Trong Mưa trên cánh bướm, từ những câu chuyện nhỏ bé nhưng sâu sắc, Dương Diệu Linh đã chinh phục khán giả bằng khả năng dẫn dắt cảm xúc, đồng thời khai thác vẻ đẹp và sự phức tạp của tâm hồn con người qua từng thước phim.
Mưa trên cánh bướm là tác phẩm điện ảnh đầu tay của bạn sau những phim ngắn, vậy với tác phẩm này, bạn đã đầu tư tâm huyết như thế nào?
Mất gần 5 năm (2019 - 2024) từ lúc “thai nghén” cho đến khi Mưa trên cánh bướm ra mắt khán giả. Tôi mất khoảng hai năm để phát triển nội dung phim từ một tờ đề cương dài một trang cho tới khi nó là một kịch bản hoàn chỉnh, thông qua các trại sáng tác như Less Is More (LIM), Full Circle Lab, Attagirl. Sau đó là một năm cùng nhà sản xuất đưa phim đi tham dự các “chợ dự án” như: Hongkong Asian Film Financing Forum, Udine Far East Focus Asia, Berlinale Talent Project Market, Locarno Open Doors Hub. Chúng tôi tốn thêm hơn một năm để kêu gọi vốn và khởi quay đầu tháng 9/2023. Đúng một năm sau đó, bộ phim ra mắt tại LHP Venice năm 2024.
Để so sánh với những bộ phim ngắn trước đó thì Mưa trên cánh bướm yêu cầu sự tập trung cao độ trong một thời gian dài, cùng với sự đầu tư về thời gian và công sức khá gắt gao, song song với áp lực về vốn đầu tư và trách nhiệm đối với các quỹ điện ảnh uy tín đã hỗ trợ bộ phim. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, cả tôi lẫn ekip đều cho là công sức đã bỏ ra thực sự xứng đáng.
Từ ý tưởng đến quá trình thực hiện bộ phim, bạn có gặp khó khăn gì không?
Tôi đã được cả ekip hỗ trợ về mặt tinh thần rất nhiều, từ những ngày đầu phát triển ý tưởng, cho đến tận bây giờ khi phim chuẩn bị phát hành thương mại ở Việt Nam. Vậy nên, để nhớ về khó khăn thì… thật sự hơi khó, tôi chỉ nhớ là mỗi lần có vấn đề gì phát sinh thì đều được cả đội cùng nhau tìm giải pháp nhanh chóng. Khó khăn duy nhất của tôi có lẽ là vượt qua chính mình, để có thể kiên trì viết đi viết lại đề cương và kịch bản phim trong suốt năm năm liền, đồng thời tìm cách kết nối và trao đổi với những cộng sự một cách hiệu quả, để khi bắt tay vào làm phim thì tất cả chúng tôi đều có thể cùng nhìn về một hướng. Với một cái đầu liên tục nhảy số cùng hàng chục ý tưởng xẹt qua xẹt lại mỗi phút, thì cuộc chạy đường dài này là một thử thách tưởng chừng như bất khả thi, nhưng tôi rất tự hào là mình đã vượt qua được.
Bạn từng chia sẻ, bộ phim là nỗ lực để phá vỡ hình ảnh khuôn mẫu về những người phụ nữ buồn bã và bất lực. Điều gì đã làm bạn thay đổi cách nhìn nhận về thế giới quan của phụ nữ?
Có lẽ những đứa trẻ sinh ra vào khoảng đầu những năm 1990 như chúng tôi khá may mắn vì được chứng kiến sự chuyển mình mạnh mẽ của xã hội, cách những giá trị truyền thống dần bị lép vế trước sự xâm nhập của lối sống phương Tây, cách internet mở lối cho những chân trời kiến thức mới nhưng cũng dẫn đến sự rối loạn về các hệ giá trị. Người phụ nữ dường như được trao nhiều quyền lực hơn, được làm chủ cuộc đời mình, được cạnh tranh với đàn ông trên nhiều lĩnh vực. Vậy thì tại sao họ không có vẻ hạnh phúc hơn mà trái lại dường như đang phải gồng gánh quá nhiều gánh nặng và mâu thuẫn, cả ngoài xã hội lẫn trong chính gia đình của mình? Những người phụ nữ trong phim của tôi không phải là mẫu người cam chịu, để mặc cho số phận đưa đẩy. Tuy nhiên, họ vẫn bị rối trong một mớ bòng bong của những xung đột, định kiến giới và sang chấn liên thế hệ - hậu quả tất yếu của bối cảnh chuyển giao như tôi đã đề cập phía trên. Có thể cái nhìn của tôi vẫn còn chưa đầy đủ, nhưng những điều tôi cố gắng truyền tải trong phim đều xuất phát từ những quan sát hàng ngày và đúc kết của cá nhân tôi.
Thông điệp mà bạn muốn mang tới cho người xem thông qua bộ phim này là gì?
“Ai bắt mẹ phải khổ?” – đây là câu thoại trong phim và cũng là câu hỏi tôi hi vọng sẽ đồng hành trong tâm trí khán giả sau khi xem phim xong. Điều gì đứng đằng sau những nỗi khổ của một người trưởng thành trong xã hội hiện đại? Điều gì kìm hãm họ đến với tự do và hạnh phúc? Phải chăng chính những kỳ vọng và khuôn mẫu trong cuộc sống đã khiến chúng ta tự nhét bản thân vào trong những cái hộp, bận rộn lấp đầy chúng bằng những giá trị ảo do xã hội đặt ra, thay vì học cách đối thoại với bản thân và kết nối với nhau bằng những cảm xúc đơn thuần nhất của một con người?
Từ một bộ phim giành giải thưởng quốc tế để trở thành bộ phim đứng đầu phòng vé đôi khi còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Vậy bạn thích làm phim vì mục đích nào hơn, nghệ thuật hay thương mại?
Tôi muốn làm ra những tác phẩm có giá trị và ngôn ngữ điện ảnh, đồng thời có khả năng tiếp cận được với cảm xúc của khán giả. Tôi cũng muốn phá vỡ khuôn mẫu rằng phim đi dự LHP thì khó tiếp cận, khó “cảm”, khó xem. Một câu chuyện có thể chạm đến trái tim của người xem là một câu chuyện xứng đáng được kể. Tôi kể câu chuyện qua ngôn ngữ nghệ thuật của mình, một cách tỉ mẩn nhất trong khả năng của mình, thành thật với mình và không cố gắng uốn nắn nó theo “gu” của bất cứ ai. Tôi tin rằng sự chân thành trong cuộc sống cũng như nghệ thuật là thứ không thể làm giả được.
Bạn đã có ý tưởng gì cho những dự án tiếp theo chưa?
Hiện tại, tôi đang theo học thạc sĩ ngành Điện ảnh và Sáng tác văn học tại Canada. Năm 2025 hi vọng sẽ là một khoảng nghỉ ngơi để tôi có thể tập trung đọc, viết lách và trau dồi bản thân cho hành trình sáng tạo trong tương lai.
Xin cảm ơn bạn!
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!