Bất cập trong phát triển văn hóa: Khó khăn vì thiếu nguồn lực và rào cản cơ chế

Ban Thời sự-Thứ sáu, ngày 09/12/2022 12:44 GMT+7

VTV.vn - Vừa là trụ cột vừa là nền tảng tinh thần của xã hội nhưng quá trình phát triển các lĩnh vực văn hóa hiện nay còn gặp nhiều bất cập, trong cả kinh phí và cơ chế.

Văn hóa vừa là trụ cột vừa là nền tảng tinh thần của xã hội. Đó là quan điểm xuyên suốt của Đảng ngay từ những ngày đầu thành lập nước. Tuy nhiên, có một thời gian dài quan điểm đó chưa thực sự được hiện thực hóa thành các chủ trương, chính sách cụ thể, dẫn đến tình trạng đầu tư cho văn hóa còn thấp, chưa được coi trọng. Từ Đại hội XIII của Đảng, với yêu cầu chấn hưng văn hóa, vấn đề đầu tư xứng tầm cho lĩnh vực này được đặt ra cấp thiết hơn bao giờ hết. Chương trình Góc nhìn văn hóa phát sóng ngày 9/12 đã phân tích những bất cập nằm ngay trong quy định của pháp luật liên quan đến đầu tư cho văn hóa.

Khó khăn vì thiếu nguồn lực

Theo quy định hiện tại, nếu doanh nghiệp tài trợ cho y tế, giáo dục thì khoản tài trợ đó không bị tính thuế thu nhập doanh nghiệp, còn với văn hóa lại hoàn toàn không có ưu đãi này. Các bộ môn nghệ thuật truyền thống hiện gặp muôn vàn khó khăn. Nếu nhận được các nguồn tại trợ từ doanh nghiệp, các nghệ sĩ sẽ có thêm chút thu nhập để gắn bó với nghề, nhưng hiện tại vẫn chỉ là ước mơ.

Bất cập trong phát triển văn hóa: Khó khăn vì thiếu nguồn lực và rào cản cơ chế - Ảnh 1.

Trong những năm qua, hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm được chi tài trợ nghiên cứu khoa học, khắc phục hậu quả thiên tai hay làm nhà đại đoàn kết, nhà tình nghĩa. Chi phí ấy được miễn thuế là hợp lý. Nhưng nếu đặt văn hóa ngang hàng với chính trị, kinh tế, xã hội thì một câu hỏi đặt ra là tại sao những khoản hỗ trợ cho các nhà hát tuồng, chèo, cải lương hay hàng vạn di sản lại không được ưu tiên như vậy? Trong khi ngân sách Nhà nước cho văn hóa vẫn còn rất hạn hẹp.

Trong lĩnh vực tu bổ di tích, giai đoạn 2011 – 2015, Chính phủ hỗ trợ các địa phương 1.400 tỷ đồng nhưng sau đó Chương trình mục tiêu về văn hóa chấm dứt. Tới giai đoạn 2016 – 2018, ngân sách hỗ trợ đã giảm tới hơn 10 lần, chỉ còn 120 tỷ đồng. Hiện tại, mức độ chi cho các lĩnh vực văn hóa, thể thao và du dịch đạt 1,72%. Tỷ lệ này thấp hơn mức 1,8% mà Nghị quyết Đại hội Đảng đã đặt ra cho năm 2010. Điều đó có nghĩa chúng ta chưa đạt được mục tiêu đề ra cho 12 năm trước.

Ở kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021 – 2025, nguồn kinh phí cho văn hóa thông tin chỉ chiếm 1,12% ngân sách trung ương. Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, đây là tỷ lệ thấp không đảm bảo để phát triển.

Rào cản cơ chế

Trên thực tế, trong những năm qua, phong trào con em đóng góp xây dựng đền, chùa, công trình tâm linh dòng họ ngày càng lớn, lên tới hàng nghìn tỷ đồng. Nhưng văn hóa không chỉ có di tích, còn có nghệ thuật truyền thống, nghề truyền thống hay thiết chế như bảo tàng, thư viện… Những lĩnh vực này hầu như không được doanh nghiệp đầu tư vì thiếu cơ chế khuyến khích hấp dẫn và không đảm bảo được quyền lợi của nhà đầu tư.

"Đầu tư công tư đối với ngành khác rất nhiều, nhưng đối với di sản văn hóa là việc cực kỳ khó"- ông Nguyễn Thanh Quang, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long, Hà Nội chia sẻ - "Bởi vì bản thân các di tích muốn đầu tư thì đầu tiên phải đảm bảo tính chân xác chứ không phải cứ có tiền là thích làm thế nào thì làm. Đây là một trong những điều rất khó của di tích".

Tại Huế, UB Nhân dân tỉnh từng nhiều lần thông qua Nghị quyết giao cho một doanh nghiệp xây dựng bảo tàng văn hóa ẩm thực Việt Nam. Địa điểm đã chọn, thậm chí thiết kế bảo tàng đã xong. Nhưng trong 4- 5 năm qua, giấc mơ đành gác lại vì những quy định đấu giá đất đai khiến doanh nghiệp nản lòng.

"Doanh nghiệp khi đầu tư vào di sản thì phải được hưởng lợi như thế nào. Nhưng chúng ta chưa có luật, văn bản hay hệ thống chính sách nào đó hỗ trợ cho vấn đề này cả. Chúng ta cần phải có sự tháo gỡ về chính sách…", ông Phan Thanh Hải – Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Thừa Thiên – Huế cho biết.

Năm 2020, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công – tư PPP ra đời. Theo đó, có 5 lĩnh vực được áp dụng là giao thông, vận tải, điện, thủy lợi, y tế - giáo dục và hạ tầng công nghệ thông tin. Trong đó, nhà đầu tư được hưởng ưu đãi về thuế, sử dụng đất, tiền thuê đất và nhiều ưu đãi khác. Vì sao văn hóa không nằm trong danh sách những lĩnh vực được hưởng ưu tiên này?

"Có những bất cập và bỏ sót trong quá trình làm luật. Ở Nghị quyết số 33 thì nói văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội nhưng trong thực tiễn thấy không bao giờ được đặt ngang hàng. Có thể vẫn theo tư duy cứ hạ tầng cơ sở vật chất, đèn, đường, trường, trạm, giao thông thì được, còn văn hóa thì nghĩ rằng cờ đèn kèn trống, đàn ca sáo nhị là không cần thiết. Tư duy đó hoàn toàn sai. Bởi văn hóa nghệ thuật là nền tảng tư tưởng, tinh thần và là dịch vụ công mà Nhà nước phải đầu tư…", PGS.TS Từ Thị Loan – Nguyên Viện trưởng Viện Văn hóa và phát triển cho hay.

Đại hội Đảng lần thứ XIII và sau đó là Hội nghị Văn hóa toàn quốc đã khẳng định phải có giải pháp để văn hóa thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ tổ quốc. Để làm được điều đó, cần tháo gỡ rào cản chính sách để thu hút nguồn lực xã hội vào phát triển văn hóa, bắt đầu từ Luật Đầu tư, Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp… Bên cạnh đó, các chuyên gia cho rằng cần khởi động lại chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa như nhiều năm trước đây nhằm chấn hưng văn hóa trong thời gian tới.

Công nghiệp văn hóa - Đòn bẩy để phát triển kinh tế Công nghiệp văn hóa - Đòn bẩy để phát triển kinh tế

VTV.vn - Phát triển du lịch gắn với công nghiệp văn hóa, góp phần vào việc thực hiện định hướng phát triển đất nước trong giai đoạn 2021 – 2030.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước