Bảo tồn văn hóa truyền thống: Học được gì từ Nhật Bản?

VTV News-Thứ tư, ngày 12/06/2013 15:54 GMT+7

Ông Inami Kazumi (Ảnh: Gia đình)

 Nước Nhật đứng thứ 3 thế giới về phát triển kinh tế và là một trong 10 dân tộc bảo tồn được một cách nguyên vẹn những phong tục tập quán, những giá trị văn hóa lịch sử lâu đời. Vậy, qua câu chuyện của nước Nhật, chúng ta có thể học hỏi được từ họ điều gì?

Trong chương trình Văn hóa, Sự kiện & Nhân vật thứ 2 trong tháng 6, khán giả được gặp gỡ với ông Inami Kazumi - Giám đốc Trung tâm giao lưu văn hóa Nhật Bản tại Việt Nam. Đây có thể nói là một cuộc trò chuyện thú vị mà thông qua đó, giúp chúng ta biết nhiều hơn về nước Nhật và cũng là cơ hội để chúng ta nhìn lại chính mình, đặc biệt là trong câu chuyện về bảo tồn những văn hóa truyền thống. Vì giao lưu văn hóa, học hỏi văn hóa và cách quản lý văn hóa của những nước khác cũng là cách chúng ta hoàn thành quá trình phát triển văn hóa tốt hơn và có được một nền nghệ thuật vững mạnh hơn.

Ông Inami Kazumi chia sẻ trong Văn hóa, Sự kiện & Nhân vật: “Nhật Bản đứng thứ 3 thế giới về kinh tế nhưng cũng là nước bảo tồn được nền văn hóa truyền thống dù cho kinh tế phát triển. Về mối quan hệ này tôi nghĩ không phải cứ phát triển kinh tế là con người quên đi việc phát triển văn hóa, quên đi truyền thống”.

‘ Nghệ thuật Hương đạo Nhật Bản - một loại hình văn hóa nghệ thuật đặc sắc của đất nước hoa anh đào được Trung tâm Giao lưu Văn hoá Nhật Bản tại Hà Nội tổ chức (Ảnh: Trịnh Văn Bộ)


“Có rất nhiều người trẻ nghĩ rằng phát triển kinh tế chính là cơ hội để nhìn nhận lại văn hóa của đất nước mình. Tại Nhật Bản, chúng tôi có chính sách Kho báu quốc gia để bảo tồn và phát triển văn hóa trong nước”.

Vậy chính sách Kho báu quốc gia của nước Nhật là như thế nào?

“Kho báu quốc gia là từ Chính phủ Nhật Bản dùng để chỉ những người có tay nghề, có trình độ về Văn hóa nghệ thuật” – ông Kazumi nói- “Cả Chính phủ lẫn những công ty, doanh nghiệp có quỹ tài trợ cho văn hóa nghệ thuật của riêng mình và đều có hoạt động hỗ trợ cho những chính sách này và mục đích hỗ trợ ở đây là để thúc đẩy cho văn hóa nghệ thuật. Phần lớn những hoạt động được tài trợ là những chương trình biểu diễn hay các buổi hòa nhạc. Tuy nhiên, cũng có những tài trợ mang tính dài hơi hơn, ví dụ như hỗ trợ cho một đoàn kịch chẳng hạn”.

Ông Kazumi giải thích cụ thể hơn: “Trên thế giới, mỗi nước có cách tài trợ cho văn hóa khác nhau, ví dụ như ở châu Âu thì Chính phủ tài trợ cho những hoạt động văn hóa. Nhưng ngược lại, ở Mỹ, Chính phủ không hề hỗ trợ cho những hoạt động này mà là các quỹ, các công ty, doanh nghiệp quốc doanh lẫn ngoài quốc doanh lại chuyên hỗ trợ những hoạt động văn hóa. Nhật Bản nằm ở giữa, cả Chính phủ lẫn các doanh nghiệp đều cùng hỗ trợ. Trong đó, hỗ trợ chính về kỹ thuật lẫn các hoạt động nghệ thuật và cả những hoạt động tình nguyện”.

“Tài trợ của Chính phủ và doanh nghiệp là biệt lập với nhau. Chính phủ tài trợ với mục đích bảo tồn và phát triển hơn, ngược lại, doanh nghiệp lại tự mình chọn những hoạt động mình muốn tài trợ, thông qua đó quảng bá cho tên tuổi của đơn vị mình. Nói cách khác đó là cách thực hiện truyền thông của họ”.

Để biết và hiểu nhiều hơn về cách Chính phủ Nhật và những doanh nghiệp của đất nước này hỗ trợ và bảo tồn văn hóa nghệ thuật truyền thống của họ như thế nào, hãy cùng theo dõi clip cuộc nói chuyện của ông Inami Kazumi tại Văn hóa, Sự kiện & Nhân vật dưới đây.

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước