Bài học về bảo tồn và phát triển du lịch

Khánh Linh (Ban Thời sự)-Chủ nhật, ngày 18/06/2017 22:41 GMT+7

VTV.vn - Câu chuyện quy hoạch tổng thể phát triển khu du lịch quốc gia Sơn Trà nóng lên mấy tháng nay một lần nữa đặt ra câu hỏi giữa bảo tồn và phát triển du lịch.

5 năm gần đây, dường như có một cuộc chạy đua danh hiệu di sản trong cả nước khi hàng năm, một loạt hồ sơ đề nghị xét công nhận di tích quốc gia, di sản thế giới được các tỉnh thành đệ trình.

Thêm danh hiệu là thêm thương hiệu "nặng ký", lợi thế để phát triển du lịch. Tuy nhiên, từ trong tiềm thức, quan điểm của người làm di sản là bảo tồn, quan điểm của người làm kinh tế là phát triển. Khi hai bên chưa tìm được tiếng nói chung thì mâu thuẫn là đương nhiên.

Sơn Trà chỉ là 1 trong nhiều ví dụ điển hình. Trước đó nhiều năm, nhiều dự án, trong đó có đồi Vọng Cảnh (Huế) đã phải dừng vì nguy cơ xâm hại di sản, cảnh quan thiên nhiên và môi trường nhưng cũng có không ít bài học đắt giá từ việc bảo tồn "một cách cứng nhắc".

Dự án khách sạn trên đồi Vọng Cảnh được cấp phép năm 2005 đã châm ngòi cho cuộc tranh luận quyết liệt giữa các chuyên gia quy hoạch, kiến trúc, văn hóa, lịch sử, buộc chính quyền tỉnh Thừa Thiên-Huế phải dừng dự án và xây dựng quy hoạch chi tiết địa danh này trở thành công viên.

Những bài học về dự án thủy điện Đồng Nai 6 & 6A ở rừng Nam Cát Tiên năm 2011 hay dự án mổ xẻ công viên Thống Nhất, Hà Nội năm 2009 vẫn còn đó. Một loạt dự án cao ốc, khách sạn xung quanh Hồ Gươm cũng buộc phải dừng trước sự lên tiếng của các nhà khoa học do lo ngại phá vỡ cảnh quan kiến trúc.

UNESCO nhiều lần đưa ra khuyến cáo về những dự án có thể ảnh hưởng tiêu cực đến các di sản thế giới như Quần thể di tích Cố đô Huế, Phong Nha Kẻ Bàng hay áp lực lên môi trường Vịnh Hạ Long bởi sự phát triển "nóng" của nhiều ngành công nghiệp quanh Vịnh. May mắn là đến thời điểm này, các danh hiệu vẫn được "bảo toàn" bởi các địa phương đã có những điều chỉnh kịp thời.

Bài toán bảo tồn - phát triển còn phải tính đến lợi ích cộng đồng. Như cách đây không lâu, hàng trăm hộ dân ở Làng Việt cổ Đường Lâm - Hà Nội đồng loạt ký vào đơn xin trả lại di tích quốc gia. Lý do bởi họ phải "sống khổ sở" trong di tích và không được hưởng lợi từ phát triển du lịch.

Câu chuyện Làng cổ Đường Lâm cho thấy khi để di sản "chết", không dựa vào nhu cầu phát triển của cộng đồng, việc bảo tồn cũng sẽ thất bại.

Quảng Bình phát triển du lịch gắn với bảo tồn bền vững Quảng Bình phát triển du lịch gắn với bảo tồn bền vững Dừng ngay việc đổ chất thải trong Khu bảo tồn biển Lý Sơn Dừng ngay việc đổ chất thải trong Khu bảo tồn biển Lý Sơn Giải pháp bảo tồn và phát triển bền vững Sơn Trà Giải pháp bảo tồn và phát triển bền vững Sơn Trà

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước