Những công dân dũng cảm đã ngã xuống khi bắt cướp ở TP.HCM. Không điều gì có thể có thể bù đắp nỗi mất mát này, đặc biệt là với gia đình các anh. Các cơ quan có trách nhiệm của thành phố đã tới chia buồn với gia đình có người thiệt mạng, thăm hỏi những người bị thương đang nằm viện. Công an TP.HCM cũng nhanh chóng vào cuộc và bắt được 2 nghi can trong vụ việc. Công lý đang được thực thi.
Trên các diễn đàn báo chí và công luận, vụ việc này được bàn luận với nhiều ý kiến. Một câu hỏi được nhiều người quan tâm hiện nay là: "Cơ chế chính sách nào cho các hiệp sĩ đang hoạt động ở các TP.HCM?".
Đưa ra quan điểm về vấn đề này, TS. Lưu Bình Nhưỡng - Đại biểu Quốc hội, Ủy viên Thường trực, Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội - thể hiện sự chia sẻ với gia đình của các hiệp sĩ thương vong trong vụ việc vừa qua, đồng thời cũng thừa nhận rằng hiện chưa có một quy định pháp luật cụ thể nào về các hiệp sĩ. Tuy nhiên, TS. Lưu Bình Nhưỡng khẳng định chưa có quy định pháp luật không có nghĩa là không có bổn phận và trách nhiệm với những con người đang làm việc ý nghĩa vì cộng đồng này.
"Chúng ta chưa có quy định về các hiệp sĩ nhưng không phải vì thế mà chúng ta nói không có bổn phận, không có trách nhiệm đối với những con người đang làm công việc ý nghĩa như thế này. Chúng ta phải chủ động làm việc đó", TS. Lưu Bình Nhưỡng cho hay.
Theo TS. Lưu Bình Nhưỡng, việc xây dựng những hành lang pháp lý dành cho các hiệp sĩ không vượt ngoài khả năng của các cơ quan chức năng.
"Chúng ta có một lực lượng hùng hậu, những cơ sở nghiên cứu lớn và hệ thống pháp luật để hỗ trợ, đặc biệt là Hiến pháp đề cao quyền con người. Vậy chúng ta phải nghiên cứu để bổ sung, đề xuất các quy định. Nếu chưa có thì cũng phải có hướng dẫn đơn giản để có hành động thiết thực. Còn như hiện tại thì tôi nghĩ không đúng, nó có điều gì đó dường như chúng ta đang thoái thác trách nhiệm trong những vụ việc kiểu như thế này", TS. Lưu Bình Nhưỡng nói.
"Trách nhiệm ở đây là gì? Khi đã có điển hình tốt, đặc biệt trong lĩnh vực bảo vệ an ninh Tổ quốc, với những con người dũng cảm, thì lập tức các cơ quan có thẩm quyền, cơ quan chức năng mà ở đây nòng cốt là cơ quan công an phải có tập hợp, hướng dẫn, giúp đỡ, động viên người dân và các tổ chức khác cùng tham gia giúp đỡ họ, để họ từ hình thức tự phát thông thường trở thành một tổ chức tự giác tiếp tục cống hiến cho nhân dân, thành phố".
"Đây là một mô hình đẹp, đặc thủ chỉ có ở riêng TP.HCM và khu vực Bình Dương. Vậy tại sao trong nhiều năm qua chúng ta cứ để họ phải tự vật lộn với cuộc sống? Chúng ta không được phép làm như vậy".