu? Hiện tại vẫn chưa thể trả lời được những câu hỏi này.

Xin cảm ơn anh Hồng Quang!

Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam TV Online.

 

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước