Người giữ hồn bản sắc văn hóa dân tộc Chăm

Trần Hùng - Khánh Vĩnh-Thứ tư, ngày 05/01/2022 09:53 GMT+7

VTV.vn - Âm thanh của các nhạc cụ dân tộc truyền thống của người Chăm vẫn vang mãi và được lưu giữ tại vùng đất đầy nắng và gió Bình Thuận.

Với mong muốn gìn giữ các giá trị âm nhạc truyền thống của dân tộc, nhiều năm qua, nghệ nhân ưu tú Thổ Đồng - người dân tộc Chăm, sinh sống tại xã Phan Thanh, huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận luôn nỗ lực "truyền lửa" đam mê cho những người trẻ thông qua việc sáng tạo, giữ gìn những nhạc cụ truyền thống của dân tộc.

Trong căn nhà tại thôn Châu Hanh, xã Phan Thanh, huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận, với đa dạng các loại nhạc cụ dân tộc, nghệ nhân ưu tú Thổ Đồng đang say sưa chế tác, cảm nhận từng âm sắc trong veo của các nhạc cụ trống, đàn, kèn.

Người giữ hồn bản sắc văn hóa dân tộc Chăm - Ảnh 1.

Nghệ nhân ưu tú Thổ Đồng chơi trống Paranưng

Trên tay ông đang cầm cây đàn Rabap - loại đàn mà ông yêu thích và say mê nhất. Vừa chơi đàn ông vừa kể, ngay từ khi còn nhỏ, ông đã được làm quen với các nhạc cụ truyền thống của người Chăm tại Bình Thuận. Rồi chẳng biết từ bao giờ, tình yêu với nhạc cụ dân tộc, với âm nhạc cứ lớn dần lên trong anh theo thời gian.

Hằng ngày, ngoài công việc chính là làm ruộng, rẫy, ông còn dành thời gian cho việc chế tác nhạc cụ, lưu giữ những giá trị văn hóa của đồng bào mình. Không chỉ bảo tồn trống Paranưng, kèn Saranai, ông còn mày mò chế tác và sử dụng thành thạo nhiều loại nhạc cụ truyền thống như đàn Rabap, Kanhi...

Người giữ hồn bản sắc văn hóa dân tộc Chăm - Ảnh 2.

Nghệ nhân ưu tú Thổ Đồng thể hiện đàn Rabap

Nhờ năng khiếu âm nhạc cùng đôi bàn tay khéo léo, ông còn tự mày mò, sáng chế ra nhiều loại nhạc cụ khác nhau. Mỗi loại nhạc cụ lại mang một màu sắc riêng, đậm dấu ấn của người nghệ nhân ưu tú.

Nghệ nhân Thổ Đồng cho biết, đàn Rabap là loại đàn được làm từ các vật liệu đơn giản như thanh tre, gỗ, dây cước…vvv song đòi hỏi khả năng kết hợp khéo léo của người chế tác. Đàn Rabap không dễ chơi, vì phải sử dụng 2 tay như đàn cò.

"Với trống Paranưng, đòi hỏi kỹ thuật cao hơn. Để làm được trống Paranưng, người làm phải biết cảm âm và khéo tay, tương tự như một người biết chỉnh cồng chiêng. Thời gian để hoàn thành bộ trống Paranưng là hơn 3 tháng." - nghệ nhân Thổ Đồng chia sẻ.

Người giữ hồn bản sắc văn hóa dân tộc Chăm - Ảnh 3.

Nghệ nhân ưu tú Thổ Đồng

Trên thực tế, các nhạc cụ của đồng bào Dân tộc thiểu số ở Việt Nam đang ngày càng bị mai một, trong khi những người biết chế tác và sử dụng các nhạc cụ này thì còn lại rất ít.

Với mong muốn gìn giữ và lan tỏa niềm say mê, sáng tạo văn hóa dân gian đến thế hệ trẻ, thời gian qua, ông đã truyền đạt kỹ năng thể hiện trống, đàn, kèn cho thế hệ trẻ trong làng, cũng như các diễn viên của Nhà hát Ca múa nhạc Biển xanh. Bên cạnh đó ông đã thường xuyên làm những nhạc cụ như trống Paranưng, đàn Rabap, Kanhi cho các tỉnh Tuyên Quang, Hà Nội…, khi có yêu cầu.

Người làng rất yêu mến và ủng hộ nghệ nhân ưu tú Thổ Đồng. Nhờ có ngọn lửa đam mê với âm nhạc truyền thống trong ông luôn bùng cháy mà những âm thanh của trống Paranưng, đàn Rabap, Kanhi, kèn Saranai… vẫn vang mãi và được lưu giữ tại vùng đất đầy nắng và gió Bình Thuận.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước