Các nhà hát nghệ thuật tại Thủ đô đang háo hức đưa những nhân vật, câu chuyện từ sách giáo khoa lên sâu khấu. Đây là hoạt động nằm trong đề án "Giới thiệu và biểu diễn các vở diễn được chuyển thể từ các tác phẩm văn học nổi tiếng của Việt Nam và thế giới có trong chương trình giáo dục phổ thông tại các trường học của thành phố Hà Nội giai đoạn 2022 - 2030".
Các nhân vật trong Truyện Kiều bước lên sân khấu kịch, với những ngôn ngữ rất đời thường. Thắng Bờm và chuyện đổi nắm xôi dưới góc nhìn của nghệ thuật chèo.
Những nhân vật quen thuộc, từ sách giáo khoa bước lên sân khấu, thông qua ngôn ngữ nghệ thuật trở nên thật gần gũi và chân thực.
NSƯT Trung Hiếu chia sẻ: "Chúng tôi đang có đề án đưa những tác phẩm kinh điển, từ sách giáo khoa lên sân khấu, để các cháu học sinh cấp 1, 2, 3 được xem các nhân vật trong sách giáo khoa bằng xương bằng thịt".
NSƯT Thu Huyền bộc bạch: "Với nhiều loại hình khác nhau, có cả chèo, cải lương… sẽ giúp cho các khán giả trẻ, các bạn học sinh hiểu hơn về các loại hình nghệ thuật của nước nhà".
Từ ý tưởng của Nhà hát kịch Hà Nội, nhiều sâu khấu ở nhiều loại hình nghệ thuật khác nhau trên địa bàn thành phố đã triển khai, thu hút sự quan tâm của các trường học và đông đảo khán giả ở lứa tuổi học sinh.
Theo đề án, các đơn vị nghệ thuật sẽ phục dựng và dàn dựng 51 vở diễn trong 70 tác phẩm văn học đặc sắc trong chương trình giáo dục phổ thông. Dự kiến, bắt đầu từ năm 2024, sẽ tổ chức từ 1.800 đến 2.000 buổi diễn tại các trường học.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!