Cuốn sách Bảo Ninh - những truyện ngắn này dường như cũng là cách để tác giả “giữ chân” độc giả của mình. Và độc giả đã được níu giữ ở từng trang sách, bởi sự quan sát tinh tế và văn chương khoáng hoạt.
36 truyện ngắn được chọn in trong tuyển tập gần 600 trang được tác giả viết ở nhiều thời điểm, trải dài từ những năm 1980-1990 của thế kỷ trước vắt sang đầu thế kỷ này. Bối cảnh truyện ngắn của Bảo Ninh trải rộng nhưng hai mảng đậm đặc nhất, dễ nhận thấy nhất là những câu chuyện chiến tranh và Hà Nội.
Dù viết về chiến tranh, về hậu chiến hay viết về Hà Nội với rất nhiều suy nghiệm trong Thách đấu, Bội phản, Hà Nội lúc không giờ, Lan man trong lúc kẹt xe..., thì thân phận con người với những mối quan hệ tình cảm phức tạp chính là điều tác giả muốn nhắm tới. Ðiều ấy cũng trùng khít với quan niệm văn chương của Bảo Ninh: “Nghề văn là nghề chuyên nghiệp về sự ngẫm nghĩ. Nhà văn tự xem mình là kẻ có khả năng, có trách nhiệm và có ham thú đúc kết nhân tình thế thái đặng tìm ra cho bản thân mình và bạn đọc của mình những giá trị, những ý nghĩa vừa cố định vừa đổi thay không ngừng của đời sống con người, một đời sống tuy ngắn ngủi và khá là ảm đạm, nhiều buồn đau và bất hạnh, song lại cũng hàm chứa vô cùng tận những lẽ đời đáng sống, những giá trị cao quý, những vẻ đẹp tuyệt vời, hạnh phúc và niềm vui”.