Gặp gỡ nghệ sĩ có 4 thệ hệ "say" kèn clarinet

PV-Thứ năm, ngày 22/07/2021 12:19 GMT+7

VTV.vn - Nghệ sĩ Nguyễn Tuấn Lộc sống trong gia đình mà có tới 4 thế hệ đều đam mê clarinet. Vì vậy, clarinet đã trở thành người bạn tri kỷ với nam nghệ sĩ.

Nghệ sĩ clarinet Nguyễn Tuấn Lộc là bè trưởng clarinet dàn nhạc giao hưởng TP.HCM. Anh được các nghệ sĩ trẻ kính trọng bởi sự đam mê trong công việc, nghiêm túc về chuyên môn cũng như trong âm nhạc. Với hơn 30 năm gắn bó với loại nhạc cụ này, anh đã và đang thực hiện nhiều dự án mang âm nhạc cổ điển đến với công chúng.

- Anh có thể chia sẻ về niềm đam mê của mình với kèn clarinet?

Tôi luôn có niềm đam mê với âm nhạc nói chung và cây kèn clarinet nói riêng. Sự gắn kết của tôi với cây kèn clarinet bởi truyền thống gia đình. Ông nội và cha tôi đều là những cây kèn clarinet nổi tiếng của Việt Nam. Tôi là thế hệ thứ 3 và hiện tại đã có thế hệ thứ 4 tiếp nối truyền thống vẻ vang ấy. Tôi đã gắn bó với kèn clarinet như người bạn tri kỷ suốt hơn 30 năm qua. Tôi hiểu thuộc tính của từng cây kèn mà tôi có. Từng giai âm của mỗi loại kèn sẽ có một cái tên riêng và đảm nhận những vai trò riêng trong từng bản nhạc để rồi cùng nhau vang lên những âm thanh đẹp nhất, mang những thông điệp yêu thương tới mọi người.

Gặp gỡ nghệ sĩ có 4 thệ hệ say kèn clarinet - Ảnh 1.

Nghệ sĩ Nguyễn Tuấn Lộc bắt đầu học Clarinet với cha từ năm lên 10 tuổi

- Điều gì đã khiến anh gắn bó với cây kèn clarinet, một nhạc cụ không được nhiều người chú ý?

Cây kèn clarinet luôn cuốn hút tôi. Những âm giai từ cây kèn gỗ ấy mềm mại như một dải lụa với những đường cong quyến rũ, nhưng cũng có lúc bão giông và đỏng đảnh như những cô nàng kiêu kỳ. Cả một thế giới đầy ắp những thông điệp của tình yêu và hạnh phúc. Những rung động với thế giới xung quanh, thức tỉnh những tâm hồn khô cằn, hoà mình và lắng nghe thiên nhiên... Tất cả chỉ có thể là âm nhạc và những âm thanh ấm áp nhưng trong sáng của cây kèn gỗ ấy. Tôi thấy một thế giới rộng mở chào đón mình khi những âm giai từ cây kèn clarinet vang lên.

- Vậy theo anh, để trở thành một nghệ sĩ chơi kèn clarinet cần những yếu tố gì?

Đơn giản, đó là tình yêu. Nơi mà hoa nở, nơi mà ngập tràn tiếng cười, nơi mà hạnh phúc lên ngôi và âm nhạc được thăng hoa là nơi mà tình yêu hiện diện. Tình yêu và lòng đam mê, đó là chìa khoá để nghệ sỹ đi tới thành công.

- Bên cạnh kèn clarinet, hình như anh còn đam mê nào khác?

Tôi, clarinet và saxophon là bộ ba hoàn hảo. Saxonphone là một loại nhạc cụ thông dụng không thể thiếu trong dàn nhạc nhẹ, nhạc hiện đại. Saxophone là hơi thở nồng nàn của cuộc sống: đắm say và tình tứ. Sự góp mặt của saxophone trong ban nhạc nhẹ là một nguồn cảm hứng không nhỏ cho các nghệ sỹ bởi sự hưng phấn khi các âm giai đẹp đẽ và cuốn hút ấy vang lên cùng với sự bắt mắt bởi hình dáng của cây kèn saxophone.

Năm 1996 và 1997, anh vinh dự tham gia Dàn nhạc trẻ châu Á (Asian Youth Orchestra) dưới sự chỉ huy của nhạc trưởng Sergiu Comissiona. Từ năm 1997 tới 2001, anh là giảng viên kèn Clarinet tại Nhạc viện Hà Nội. Hiện nay anh là Phó trưởng khoa Nhạc cụ phương Tây, Nhạc viện TP. Hồ Chí Minh.

- Điều anh mong muốn gửi đến khán giả khi chơi những nhạc cụ này là gì?

Âm nhạc chính là hơi thở của cuộc sống. Bất cứ loại nhạc cụ nào cũng mang tới chúng ta những thông điệp yêu thương và hàm chứa những điều tốt đẹp, truyền cảm hứng cũng như năng lượng tích cực đến người nghe. Những âm thanh ấm áp, mềm mại của cây kèn clarinet hay những giai âm nồng nàn, quyến rũ từ cây kèn clarinet đều đưa chúng ta tới một điểm chung: tình yêu và những năng lượng tích cực của cuộc sống. Đó là thông điệp tôi muốn gửi tới khán giả mỗi khi đứng trên bất kỳ sân khấu nào hay với tất cả những học sinh, sinh viên mà tôi đang trực tiếp giảng dạy tại Nhạc viện TP.HCM nói chung và khoa Nhạc cụ phương Tây nói riêng.

- Theo anh, làm thế nào để nhạc cụ cổ điển có thể tiếp cận được giới trẻ hơn?

Gặp gỡ nghệ sĩ có 4 thệ hệ say kèn clarinet - Ảnh 3.

Nghệ sĩ Nguyễn Tuấn Lộc và con trai

Theo tôi, muốn nhạc cụ cổ điển tiếp cận được giới trẻ chúng ta cần có những chương trình như phổ cập âm nhạc, truyền bá rộng rãi bằng những bản nhạc gần gũi, dễ nghe, dễ hiểu. Rút ngắn khoảng cách giữa âm nhạc cổ điển và khán thính giả mọi tầng lớp, đặc biệt là giới trẻ. Đó cũng chính là nỗi trăn trở của tôi cũng như các đồng nghiệp khi muốn đưa âm nhạc cổ điển tới gần hơn với giới trẻ. Chúng tôi cũng muốn tạo nên gu thẩm mỹ mới về âm nhạc nói chung của thế hệ trẻ. Chính vì vậy, sau những ấp ủ và hoài bão về âm nhạc, đứa con tinh thần của tôi đã ra đời với tiêu chí đưa âm nhạc tới mọi nhà. Tại đây, tất cả các giáo viên đều là giảng viên của nhạc viện TP HCM với kim chỉ nam âm nhạc gắn kết, dẫn lối và phát triển. Các bé và tất cả các quý phụ huynh cũng như những người yêu nhạc đều đượ chào đón tại ngôi nhà âm nhạc ấy. 

Hiện tại, ngoài công việc giảng dạy tại nhạc viện thành phố Hồ Chí Minh, tôi cũng dành nhiều tâm huyết cho đứa con tinh thần này. Bởi nơi đó luôn là niềm vui, nơi tràn ngập tiếng cười và năng lượng cuộc sống và âm nhạc luôn được thăng hoa. Đó là niềm đam mê và nỗ lực vô bờ bến của tôi với âm nhạc, bởi nó chính là cuộc sống của tôi.

- Xin cảm ơn chia sẻ của anh!

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước