Trong nhiều khó khăn của đời sống sân khấu đương đại, thiếu kịch bản hay vẫn luôn là vấn đề được nói tới nhiều nhất. Bởi có bột mới gột nên hồ, không có kịch bản hay thì dù diễn viên giỏi cũng không thành công được. Việc thiếu kịch bản tốt khiến các nhà hát phải diễn đi diễn lại kịch bản cũ, có khi kịch bản từ 5 năm, 10 năm hay 20 năm trước dẫn tới sự thiếu tươi mới hấp dẫn. Điều đáng nói là kịch bản nước ngoài đang có xu hướng chiếm ưu thế, nhất là tại các đơn vị nghệ thuật xã hội hóa ở thành phố Hồ Chí Minh thời gian qua.
"Văn học nghệ thuật là một bộ phận tinh tế của văn hóa. Nếu quá nhiều văn học nghệ thuật của nước ngoài, tràn ngập tới 70 – 80% thì góc nghĩa rằng khán giả chỉ biết truyền thống, lịch sử của nước ngoài thôi. Nếu không có đội ngũ tác giả kịch bản hay thì sẽ không có bàn tay đạo diễn phù thủy nào để làm cho nó hay được. Vấn đề đào tạo vẫn là vấn đề sống còn", NSND Lê Tiến Thọ - Nguyên Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chia sẻ.
Vào những năm 80 của thế kỷ trước, Việt Nam từng có thời kỳ hoàng kim của sân khấu với những tên tuổi tác giả nổi tiếng như Lưu Quang Vũ, Trần Đình Ngôn… Giờ đây, các kỳ liên hoan vẫn đều, các huy chương còn nhiều hơn trước nhưng thiếu vắng khán giả. Nguyên nhân là bởi thiếu vắng tác phẩm chạm tới vấn đề nóng bỏng, cấp bách, được xã hội quan tâm.
Nơi đào tạo các tác giả kịch bản sân khấu chủ chốt là Đại học Sân khấu – Điện ảnh. Nhiều năm qua, đơn vị này hầu như không tuyển sinh được lĩnh vực này. Các trại sáng tác được tổ chức hàng năm bởi các hội nghề nghiệp chưa đủ để quy tụ và chấp cánh tài năng. Nguyên nhân sâu xa nhất là đầu ra của nghề biên kịch còn rất bấp bênh, không có sức hút giữ chân người tài. Bên cạnh đó, nhiều chuyên gia cho rằng lãnh đạo các nhà hát, đoàn nghệ thuật thiếu "con mắt xanh" để phát hiện, thiếu bản lĩnh để dám chọn, dám dựng các kịch bản khó, gai góc, không hẳn là không có kịch bản chất lượng.
"Tiền không có để duy trì cuộc sống, năm cọc ba đồng không đủ sống thì nghề viết kịch bỗng nhiên trở thành nghề nghiệt ngã quá. Bố mẹ không cho trẻ con thi vào trường, tác giả trẻ dù đam mê nhưng thấy khó khăn quá, viết nhưng bao giờ mới được dựng, được diễn, họ chuyển sang làm sự kiện, sản xuất hay việc gì khác", đạo diễn Lê Quý Dương – Chủ tịch Ủy ban Festival và Hợp tác quốc tế, Hiệp hội Sân khấu thế giới cho hay.
Những năm 80 của thế kỷ trước, đời sống nghệ sĩ còn khó khăn hơn nhưng sân khấu vẫn sinh ra cả một kho táng tác phẩm có sức sống vượt thời gian. Hiện nay, đất nước đang phát triển mạnh mẽ, với bao bồn bề trong văn hóa, đạo đức, lối sống thì ánh đèn sân khấu lại chỉ sáng bằng ánh sáng của quá khứ, hoặc bằng sắc màu của nền văn hóa khác, dân tộc khác. Đó là điều rất đáng trăn trở với cả cơ quan quản lý và những người làm nghề,
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!