6 năm trôi qua kể từ thời điểm bắt đầu triển khai Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Trong các nhóm giải pháp, đẩy mạnh nguồn nhân lực đang là đòi hỏi cấp thiết, bởi công nghiệp sáng tạo đòi hỏi những con người sáng tạo, am hiểu về quy trình của một ngành công nghiệp.
Theo UNESCO, công nghiệp văn hóa là ngành công nghiệp kết hợp sự sáng tạo, quá trình sản xuất và quá trình phân phối hàng hóa dịch vụ thuộc về văn hóa trong tự nhiên, thường được các quyền sở hữu trí tuệ bảo vệ. Vì vậy, có 3 nhóm nhân lực công nghiệp văn hóa: nhân lực quản lý, nhân lực sáng tạo và nhân lực sản xuất kinh doanh.
Nhân lực quản lý là đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý công chức, viên chức ngành văn hóa và các ngành liên quan; giúp tham mưu, tư vấn, nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn cho Chính phủ, Bộ ngành và các địa phương; xây dựng, ban hành và thực thi hệ thống văn bản pháp luật, cơ chế chính sách. Nguồn nhân lực sáng tạo là đội ngũ nòng cốt của các ngành công nghiệp văn hóa, có thành phần phong phú, đa dạng từ nhiều ngành nghề khác nhau. Nguồn nhân lực sản xuất kinh doanh chủ yếu là doanh nhân, người lao động trong các doanh nghiệp, tập đoàn, công ty. Thế nhưng, Việt Nam đang thiếu trầm trọng các cơ sở chuyên nghiệp đào tạo bài bản cho ba nhóm nhân lực này.
Việt Nam sở hữu kho tàng văn hóa phong phú, đa dạng với hàng ngàn di tích, danh thắng, 25 di sản văn hóa thế giới, nhiều nhất trong khu vực Đông Nam Á. Nhưng việc chắt lọc tinh hoa văn hóa, thổi hồn vào các tác phẩm điện ảnh, âm nhạc, đặc biệt là những chương trình biểu diễn quy mô lớn, đa phương tiện để thu hút giới trẻ và du khách đang ngày càng khó, khi đội ngũ đạo diễn có tầm, biết quản trị nghệ thuật, nghiên cứu thị trường lại chỉ đếm trên đầu ngón tay. Vậy đâu là giải pháp?
"Khi chúng ta có một thị trường văn hóa sôi động, đủ sức hấp dẫn thì sẽ có thêm nhiều học sinh, sinh viên theo học ngành nghệ thuật" PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội chia sẻ.
Công nghiệp văn hóa là lĩnh vực non trẻ ở Việt Nam, chiếm hơn 3,6% GDP của cả nước. Mục tiêu là đến năm 2030, tỷ trọng này phấn đấu đạt 7%GDP. Kinh nghiệm có thể học hỏi, công nghệ có thể cập nhật, nguồn vốn huy động từ xã hội, song để sáng tạo ra sản phẩm công nghiệp văn hóa đẳng cấp, tạo ra giá trị kinh tế thì cần đội ngũ nhân lực quản trị kinh doanh và sáng tạo chuyên nghiệp, vừa am hiểu văn hóa Việt Nam vừa cập nhật xu thế thời đại. Về trung và dài hạn cần chiến lược đào tạo bài bản, còn về ngắn hạn là tận dụng các chuyên gia nội địa, đẩy mạnh các lớp bồi dưỡng dạng ngắn hạn với sự tham gia của chuyên gia nước ngoài qua các dự án hợp tác quốc tế. Khi ấy, có thể đặt hy vọng tạo đột phá cho ngành công nghiệp văn hóa đầy tiềm năng, vừa khẳng định thương hiệu văn hóa quốc gia vừa mang lại nguồn lợi kinh tế.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!