Thời gian qua, Việt Nam chứng kiến sự phát triển nhanh chóng của các ngành công nghiệp văn hóa. Nhiều bộ phim Việt như Bố già, Mắt biếc… thậm chí có doanh thu hơn hẳn so với các bộ phim bom tấn của Mỹ. Các bài hát của nghệ sĩ trẻ như Đen Vâu, Hoàng Thùy Linh…. gây tiếng vang thông qua khai thác vẻ đẹp truyền thống. Sự bùng nổ của các không gian sáng tạo, sự kiện văn hóa nghệ thuật…, nổi bật nhất phải kể đến du lịch văn hóa. Nhiều địa phương đã đưa giá trị văn hóa truyền thống vào sản phẩm du lịch, tạo nguồn thu lớn cho địa phương.
Tại Việt Nam, có 12 lĩnh vực được coi là ngành công nghiệp văn hóa, trong đó có 5 lĩnh vực trọng tâm là quảng cáo, nghệ thuật biểu diễn, điện ảnh, mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm, du lịch văn hóa. Có thể nói chúng ta mới chập chững những bước đi đầu tiên và thành công lớn nhất là sự chuyển biến trong nhận thức rằng văn hóa có thể trở thành một loại hàng hóa đặc biệt. Không chỉ lãnh đạo cơ quan Nhà nước mà những người dân bình thường cũng đã thay đổi. Ngoài các thành phố lớn như Hà Nội, Hồ Chí Minh, một số địa phương như Đồng Tháp, Quảng Ninh, Quãng Nam, Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế, Lâm Đồng… đã tạo ra các sản phẩm văn hóa đặc trưng, bước đầu hình thành nét chấm phá của công nghiệp văn hóa.
Hiện nay, doanh thu của các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp khoảng 3% GDP. Mục tiêu tới năm 2030 sẽ nâng lên 7% GDP. Chia sẻ về điều này, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng cho biết: "Nhìn tổng thể, chúng ta vẫn chưa đạt kỳ vọng. Vì vậy, Bộ VHTTDL đã sớm tổng kết chiến lược này để trình Chính phủ ban hành Chiến lược mới, với mục tiêu là tiếp tục thực hiện chiến lược công nghiệp văn hóa. Theo đó, chúng ta phải nhanh chóng cụ thể hóa Nghị quyết của Hội nghị Trung ương VI về công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Trong đó, đặt công nghiệp văn hóa là một trong những điểm nhấn để phát triển công nghiệp hóa, hiện đại hóa theo hướng bền vững".
Năm 2013, chính phủ Hàn Quốc chính thức vào cuộc xây dựng công nghiệp văn hóa. 8 năm sau, làn sóng Hanllyu đã lan rộng toàn cầu. Cũng trong năm này, chính phủ Nhật Bản thành lập quỹ Cool Japan gồm 500 triệu USD nhằm xuất khẩu văn hóa. Đến nay, nhiều từ tiếng Nhật đã trở thành ngôn ngữ quốc tế.
Tại Việt Nam, thông qua chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa vào năm 2016. Nhìn lại chặng đường hơn 5 năm qua, bức tranh công nghiệp văn hóa Việt Nam mới chỉ có vài điểm sáng. Đó là điều phải suy nghĩ, trăn trở trong cuộc đua sức mạnh mềm với thế giới.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!