Diễn viên chèo tập hát tuồng, diễn viên tuồng tập hát cải lương, tình trạng cắt giảm nhân lực và sáp nhập cơ học tại các đoàn nghệ thuật địa phương thời gian qua đang tạo ra nguy cơ nghiệp dư hóa các đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp, phai nhạt bản sắc các bộ môn nghệ thuật truyền thống. Tinh gọn nhưng phải nâng cao chất lượng, bài toán sáp nhập các đoàn nghệ thuật cần được thực hiện ra sao? Câu hỏi này đã được phân tích trong chương trình Vấn đề hôm nay lên sóng ngày 3/8, với sự tham gia của TS. Nguyễn Đăng Chương – Phó Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam.
TS. Nguyễn Đăng Chương – Phó Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam
Thực hiện Nghị quyết của Hội nghị lần thứ 6 Ban chấp hành Trung ương Đảng về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức, quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập, từ năm 2017 tới nay các địa phương đã sắp xếp lại, nâng cao năng lực của các đơn vị nghệ thuật biểu diễn công lập, theo hướng mỗi tỉnh thành phố thuộc trung ương chỉ giữ lại một đoàn nghệ thuật truyền thống tiêu biểu của địa phương, còn các đơn vị nghệ thuật khác chuyển sang hình thức ngoài công lập, hợp nhất trung tâm văn hóa vào đoàn nghệ thuật cấp tỉnh thành một đầu mối. Đây là chủ trương đúng nhưng trong quá trình thực hiện đã phát sinh nhiều vấn đề như sáp nhập nhà hát tuồng, chèo, cải lương thành một đã khiến các nhà hát phải rút gọn biên chế, một nghệ sĩ phải biểu diễn nhiều môn nghệ thuật khác nhau, khiến chất lượng chuyên môn đi xuống…
Theo TS. Nguyễn Đăng Chương đánh giá, việc sáp nhập làm theo cơ học phát sinh nhiều vấn đề, đặc biệt là thui chột khát vọng sáng tạo của người nghệ sĩ. Điều đó rất nguy hiểm.
"Các cụ nói nhất nghệ tinh, giờ diễn viên chèo đi tập kịch nói, diễn viên kịch tập chèo làm tâm tính, nguyện vọng, nhận thức của người sáng tạo bị thui chột, lu mờ" – TS. Nguyễn Đăng Chương nói – "Điều thứ hai là sự hòa đồng bản sắc của các loại hình nghệ thuật. Ở đây nói hòa đồng là còn nhẹ vì thậm chí sẽ là đánh mất bản sắc, bởi mỗi loại hình có đặc trưng riêng. Vấn đề thứ 3 là nghiệp dư hóa chuyên nghiệp. Khi những nét đặc trưng của mỗi loại hình bị nhòa đi thì sẽ trở thành nghiệp dư".
Ở nhiều địa phương, một hiện tượng khác xảy ra là sáp nhập trung tâm văn hóa với đoàn nghệ thuật, trong khi hai loại hình này có đặc thù hoạt động khác nhau. Điều này cũng khiến nghiệp dư hóa nghệ thuật chuyên nghiệp.
"Qua các cuộc liên hoan nghệ thuật gần đây, phong trào reo vừng ra ngô đang rộ lên" – ông Nguyễn Đăng Chương chia sẻ tiếp – "Diễn viên kịch sang diễn chèo thì không ra chèo, diễn viên chèo sang diễn kịch thì không ra kịch. Hiện nay, các bộ môn nghệ thuật truyền thống đang bị kịch hóa rất nhiều, như chèo nhưng thực chất là kịch nhưng lồng ca khúc".
Giảm đầu mối, không giảm đầu tư
Thực tế, tại nhiều địa phương, chi tiêu ngân sách Nhà nước cho các đơn vị nghệ thuật công lập, trong đó có các đoàn nghệ thuật, còn rất lớn. Một số đơn vị thua lỗ, lãng phí, tiêu cực. Hiện nay, sau khi thực hiện sắp xếp theo tinh thần Nghị quyết 19, cả nước có gần 90 đoàn nghệ thuật địa phương, giảm gần 20% đầu mối so với trước.
Việc sắp xếp lại là để Nhà nước phát huy nguồn lực bảo tồn, phát huy những loại hình nghệ thuật truyền thống tiêu biểu, không đầu tư dàn trải, không phải cắt giảm chi phí đầu tư cho văn hóa nghệ thuật. Tại một số tỉnh thành, sau khi sắp xếp sáp nhập lại các đơn vị nghệ thuật, địa phương còn bố trí ngân sách lớn hơn để nâng cao chất lượng nghệ thuật chuyên nghiệp.
"Ngày 19/8/2014, Chính phủ đã có Quyết định số 1456 phê duyệt quy hoạch tổng thể nghệ thuật biểu diễn đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030. Ở đây, đã đưa ra những điều rất chi tiết. Tuy nhiên, đến nay sau 9 năm, chúng ta không triển khai thực hiện quy hoạch này. Nói cách khác, quy hoạch này trở thành một quy hoạch treo. Trong khi nó vẫn còn giá trị thực tiễn lý luận. Tôi cho rằng nếu áp dụng nó sẽ giải quyết được một loại vướng mắc trong câu chuyện sáp nhập", ông Nguyễn Đăng Chương cho biết.
Một vấn đề lớn trong câu chuyện này là lãnh đạo các địa phương cần nhìn nhận rõ đâu là loại hình nghệ thuật truyền thống tiêu biểu mà địa phương cần bảo tồn, phát huy, còn lại phải mạnh dạn chuyển đổi để đỡ gánh nặng cho ngân sách. Việc sắp xếp thế nào để đảm bảo quyền lợi cho các nghệ sĩ đã cống hiến lâu năm cho nghệ thuật là bài toán không đơn giản. Có chuyên gia đã đề xuất giải pháp hình thành các nhà hát chuyên nghiệp theo vùng thay vì theo tỉnh, để đảm bảo tập trung nguồn lực đầu tư.
Tuy nhiên, theo TS. Nguyễn Đăng Chương giải pháp xây dựng nhà hát chuyên nghiệp theo vùng không thể thực hiện, về cả lý luận và thực tiễn. Bởi lẽ, đặc trưng nghệ thuật truyền thống của mỗi địa phương với mỗi loại hình lại khác nhau.
Nâng cao năng lực các đơn vị nghệ thuật biểu diễn công lập theo hướng tinh gọn, chuyên nghiệp, hiệu quả, đó là ý nghĩa cao nhất của chủ trương sắp xếp lại các đoàn nghệ thuật công lập tiêu biểu ở các địa phương. Nhưng thời gian qua, thực tế cho thấy việc sắp xếp chỉ mới dừng ở tinh gọn, chưa hiệu quả và chưa đạt yêu cầu chuyên nghiệp,
Việc bảo tồn, phát huy, phát triển văn học nghệ thuật cần đúng chủ trương, vừa thực hiện một cách linh hoạt, sáng tạo, phù hợp thực tiễn. Nếu chưa phù hợp thì cần có sự nghiên cứu, điều chỉnh. Bởi nghệ thuật truyền thống vốn đã dễ tổn thương trong đời sống hiện đại, trong cơ chế thị trường. Nếu không có cách làm hợp lý thì sẽ đánh mất khán giả, từ đó là mai một các môn nghệ thuật truyền thống dân tộc.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!