Có một thực tế là trước đây, thể loại phim kinh dị không được đầu tư quá nhiều kinh phí nhưng vẫn có thể tạo nên cảm giác sợ hãi cho người xem. Điều tạo nên hiệu ứng kinh hoàng nhất chính là sự chân thật trong từng thước phim, mang tới cho khán giả cảm giác nghẹt thở và lo sợ cho chính những nhân vật xuất hiện trong đó.
Sự đối ngược giữa âm thanh và sự yên lặng
(Ảnh: Paramount Pictures)
Với những sản phẩm điện ảnh như A Quiet Place (Vùng đất câm lặng), điều quan trọng nhất chính là âm thanh. Trong các cảnh phim, tiếng động “rợn tóc gáy” là điều dễ dàng hù dọa khán giả trong một không gian tĩnh lặng. Với sự kết hợp của âm thanh và sự im lặng, đạo diễn John Krarinski có thể khiến bầu không khí trở nên căng thẳng một cách tự nhiên. Tuy nhiên, trên thực tế, những âm thanh kẽo kẹt này lại được tạo ra từ việc bóp vụn rau bắp cải và cần tây.
Một số bộ phim khác sử dụng chân cua để ghi lại tiếng bước chân lạo xạo của quái vật. Ở công đoạn hậu kỳ, các nhân viên kỹ thuật sẽ làm chậm những âm thanh này để khán giả có thể nghe rõ từng tiếng lách cách, tạo nên âm thanh kỳ dị vang lên giữa sự im lặng đầy nguy hiểm.
Diễn viên đóng thế cho những cảnh phim vô thực
(Ảnh: Universal Pictures)
The Invisible Man (Kẻ vô hình) từng là nỗi ám ảnh với khán giả tại các rạp phim vào năm 2020. Khi đột nhập phim trường, người ta nhận ra rằng những thứ đáng sợ nhất thực ra lại được tạo nên bởi một diễn viên đóng thế mặc bộ đồ màu xanh lá cây. Những diễn viên đóng thế này vô cùng quan trọng cho những cảnh quay vật thể bay. Ví dụ như khi nhân vật của Elizabeth Moss bị thế lực vô hình ném vào không trung, diễn viên đóng thế mặc đồ xanh sẽ bế thẳng nữ diễn viên và ném lên bàn. Những cảnh có chứa người này sau đó sẽ bị xóa bỏ ở công đoạn hậu kỳ.
Trong khi đó, với một cảnh quay khi nam diễn viên Aldis Hodge phải chiến đấu với kẻ phản diện, thực chất anh đã tự đánh nhau với… chính mình. Đối với một vài khoảnh khắc mang tính hành động hơn, một camera điều khiển chuyển động sẽ có mặt để theo dõi chuyển động của “quái vật” vô hình này.
Sử dụng công nghệ CGI cho những hình tượng
(Ảnh: Universal Pictures)
CGI (công nghệ mô phỏng hình ảnh bằng máy tính) đóng vai trò vô cùng quan trọng trong thể loại phim kinh dị. Đối với bộ phim Crawl, đoàn làm phim đã xây dựng bối cảnh riêng ngập chìm trong nước, sử dụng CGI để tạo nên những con cá sấu ăn thịt người. Trong khi khán giả khiếp sợ với những con cá sấu hung dữ trên màn ảnh thì thực chất chúng là sản phẩm của công nghệ mà thôi.
Trong khi đó, phiên bản làm lại Chucky của bộ phim kinh điển năm 1988 sử dụng công nghệ hoạt hình cổ điển để mang búp bê ma ám trở lại màn ảnh rộng. Mặc dù phần lớn cấu trúc là thật nhưng một số bộ phận được thể hiện thông qua CGI, chẳng hạn như sự chuyển động của mắt. Một số chuyển động từ bàn tay cũng được chỉnh sửa để khiến búp bê di chuyển chân thật nhất có thể.
Đạo diễn Jordan Peele trên phim trường bộ phim "Us". (Ảnh: Universal Pictures)
Us của đạo diễn Jordan Peele cho thấy sự khiếp sợ của những người song trùng. Để làm được hiệu ứng hình ảnh chân thật này, studio hiệu ứng huyền thoại của Hollywood Light & Magic đã thực hiện việc “thay thế khuôn mặt”. Điều này tức là họ sẽ sử dụng công nghệ để chọn lọc, hoán đổi và kết hợp từng phần khuôn mặt của diễn viên với người đóng thế để tạo ra một bản thể khác, vừa có sự tương đồng mà vẫn mang lại cảm giác xa lạ cho người xem. Công việc này cũng là một thách thức với dàn diễn viên bởi họ phải thực hiện lặp lại cảnh quay với tương tác, cử chỉ giống nhau.
Studio hiệu ứng đặc biệt Speactral Motion cũng tạo ra một số bộ trang phục và lớp trang điểm quái vật vô cùng kinh dị. Thay vì sử dụng con rối như trước đây, họ sử dụng diễn viên thật để miêu tả lại hình ảnh của một con quái vật. Những nghệ sĩ thể hiện quái vật nổi tiếng nhất là Javier Botet, nghệ sĩ uốn dẻo Troy James.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!