Dân ca dân vũ là loại hình di sản văn hóa phi vật thể, gửi gắm tâm tư tình cảm, đời sống văn hóa tinh thần của các dân tộc. Những năm gần đây, nhiều loại hình dân ca dân vũ đang đứng trước nguy cơ mai một. Vì vậy, bảo tồn và phát huy giá trị dân ca dân vũ nói riêng, văn hóa đồng bào nói chung có ý nghĩa quan trọng, góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa Việt Nam.
"Văn hóa phải luôn được bồi đắp, sáng tạo. Vì thế, chúng ta hãy tìm các phương thức để khuyến khích sự sáng tạo trong cộng đồng. Chúng ta phải nhìn điều đó trong sự vận đồng, sự phù hợp với đời sống đương đại, chắt lọc giá trị cốt lõi và thổi vào nó những hơi thở mới. Có như vậy, văn hóa mới luôn luôn là dòng chảy không đứng yên, được sáng tạo và tạo giá trị mới. Thế hệ sau sẽ tiếp tục bồi đắp để tạo nên nấc thang mới cho văn hóa Việt Nam", TS Lê Thị Minh Lý – Phó Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa Việt Nam chia sẻ.
Văn kiện Đại hội Đảng XIII nhấn mạnh khắc phục sự chênh lệch về trình độ phát triển và đời sống văn hóa giữa các vùng miền, các giai tầng xã hội, đặc biệt quan tâm tới vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào các dân tộc thiểu số. Quan tâm, tạo điều kiện phát triển văn hóa, văn nghệ của các dân tộc thiểu số, bởi trong thời đại hội nhập toàn cầu, bản sắc văn hóa dân tộc chính là tấm thẻ căn cước, là mã định danh để nhìn vào đó, người ta có thể dễ dàng nhận ra đó là dân tộc nào. Nhiều năm qua, công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa các dân tộc luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm, qua đó góp phần giáo dục truyền thống yêu nước.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!