Con nhà tông
Khi chào đời ở viện 108 (ngày 11/10/1975), họ hàng, người thân đều bảo Vân Dung giống mẹ, nhất là những nét thanh mảnh của một nghệ sĩ múa. Cả hai chị em Vân Dung đều được thừa hưởng cái gene nghệ sĩ của cả bố và mẹ. Những ký ức một thời đói nghèo của gia đình đã hun đúc một tính cách mạnh mẽ và quyết đoán của Vân Dung. Năm lên 10 tuổi, Vân Dung đã phải đảm đương “việc nước”cho gia đình.
Nghệ sĩ Vân Dung trong cuộc đi bộ tại sân vận động Mỹ Đình (5/6/2016)
Ngày nào cũng tong tả đôi thùng nước trên vai, Vân Dung thậm chí có ngày phải gánh tới 20 lượt mới đầy “phuy” nước. Gắng thế mà không thấy nhọc nhằn, bé Vân Dung lúc nào cũng nhoẻn cười chào mọi người. Niềm vui hồn nhiên ấy như đôi cánh bay từ những điệu múa của mẹ. Chúng luôn luôn ám ảnh và tạo nên mầm sống tươi sáng của tuổi thơ Vân Dung. Những mạch ngầm nghệ thuật thấm dần vào tâm hồn và trở thành một nhịp điệu trẻ trung sôi nổi trong đường nét sân khấu đầy ngẫu hứng của Vân Dung về sau này.
Hai mươi năm cười mệt nghỉ
Bất cứ ai cũng phải cười ngả nghiêng mỗi khi Vân Dung xuất hiện trên sân khấu. Bất ngờ từ mỗi hành động, mỗi lời nói với tông giọng “cao hết cỡ” của Vân Dung. Mỗi đêm thăng hoa một kiểu, hệt như lên đồng. Có những đêm của kịch mục “Đời cười”, nếu thiếu Vân Dung, có cảm giác như bữa ăn thiếu chua, thiếu cay vậy. Nói thế có quá không!? Đó chính là một câu chuyện dài cho sự lý giải về hiện tượng Vân Dung của một thập kỷ sân khấu.
Dường như Vân Dung là một học sinh không có gì nổi bật trong niên khóa 1990-1994 của Nhà hát Tuổi trẻ. Chính cô cũng tự nhận mình luôn bị hạnh kiểm trung bình vì hay đi muộn về sớm, hoặc chưa có vai nào đáng kể được đạo diễn chú ý tới. Từ ngày tốt nghiệp rồi trở thành diễn viên kịch chỉ toàn đóng vai phụ, Vân Dung đã không ít lần phân vân chuyện đi hay ở. Nhưng có lẽ nẻo đường đến với “Đời cười’ như một bước ngoặt kỳ lạ.
Trong dàn diễn viên trẻ, Vân Dung bất ngờ như một ánh sáng lạ, làm lay động sân khấu Nhà hát Tuổi trẻ. Cái duyên hài như được chắp cánh mỗi khi Vân Dung xuất hiện trên sân khấu. Phải nói từ năm 1998, khán giả bắt đầu nhớ đến cô diễn viên mình hạc, với giọng nói lóe xóe. Không phải ai cũng có duyên hài, hồn nhiên đến như vậy. Đó là nét duyên trời cho Vân Dung với màu dị biệt trên sân khấu.
Vân Dung là gương mặt quen thuộc của chương trình Gặp nhau cuối năm.
Dáng vóc gày nhom, nhưng chị đã tìm cho mình một cách diễn phù hợp, cùng với ngữ điệu của giọng nói, gây yếu tố bất ngờ. Khán giả coi chị là thần tượng, một danh hài đã 15 năm qua, với sự yêu mến chân tình. Họ còn réo tên chị, đúng như những gì mà từng thấy chị hóa thân vào nhân vật trên sân khấu, nào là “điêu hết chỗ nói”, hoặc “cái miệng như sô cô la mút dở”. Lại nữa rằng, người thì như “màn hình siêu phẳng”… nghĩa là gày hết chỗ nói.
Nhưng chính Vân Dung phải công nhận, đó cũng là sự hài hước thể hiện tình yêu của khán giả đối với mình. Phải chăng đó là phần thưởng cao quý cho Vân Dung sau bao nhiêu năm phấn đấu và tìm ra được con đường của mình.
Nốt ruồi định mệnh
Cho dù mới đây Vân Dung đã được phân một vai chính trong vở kịch cổ điển Quan thanh tra, nhưng chưa đáng nói. Kể cả có thời đóng một vai khá dài trong bộ phim truyền hình Những người độc thân vui vẻ, khán giả vẫn nhận ra nét hoạt kê từ dáng đi đến ngữ điệu âm sắc.
Không chói lói, chót vót nhưng lại điệu đà đến phì cười. Nghĩa là chỉ có một Vân Dung hài hước, điên điên trong diễn xuất. Đó là duyên phận trời ban. Có người còn trêu Vân Dung về cái nốt ruồi định mệnh chấm trên khóe miệng chính là điểm son, tạo nên thương hiệu “điêu” mà chẳng ai có được. Vân Dung nghe và chỉ nhoẻn cười. Vân Dung từng tâm sự, mỗi lần lên sân khấu như bay lên mây, thấy mọi người hạnh phúc và cười thật nhiều là sung sướng nhất cuộc đời. Vân Dung là như thế đó, một nghệ sĩ không chỉ dựa vào duyên phận trời cho mà đã bền bỉ sáng tạo từ mỗi bước đi, khi bước lên sân khấu.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!