Tại nước ta chưa có khái niệm tội phạm môi trường. Chính vì vậy, Thiếu tướng Nguyễn Xuân Lý, Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường, đã chia sẻ: "Tội phạm hình sự cướp của, giết người sẽ bị tử hình, nhưng tội phạm trong lĩnh vực môi trường giết cả thế hệ chỉ phạt 500 triệu đồng là xong". Điều này cho thấy sự bất lực của các chế tài đối với hành vi xả thải trái phép.
Thực tế, các vụ xả thải trái phép gây ô nhiễm môi trường đã liên tục bị phát hiện và xử lý. Tuy nhiên, phạt nhiều như vậy, nhưng có vẻ vẫn là chưa đủ!
Theo báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường, cả giai đoạn 2011 - 2015, Bộ đã phát hiện và xử phạt đối với 1.381 tổ chức vi phạm với số tiền phạt trên 200 tỷ đồng. Như vậy, tính trung bình mỗi tổ chức vi phạm chỉ bị phạt 145 triệu đồng. Trong khi đó, ở các địa phương, mức xử phạt còn thấp hơn nữa, trung bình mỗi đơn vị vi phạm bị phạt 24 triệu đồng. Con số này rõ ràng không tương xứng nếu như so sánh với số tiền mà doanh nghiệp trốn được khi không phải đầu tư vào hệ thống xử lý ô nhiễm.
Theo bà Bùi Thị An - Ủy viên Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Quốc hội, chế tài xử phạt xả thải trái phép gây ô nhiễm môi trường chưa đủ răn đe đối với doanh nghiệp nên các doanh nghiệp vẫn tiếp tục gây ô nhiễm, vì lợi nhuận họ thu được lớn hơn số tiền phạt rất nhiều. “Tuy nhiên, họ không thấy được cái lợi của họ đã làm hại đất nước rất nhiều, gây ra nhiều hậu họa với nhân dân” - bà An nhấn mạnh.
Trong chương trình Vấn đề hôm nay, phóng viên VTV có cuộc trao đổi về vấn đề này với bà Bùi Thị An , người đã tham gia nhiều đoàn giám sát về môi trường tại các địa phương.
Mời quý độc giả theo dõi Truyền hình trực tuyến các kênh của Đài Truyền hình Việt Nam.